Lái xe xài ma túy và nỗi sợ hãi "quan tài bay"

07:01 | 23/02/2014

1,889 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau sự kiện Sở Giao thông Vân tải (GTVT) Hải Phòng yêu cầu ngừng hoạt động 217 lái xe vì có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy và có bệnh lý về thị giác, thính giác thì nhiều địa phương cũng bắt đầu thí điểm xét nghiệm ma túy với tất cả các lái xe.

Hải Phòng là một địa phương “đặc thù” với rất nhiều các doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa – container hoạt động, mật độ tham gia giao thông rất đông. Trên cơ sở khảo sát thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện ở nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc, mà tài xế trực tiếp cầm lái có phản ứng dương tính với ma túy. Điều này đã khiến dư luận rất lo lắng, mỗi khi tham gia giao thông, đặc biệt trở thành những hành khách trên những chuyến xe, do các tài xế “phê” ma túy điều khiển.

Số tài xế không đảm bảo sức khỏe nói trên được phát hiện trong quá trình kiểm tra gần 7.500 tài xế từ tháng 7/2013 đến hết tháng 1/2014. Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hải Phòng, thông tin về những lái xe không đủ điều kiện sức khỏe, đặc biệt là nghiện ma túy đã được lãnh đạo Sở nắm từ lâu nhưng khó kiểm tra, xử lý vì một số doanh nghiệp vận tải không hưởng ứng. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, dựa vào Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT, Sở GTVT Hải Phòng đã triển khai hoạt động này.

Lái xe container nghiện hút trở thành nỗi kinh hoàng của người tham gia giao thông.

Được biết, Sở GTVT Hải Phòng đã kiểm tra 100% doanh nghiệp vận tải hành khách và hơn 80% đơn vị vận tải container. Sở này cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp phải thanh lý hợp đồng vĩnh viễn đối với lái xe có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy. Đồng thời, những trường hợp không đi khám sức khỏe tại bệnh viện theo chỉ định của Sở thì cũng cho nghỉ việc lập tức vì “phải có lý do thì mới không đi khám”. Số lái xe không đủ tiêu chuẩn sức khỏe khác cũng được yêu cầu nghỉ để chữa bệnh.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng cho rằng, việc chấm dứt sử dụng các lái xe không đủ điều kiện sức khỏe như nghiện hút là hợp lý. Tuy nhiên, việc này phải được triển khai theo đúng trình tự pháp luật.

Hẳn mọi người vẫn còn nhớ, vụ tai nạn xe khách thảm khốc xảy ra tại cầu Sêrêpốk vào đêm 17/5/2012 đã cướp đi 34 sinh mạng, làm 21 người bị thương. Chiếc xe khách này đang lưu thông bình thường bỗng lạng sang phải, đụng vào gờ chắn bê-tông và nổ lốp trước khiến xe mất kiểm soát, lật nhào xuống sông. Qua công tác điều tra, cơ quan chức năng phát hiện tài xế Phạm Ngọc Lâm (quê Nha Trang, Khánh Hòa, thiệt mạng trong vụ tai nạn) từng có tiền án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Dư luận đặt nghi ngờ, phải chăng lái xe này sử dụng chất ma túy khi đang điều khiển phương tiện là nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn thảm khốc?

Các y, bác sĩ đang khám sức khỏe cho lái xe của một công ty vận tải ở Hải Phòng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Thực tế không chỉ Hải Phòng mới có tài xế nghiện hút mà có thể ở nhiều địa phương khác cũng có.

“Quá trình kiểm tra, đã phát hiện nhiều vụ TNGT nghiêm trọng có tài xế nghiện ma túy cầm lái, đặc biệt là lái xe tải, đây là một thực trạng rất đáng lo ngại.” – ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Được biết, Ủy ban ATGT Quốc gia tiến hành khảo sát thí điểm ở một số địa phương từ vài năm trước, như Đắk Lắk; Quảng Ngãi… Trong đó đáng chú ý, Đắk Lắk có gần 100 trường hợp lái xe cho kết quả dương tính với ma túy; còn ở Hải Phòng mới đây đã loại bỏ hơn 200 trường hợp lái xe do nghiện ma túy.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

“Thực tế, việc thanh kiểm tra để phát hiện các trường hợp này không đơn giản. Thứ nhất, phải có trang thiết bị y tế đầy đủ mới “xét nghiệm” và phát hiện được, trong khi lực lượng chức năng lại chưa được trang bị. Thứ hai, triển khai việc này cũng liên quan đến vấn đề kinh phí, mà doanh nghiệp thì luôn muốn tiết kiệm. Hơn nữa, kiểm tra sẽ khiến nhiều tài xế bị buộc thôi việc nếu không đủ điều kiện, nên nhiều trường hợp cũng trốn tránh, hoặc được chủ DN “lờ” đi. Tuy nhiên, việc loại bỏ những tài xế nghiện ra khỏi vô lăng là xuất phát từ lợi ích của DN, cũng như ngăn chặn những hệ quả do lái xe bị lệ thuộc vào các chất gây nghiện gây ra. Nên các DN sau khi hiểu ra vấn đề sẽ chấp nhận bỏ kinh phí, chủ động tiến hành – khoảng 60 đến 70 nghìn đồng/1 trường hợp xét nghiệm.” – ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.

Theo các quy định của pháp luật, khi tuyển dụng lái xe, DN phải ký hợp đồng lao động đối với người lao động. Người lái xe phải khám sức khỏe tại các cơ sở y tế, để được cấp giấy chứng nhận sức khỏe. Từ đó để xác định tài xế có đủ sức khỏe để đảm nhận công việc hay không? Luật Giao thông đường bộ cũng có quy định cấm hoàn toàn hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu, hơi thở dương tính với các chất ma túy. Mức phạt đối với hành vi này từ 8 - 10 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần nam và điều trị nghiện chất (Phòng T4 - Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, chính áp lực tăng chuyến là nguyên nhân khiến lái xe dùng ma túy. Theo lời của bác sĩ Dũng, tài xế sử dụng ma túy, chất kích thích nhằm mục đích duy trì thời gian lái lâu và nhanh hơn. Tuy nhiên, trên thực tế ngoài việc chống buồn ngủ và mệt mỏi, những chất kích thích này có tác dụng kích thích tâm thần, làm giảm khả năng tư duy, phán đoán khi tham gia giao thông.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Dũng cũng cho biết, bản thân Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cũng đang tiến hành điều trị cho nhiều tài xế nghiện ma túy. Những đối tượng nghiện ma túy nói chung nếu không quyết chí cai thì cuộc đời sẽ tàn lụi. Tàn lụi về tài sản, về sức khỏe, tàn lụi về tương lai, sự nghiệp, rồi HIV, AIDS...  tàn lụi cả danh dự, nhân phẩm. Đó là chưa kể nỗi đau tận cùng mà họ gây ra cho cha mẹ, vợ con, cho người thân và xã hội. Và cái chết chờ đợi họ ở phía trước.

Còn theo ý kiến ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, rất khó chờ đợi sự chủ động của các DN trong việc kiểm soát sức khỏe của tài xế, chỉ một số ít DN chủ động và nghiêm túc thực hiện việc này. “Để buộc DN phải khám sức khỏe định kỳ thường xuyên (chu kỳ vài tháng/lần) cho lái xe, phải có thông tư quy định rõ. Điều này liên quan đến ngành y tế. Nếu Bộ Y tế có thông tư về quy định khám sức khỏe, có quy chuẩn riêng với lái xe trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bao nhiêu lần/năm thì DN mới thực hiện”, ông Hùng nói.

Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT.

Ông Hùng cũng cho biết, việc trang bị thiết bị test nhanh kiểm tra ma túy với tài xế cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tại các trạm gác rất cần thiết. “Nếu làm được điều này rất tốt, chúng tôi cũng mong Bộ Công an phối hợp với ngành y tế để thực hiện”, ông Hùng nói và kiến nghị bổ sung thêm quy định DN phải thực hiện khám sức khỏe đột xuất (trong đó có quy định ai được kiểm tra, kiểm tra những gì...), vài tháng/lần phải kiểm tra đột xuất bên cạnh các kỳ định kỳ với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm tài xế, vừa đảm bảo an toàn giao thông chung, vừa bảo vệ quyền lợi sức khỏe cho người lái xe.

Dư luận hy vọng lần này các ban ngành sẽ làm quyết liệt, loại bỏ những người nghiện ma túy ra khỏi nghề lái xe. Bởi ai cũng hiểu rằng tài xế mà chơi ma túy thì chẳng khác nào đang điều khiển “quan tài bay”. 

Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc