70 năm ngày giải phóng Auschwitz:

Kinh hoàng Auschwitz!

07:16 | 05/02/2015

3,953 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi lính Hồng quân đến, quang cảnh trại tập trung Auschwitz không khác gì bình địa. Chẳng còn lại gì trừ thây người chết khô cứng và những người đang quằn quại chờ tiếng gọi tử thần. Họ là nạn nhân vụ thảm sát tập thể lớn nhất lịch sử nhân loại. Nếu không có Hồng quân, tấn thảm kịch này không biết kéo dài đến lúc nào. Lính Xôviết đã ghi lại cho lịch sử những thước phim tư liệu cảnh thê lương tại trại tập trung - một vết nhơ không bao giờ có thể xóa mất khỏi trang sử Thế chiến II.

Năng lượng Mới số 396

Ngoài sức tưởng tượng!

Đảng Quốc xã bắt đầu tạo dựng thế lực vào năm 1933 và chỉ sau vài năm đã trở thành mối đe dọa hòa bình thế giới. Tháng 9/1941, Adolf Hitler ra lệnh tất cả người Do Thái từ 6 tuổi trở lên phải mang trên ngực ngôi sao David - biểu tượng của Do Thái. Thời điểm này, số dân Do Thái ở Đức khoảng 160.000 người mà phân nửa trong số đó ở Berlin đã bị dồn vào các căn hộ tập trung, đôi lúc có hơn 20 người sống chen chúc. Người Do Thái bị thiết quân luật.

Đến đầu năm 1942, càng tồi tệ hơn khi dân Do Thái bị tước quyền sử dụng tất cả công cụ điện tử, máy chụp ảnh, xe đạp và máy đánh chữ. Họ còn bị cấm không được mua bán thuốc lá, sữa, trứng, cá, thịt và cả bánh mì. Từng ngày một, cuộc sống của họ càng bị đóng khung trong hầu hết sinh hoạt xã hội. Ở thôn quê, cuộc sống dân Do Thái càng gần với địa ngục.

Ở thành phố, Đức Quốc xã chưa dám mạnh tay vì sợ áp lực từ giới báo chí quốc tế lúc này còn khá đông, đặc biệt ở thủ đô Berlin. Chỉ thời gian ngắn sau, Quốc xã tìm cách tống khứ giới quan sát viên quốc tế không thân thiện. Khắp nơi, không khí căng thẳng và nặng nề bao trùm người Do Thái, nhất là khi họ biết rằng đã có nhiều vụ bắt bớ công khai để chuyển “đối tượng tình nghi” vào trại tập trung. Chuyện đó xảy ra lần đầu tiên vào ngày 18/10/1941.

Cổng trại Auschwitz

Hôm đó, 1.013 người Do Thái bất ngờ bị bắt không lý do và được chuyển đến khu tập trung Lodz (Ba Lan). Hơn 6 tuần sau, lại có thêm 6 chuyến chở dân Do Thái rời Berlin, mỗi chuyến cũng bằng ngần ấy người. Cho đến thời điểm mà Đức quốc xã “làm cỏ” châu Âu, số người Do Thái tại Berlin càng ít dần. Một số mất tích vĩnh viễn, không ai biết; và một số bị sung công lao dịch cho quân đội Hitler. Joseph Goebbels - Bộ trưởng Tuyên truyền Quốc xã, một trong những người đề ra kế hoạch Giải pháp cuối cùng (có nghĩa thủ tiêu toàn bộ dân Do Thái) - viết trong nhật ký (đề ngày 11/5/1942): “Vẫn còn 40.000 tên Do Thái sống ở Berlin. Tuy chúng đã chịu nhiều đòn giáng của “cú đấm sắt” nhưng tiếp tục ngoan cố. Có lẽ tạm thời ngưng dùng biện pháp khác vì quân đội chúng ta đang cần lực lượng lao dịch trong các nhà máy sản xuất vũ khí”.

Tuy nhiên, Goebbels liên tục thúc Hitler phải tống hết người Do Thái còn lại ra khỏi thủ đô. Hắn tỏ vẻ hài lòng khi viết trong nhật ký (đề ngày 30/9/1942): “Quốc trưởng đã quyết định trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không để sót lại một kẻ Do Thái ở Berlin”. Ngày 27/2/1943, lực lượng SS thực hiện chiến dịch càn quét, với mật danh Fabrikaktion. Dân Do Thái cố thoát khỏi trận càn này. 

Cuộc thảm sát man rợ

Tháng 4/1940, Heinrich Himmler - Chỉ huy trưởng SS đồng thời cai quản Cơ quan mật vụ Gestapo - ra lệnh thành lập trại Auschwitz và giao quyền giám sát trực tiếp cho Rudolf Hoss. Hai tháng sau, trại bắt đầu nhận những tù nhân đầu tiên: 728 tù chính trị Ba Lan. Sau đó, trại ngày càng đông do số lính Liên Xô bị bắt ngày càng nhiều. Tháng 10-1941, khi trại Auschwitz nhận chỉ thị phải biến thành lò hỏa thiêu để hủy diệt dân Do Thái, loạt lò hỏa thiêu, tháp canh và hàng rào dây thép có mắc điện được dựng lên tại Birkenau gần đó.

Dụng cụ “đóng dấu” nạn nhân Auschwitz

Tháng 5/1943, tên đồ tể mệnh danh “bác sĩ” Josef Mengele được cử đến với “trọng trách” thực hiện loạt thử nghiệm trên cơ thể trẻ em, người lùn và những anh em sinh đôi. Không lâu sau, Mengele - còn được gọi “Thiên thần của cái chết” - trở thành kẻ nắm quyền sinh sát tất cả tù nhân. Tháng 7/1942, chuyến chở người Do Thái đầu tiên từ Hà Lan đến đã làm tăng vọt lên đến con số hàng ngàn nạn nhân Do Thái bị bắt khắp châu Âu (Pháp, Slovakia, Hy Lạp, Hungary...). Không chỉ người Do Thái, tù nhân Auschwitz còn thuộc nhiều thành phần khác: Tù chính trị Ba Lan, những kẻ đồng tính và cả tội phạm hình sự.

Hầu hết tù nhân đều bị cạo trọc - kể cả nữ - và không ai trong số họ có thể đoán được số phận bạn mình cũng như chính bản thân mình tại trại tập trung này. Một nữ tù nhân sống sót kể rằng khói lò thiêu lúc nào cũng bốc đen nghịt bầu trời và mùi thịt cháy ghê rợn đến độ nó trở thành nỗi ám ảnh liên tục và làm xúc giác bà gần như mất hẳn trong hàng chục năm! Mỗi ngày, tù nhân bị điểm danh hai lần và họ phải đứng cứng như tượng gỗ, thông thường kéo dài đến hàng giờ. Bọn SS đi từng hàng kiểm tra, quật thẳng tay hoặc đá tới tấp tù nhân nào không đứng thẳng. Sau đó, đám tù nhân lếch thếch đi quanh sân trại, đến phân xưởng, hầm mỏ và công trường xây dựng. Họ kéo lê bước chân mệt mỏi - và thật mỉa mai - lại có dàn nhạc cất tiếng khi họ đi ngang qua.

Bên trong Auschwitz

Mỗi tù nhân buổi sáng được phát một cốc cà phê; trưa - một bát súp loãng; và chiều - một mẩu bánh mì. Thành phần được chọn làm việc bị xăm một con số vào cánh tay trái, được phát đồng phục, bát và thìa. Hầu hết trong bọn họ chỉ sống được vài tuần hoặc nhiều lắm vài tháng. Kẻ nào muốn tồn tại chỉ còn cách duy nhất trộm thức ăn bạn tù. Trong cộng đồng gồm toàn người cùng cảnh ngộ, không phải luôn luôn tù nhân thương yêu nhau. Họ có thể dùng thủ đoạn giết nhau trước khi bàn tay SS đặt đến. Một phương cách dễ thực hiện nếu muốn ám hại kẻ khác là đánh cắp mũ của anh ta, vì trong buổi điểm danh sáng, tù nhân nào không đội mũ xem như chắc chắn bị giết.

Cũng có trường hợp thoát chết trong tình huống kỳ lạ khó ngờ. Sau bốn ngày chịu đựng cơn đau vì bệnh đường ruột, Max Garcia - người Do Thái ở Hà Lan - được chuyển đến trạm xá. Người ta tin chắc cuộc đời anh xem như chấm hết vì vào trạm xá đồng nghĩa với việc được tặng một “vé” vào cửa lò thiêu. Tuy nhiên, tên bác sĩ SS nhận thấy tình trạng Garcia là ca đặc biệt mà hắn chưa từng gặp nên quyết định thực hiện phẫu thuật. Sau đó, Garcia được đưa về trại, tính mạng an toàn. Trong khi đó, Sal De Liema thoát chết vì mắt kính của anh bị vỡ trước khi vào vòng khảo sát (lựa người nào làm việc hoặc người nào phải chết). Đơn giản, bọn SS không bao giờ tha mạng thành phần trí thức Do Thái.

Có nhiều vụ trốn thoát được tổ chức nhưng không lần nào thành công. Trong đó, cuộc đào tẩu của vợ chồng Mala Zimetbaum và Edward Galinski (Ba Lan) là vụ nổi tiếng nhất, trở thành huyền thoại được lan truyền trong đám tù nhân. Zimetbaun - mới 20 tuổi (năm 1944) - thông thạo nhiều thứ tiếng nên được bọn Quốc xã dùng làm thông dịch. Lợi dụng sự thuận tiện trong công việc, cô chuyển thông tin cho phong trào kháng Đức trong trại. Cô còn liều lĩnh tráo thẻ căn cước của những phụ nữ chết rồi để thế mạng cho nạn nhân còn sống. Zimetbaun yêu một tù nhân chính trị - E. Galinski. Họ bàn kế hoạch đào thoát bằng cách mua chuộc một tên SS cung cấp bộ quân phục. Galinski còn đánh cắp một giấy ra trại trong phòng bảo vệ.

Ba tên đồ tể (trái sang): bác sĩ Josef Mengele, Rudolf Hoess (Chỉ huy trưởng trại Auschwitz) và Josef Kramer (Chỉ huy trưởng Birkenau)

Ngày 24/6/1944, Galinski - trong bộ quân phục SS - dắt một nữ tù nhân (Zimetbaun) ra cổng trại Auschwitz. Hai tuần sau, SS tìm được hai người tại Nam Ba Lan. Án treo cổ ấn định vào ngày 15/9/1944. Phiên xử Galinski tiến hành trước. Anh tuột vòng dây treo khỏi cổ, đá tung cái ghế phía dưới và hét to: “Ba Lan muôn năm!”... Riêng Zimetbaun được xếp đứng trước một nhóm nữ tù nhân để nghe luận tội. Tuy nhiên, khi bọn lính chưa kịp thực hiện án treo cổ, Zimetbaun đã rút con dao cạo giấu trong người và cắt mạch máu cổ tay…

Giải phóng!

Ngày 20/8/1944, hơn 120 oanh tạc cơ từ căn cứ không quân Mỹ ở Foggia (Italia) ập đến Auschwitz, oanh tạc loạt phân xưởng tại Upper Silesia với mục tiêu chính là nhà máy I.G. Farben (còn được biết dưới cái tên quen thuộc “Buna”). Tuy nhiên, lực lượng đồng minh vẫn ngại không tấn công trực tiếp xuống trại Auschwitz vì sợ ảnh hưởng tính mạng tù nhân, cho đến khi các thủ lĩnh Do Thái ở Mỹ yêu cầu tiêu diệt các lò hỏa thiêu, tuy việc này có thể làm chết một số tù nhân nhưng cứu mạng cho hàng ngàn người khác.

Chiến dịch tấn công của Hồng quân bắt đầu đến tai tù nhân. Họ chuẩn bị nhiều phương án để chống lại SS, đồng thời phá trại. Những người làm việc trong phân xưởng sản xuất vũ khí - hầu hết nữ tù nhân - tìm cách tuồn thuốc súng ra ngoài. Một kế hoạch được đưa ra: Đầu tiên là tấn công các phòng hơi ngạt, giết đám lính bảo vệ, rồi cắt hàng rào xung quanh Auschwitz và Birkenau. Ngày 7/10/1944, SS đột ngột ra lệnh buộc 300 tù nhân “chuyển trại”, có nghĩa họ sắp bị giết. Họ quyết định chiến đấu chống lại. Vài cuộc kháng cự khác cũng chỉ giết được ba tên SS và cái giá phải trả là 451 tù nhân bị bắn hoặc tống vào lò hỏa thiêu...

Lò hỏa thiêu trở nên lạnh tanh và bọn Đức Quốc xã bắt đầu thu dọn vết tích của cái gọi là “Đệ tam Đế chế”. Nhiều đội tù nhân được lệnh lau chùi ống khói lò hỏa thiêu (cặn khói của mỡ nạn nhân bám dày đến hơn 500cm!). Lệnh chuyển số tù nhân còn lại về Berlin được đưa ra. Ngày 18/1/1945, hàng dài tù nhân (khoảng 58.000 người) được dẫn ra khỏi trại, đi về phía tây. Đó là chuyến đi cuối cùng, không phải về cõi chết mà trở lại cuộc sống tự do vì tất cả đều được Hồng quân giải thoát không lâu sau, vào ngày 27/1/1945.

Theo ghi nhận Hồng quân, trong trại còn lại đầy tàn tích đậm nét chế độ diệt chủng tàn bạo nhất thế giới: hơn 1 triệu bộ quần áo, 7 tấn tóc, hàng đống giày, mắt kính, đồ nấu ăn và nhiều thứ linh tinh - tất cả được tìm thấy ở 6 trong 35 kho trữ. Các kho còn lại đã bị lính Đức đốt trước khi chúng rút đi. Trong thời gian không phải quá dài - 58 tháng - tính từ ngày được thành lập cho đến khi sụp đổ, trại Auschwitz là mồ chôn của bao nhiêu nạn nhân? Theo số liệu từ quân đội Liên Xô vào tháng 5/1945, có 4 triệu người đã chết tại đây nhưng giới sử học hiện nay cho rằng con số chính xác là khoảng
1,1-1,5 triệu người.

Cao Minh