Thực trạng đời sống gia đình Việt Nam:

Kinh hoàng nạn vợ đánh chồng

13:55 | 24/06/2015

12,838 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ trước tới nay, bạo hành gia đình người ta thường chỉ nghĩ đến chồng bạo hành vợ, đàn ông bạo lực với đàn bà, phái mạnh bạo lực với phái yếu. Thế nhưng hiện nay, bạo lực gia đình không giới hạn theo “một chiều” này nữa mà đã “đối xứng” cả hai bên. Nghĩa là có cả vợ bạo hành chồng và tỷ lệ cũng như hậu quả của nạn bạo hành “ngược” này không hề thua kém so với hậu quả của việc chồng đánh vợ.

“Con giun xéo mãi cũng quằn”

Câu chuyện sắp kể dưới đây mặc dù đã khép lại sau khi Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại án TP Hồ Chí Minh xử án. Mỗi khi nói đến bạo hành gia đình, nhất là “bạo hành ngược” không thể không nhắc đến vụ án này bởi sự “phàm phu tục tử”, người vợ lúc nào cũng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với chồng.

Giận ít - đánh, giận nhiều - đánh, làm trái ý cũng đánh… Tóm lại, “đánh” là ứng xử thường trực của người vợ đối với người đang làm cha của 3 đứa con mình. Điều đáng nói hơn là người chồng ấy bị tật nguyền teo chân tay từ bẩm sinh, mắt mờ, không đủ sức để chống đỡ lại những cơn thịnh nộ của vợ. Ấy vậy mà người vợ “bất biết” vẫn cứ đấm, đá, tát cho hả cơn giận của mình.

Đó là Nguyễn Thị Bé, ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Còn chồng là Đào Văn Phượng.

Hai vợ chồng Bé - Phượng lấy nhau cũng trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Bé khi đó đã có 2 con, ly dị chồng. Phượng thì “chưa mảnh tình vắt vai” nhưng nhà lại nghèo, tàn tật nên mãi đến năm 39 tuổi Phượng mới biết thế nào là yêu và được yêu khi gặp Bé. Tình yêu ấy còn đơm hoa kết trái cho ra đời một đứa trẻ khỏe mạnh. Khi đứa con chung ra đời, tưởng như vợ chồng Bé Phượng sẽ gắn bó, hạnh phúc “ăn đời ở kiếp”, đẩy lùi cái nghèo cái khó bủa vây xung quanh.

Đào Văn Phượng đến đầu thú tại công an xã Suối Cát

Nào ngờ, thêm một miệng ăn, thêm nhọc nhằn, vất vả nên thêm cả sự vũ phu vốn tiềm ẩn trong bản tính của Bé. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn là Bé đều “xử” chồng bằng cách đấm đá, chửi bới. Mà nguyên nhân của tất cả những hành động vũ phu đó đều được coi là chỉ vì… nghèo.

Chỉ mỗi chuyện như thế này mà Bé đánh chồng như đòn thù để rồi trong tình trạng “con giun xéo mãi cũng quằn”, Phượng đã rút dao đâm Bé.

Tháng 3/2014, vợ chồng Phượng mua một chiếc xe đạp mới cho con đi học, thay chiếc xe đạp cũ đã tróc sơn. Chị gái Bé thấy vậy xin lại chiếc xe cũ nhưng vì “phòng” xe này hỏng thì có xe khác đi nên Phượng không đồng ý. Tuy nhiên, do nể chị gái nên dù chồng không đồng ý, Bé vẫn cho chị chiếc xe đạp. Tiếc chiếc xe đạp nhưng tiếc hơn là phải bao nhiêu thời gian tiết kiệm, vợ chồng Phượng mới mua được, vậy mà Bé cho đi một cách dễ dàng. Do đó, Phượng giận lắm nhưng cũng chỉ dám “mặt nặng mày nhẹ” với Bé.

Còn Bé biết thái độ của chồng lập tức nổi cơn tam bành, lặp lại hành động cũ là đánh đập, rỉa rói chồng rồi mang theo 3 đứa con ra ngoài thuê nhà trọ sống. Khi Phượng sang nhà thuê của Bé để vừa năn nỉ Bé quay về, vừa xin lại sổ trợ cấp cho người tàn tật mà Bé đang giữ, Bé lại “dần” tiếp cho chồng một trận nữa.

Sợ quá và hơn nữa thấy nhục với bà con xóm làng vì suốt ngày bị vợ đánh, Phượng “thủ” một con dao để nếu Bé mà hành hung tiếp, Phượng sẽ chống trả. Tưởng đó chỉ là ý nghĩ nào ngờ diễn ra thật, ngày 12/3/2014, lúc Bé đang ngồi trước cửa hàng điện thoại ở ấp Suối Cát 1, Phượng lại ngồi gần để làm lành. Nhưng vừa ngồi xuống chưa kịp cất lời nói, Phượng đã bị Bé tát lấy tát để vào mặt.

Không chịu nổi thái độ, “đòn thù” của vợ, Phượng đã rút dao đâm Bé liên tiếp khiến Bé tử vong tại chỗ. Phượng bị Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai xử 12 năm tù.

Đánh chồng đến liệt nửa người

Không chỉ Phượng mà có không ít đàn ông khi làm chồng phải chịu như vậy. Như anh Bùi Viết Liên, ở xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cũng bị vợ đánh cho “liên hồi kỳ trận”, biến cuộc sống hôn nhân của anh thành địa ngục nơi trần gian.

Anh Liên chia sẻ với báo chí: “Năm 1988, sau khi tìm hiểu, tôi đã cưới Sương (Nguyễn Thị Sương) và có tới 4 đứa con chung. Nói vậy để thấy không phải là vợ chồng tôi không thương nhau. Nhưng kể từ khi kinh tế gia đình sa sút vào năm 2008, cuộc sống hôn nhân của chúng tôi lâm vào bi kịch, vợ chồng hay cãi vã, mâu thuẫn nhau. Đáng buồn hơn, Sương thay tâm đổi tính trở nên cục cằn, thô lỗ, vũ phu, thường xuyên đánh đập tôi dã man không hề thương xót. Cứ sau mỗi lần đánh tôi như vậy, Sương lại bỏ nhà đi…”.

Ông Bùi Viết Liên bị vợ đánh đến liệt nửa người

Anh Liên kể tiếp: “Nhưng kể ra, cô ấy cứ ở nhà và như vậy còn đỡ hơn sau mỗi lần cô ấy bỏ nhà đi và trở về. Vì mỗi lần trở về là cô ấy lại hung hãn hơn, tàn bạo hơn, đánh chồng không thương tiếc. Chỉ vì mỗi lý do “không có tiền” để có thể sống một cuộc sống đầy đủ. Tôi đã nhẫn nhịn, câm lặng để các con tôi được êm ấm. Nhưng càng nhẫn nhịn, câm lặng, Sương càng lấn tới như không có điểm dừng. Thậm chí, Sương bắt tôi ly hôn và chia tài sản. Khi tôi không đồng ý, Sương đã đã dùng bất kể thứ gì có được để đánh tôi những đòn “chí mạng”.

Đỉnh điểm là trưa ngày 20/12/2014, anh Liên đã bị vợ mình cầm gậy gỗ đánh liên tiếp vào đầu dẫn đến bất tỉnh sau khi anh không đồng ý ly hôn. Vô cảm hơn, khi thấy chồng bất tỉnh, Nguyễn Thị Sương đã không đưa anh đi cấp cứu mà thản nhiên trả lời khi người hàng xóm hỏi: “Em mới đánh cho nó một trận nhừ tử đấy”.

Trước thái độ của Sương, dẫu là người ngoài nhưng nhìn tình cảnh của anh Liên lúc đó, người hàng xóm đã đưa anh đi cấp cứu tại BV Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh. Theo kết luận của các bác sĩ, do bạo hành của vợ mà anh Liên đã bị chấn thương sọ não, liệt nửa người và nói năng không còn lưu loát”.

Hiện nay, anh Liên đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do Sương đang nuôi con nhỏ nên vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

(Còn tiếp)

Tú Anh

(Năng lượng Mới)