Kỳ tích Thủy điện Lai Châu!

08:11 | 07/08/2015

1,831 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là công trình trọng điểm quốc gia, Thủy điện Lai Châu được khởi công vào ngày 5-1-2011 và theo dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017. Nhưng với tinh thần quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm của tập thể cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý Dự án Thủy điện Lai Châu và các nhà thầu thi công, Thủy điện Lai Châu sẽ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12-2015, hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2016, vượt tiến độ 1 năm. Đây có thể xem là một kỳ tích nữa của ngành điện sau Thủy điện Sơn La - kỳ tích của những người lính thủy điện Việt Nam tạo nên!  

Thắng thời tiết, vượt tiến độ

Một ngày cuối tháng 6, theo những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn như dải lụa vắt ngang núi, giữa bốn bề xanh ngắt của núi rừng Tây Bắc, chúng tôi đã tìm lên Thủy điện Lai Châu để gặp, để nói chuyện với những con người đã làm ra công trình bề thế, kỳ vĩ này!

Kỳ tích Thủy điện Lai Châu!
Toàn cảnh khu vực thi công đặt nhà máy

Anh Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng Kỹ thuật (Ban Quản lý Thủy điện Lai Châu), người đã gắn bó với công trình Thủy điện Lai Châu từ những ngày đầu cho biết: Cũng như các công trình thủy điện khác, Thủy điện Lai Châu nằm ở nơi núi thẳm, rừng sâu, heo hút, đường xá đi lại vô cùng khó khăn. Có khác là sự khắc nghiệt của thời tiết. Mùa hè thì nóng như thiêu, như đốt, nhiệt độ thường xuyên trên 40oC. Còn mùa đông thì ngày nắng hanh, đêm thì sương rơi thành giọt như mưa phùn, nhiệt độ có lúc xuống thấp, có khi chỉ 7-8oC. Mưa nắng thất thường, có khi đang nắng chang chang trời bỗng đổ mưa. Việc thi công, xây dựng công trình vì thế chịu tác động rất lớn.

Thời tiết khắc nghiệt là vậy nhưng theo anh Tùng, cái khó, cái khổ lớn nhất mà người lính thủy điện phải đối diện lại là cuộc sống xa gia đình, xa vợ con. Nhiều người vì nhiệm vụ đã phải bám trụ tại công trường nhiều tháng trời. Vợ ốm, con đau có khi cũng không thể về, chỉ biết gọi điện thoại hỏi thăm được mấy câu rồi thôi. Việc lớn, việc nhỏ vì thế đều phó mặc cho người vợ ở nhà. Ngay như dịp tết nguyên đán vừa rồi, giữa lúc người người, nhà nhà sum họp đón năm mới, hàng ngàn cán bộ, công nhân viên vẫn bám trụ trên công trường. Không quản nắng mưa, họ như những con ong thợ cần mẫn đào đất, lấp đá… để từng hạng mục công trình của Thủy điện Lai Châu hoàn thành một cách sớm nhất.

Thách thức mà những người lính thủy điện phải đối diện là thế, nó không đơn giản là chuyện khắc nghiệt của thời tiết mà còn là những phút giây chống trọi với nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình vượt qua cả cái cảm giác cô đơn, tẻ nhạt nơi núi rừng Tây Bắc. Nói như Nguyễn Tiến Kiên - cán bộ Kỹ thuật Ban Quản lý Dự án Thủy điện Lai Châu, càng trong khó khăn, thách thức thì bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần cống hiến, ý chí khát vọng của người lính làm thủy điện càng được khẳng định. Họ trải qua những đêm dài giữa trốn rừng sâu với bốn bề thăm thẳm một màu đen kịt, là những ngày mưa dầm dề thối đất, thối cát khiến nỗi cô đơn, nhớ nhà, nhớ gia đình, người thân đến da diết!

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Phạm Hồng Phương - Giám đốc Ban quản lý Dự án Thủy điện Lai Châu cho hay, tính đến thời điểm này, khoảng 95% khối lượng thi công, xây dựng và khoảng 50% khối lượng lắp đặt máy móc, thiết bị đã hoàn thành. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của tập thể, cán bộ công nhân viên trên công trường, đặc biệt là trong bối cảnh thời tiết ở Lai Châu vô cùng khắc nghiệt. Trên công trường lúc nào cũng có hàng ngàn lao động, mỗi người mỗi việc, mỗi đơn vị một hạng mục thi công, ai nấy đều cố gắng hoàn thành sớm nhất phần việc của mình.

“Không quản nắng mưa, những người lính thủy điện đang từng ngày viết nên một kỳ tích mới cho ngành điện nơi thượng nguồn sông Đà, đưa Thủy điện Lai Châu vượt tiến độ 1 năm so với kế hoạch đề ra. Công trường hầu như không ngủ, ngày cũng như đêm, cán bộ, kỹ sư, công nhân chia 3 ca, làm việc liên tục không ngừng nghỉ, tiếng máy móc, thiết bị rền vang cả một góc rừng” - ông Phương nói.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng trong buổi làm việc, kiểm tra thực tế công tác thi công Thủy điện Lai Châu mới đây cũng đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của tập thể, cán bộ công nhân viên Ban Quản lý dự án và các nhà thầu thi công. Việc công trình Thủy điện Lai Châu vượt tiến độ 1 năm không chỉ giải quyết nhu cầu điện cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần trị thủy trên hệ thống sông Đà, sông Hồng, giúp hạn chế sức tàn phá của thiên nhiên, đảm bảo an toàn vùng hạ du… mà làm lợi cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.

Biểu tượng vượt khó

Trong số các công trình thủy điện đang được xây dựng, Thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện có công suất lớn nhất. Công trình được đặt tại thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), phía thượng nguồn sông Đà và là bậc trên của thủy điện Sơn La. Công suất lắp đặt của nhà máy là 1.200MW, sau khi hoàn thành sẽ cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.700kWh. Không chỉ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước, công trình Thủy điện Lai Châu còn có nhiệm vụ cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

Cũng như công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy Thủy điện Lai Châu do 100% cán bộ, kỹ sư người Việt Nam thi công, từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công, xây dựng, vận chuyển, lắp đặt máy móc… Và việc đưa thủy điện Lai Châu về đích sớm 1 năm, theo ông Phương là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà thầu thi công đã mạnh dạn áp dụng các công nghệ thi công, xây dựng mới vào quá trình thi công, xây dựng nhà máy. Ở Lai Châu, có điều thuận lợi hơn là những những công nghệ đó đều đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Thủy điện Sơn La. Tuy nhiên, với mỗi công trình thủy điện, nó đều có những đặc thù riêng, Lai Châu là khu vực địa chất khá yếu, đòi hỏi nhà thầu thi công phải gia cố, xử lý rất phức tạp.

Cũng theo ông Phương, trong quá trình thi công, xây dựng, EVN nói chung và Ban Quản lý Dự án Thủy điện Lai Châu nói riêng đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và của các bộ, ngành Trung ương thông qua Ban Chỉ đạo Nhà nước về Dự án Thủy điện Lai Châu. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả của chính quyền địa phương các cấp nơi công trình, tuyến công trình được triển khai. Đó là sự hỗ trợ, phối hợp của UBND tỉnh Lai Châu, Điện Biên. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản, cốt lõi để đưa công trình về đích sớm 1 năm là nhờ sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên các lực lượng tham gia thi công xây dựng công trình bao gồm Ban Quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công, cung cấp thiết bị...

Nguyên Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh trong buổi lễ đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa cũng nhấn mạnh: Việc Nhà máy Thủy điện Lai Châu về đích sớm một lần nữa chứng minh khả năng vượt khó, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ của người thợ thủy điện Việt Nam. Và cùng với Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu chính là niềm tự hào của trí và lực Việt Nam, là biểu tượng vượt khó khăn, thách thức của ngành điện Việt Nam.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 445