Kiếm tiền từ “rác bẩn” trên YouTube

06:55 | 03/07/2019

1,657 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ khi mạng xã hội YouTube thực hiện chính sách chia sẻ tiền thu quảng cáo cho các YouTuber (người làm video), nơi đây đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều người kiếm tiền. Nhằm tăng nhanh lượt truy cập, lượt người theo dõi, không ít YouTuber đã dàn dựng các video có nội dung thiếu lành mạnh, bất chấp sự lên án của cộng đồng.      

“Sạch” khó kiếm tiền

Trong những năm gần đây, việc kiếm tiền trên YouTube đã trở nên phổ biến do thu nhập hấp dẫn mà YouTube đem lại. Khi có một lượng người xem ổn định cùng số người theo dõi lớn, các YouTuber có thể kiếm tiền nhờ quảng cáo hiển thị trên video. Càng nhiều người xem, click vào quảng cáo thì video đó càng kiếm được nhiều tiền.

kiem tien tu rac ban tren youtube
Một video có nội dung "Thử thách 24h ở trong chuồng chó" trên YouTube

Tuy nhiên, theo chia sẻ kinh nghiệm của một YouTuber có thâm niên về mảng du lịch - ẩm thực, hiện nay việc kiếm tiền từ YouTube không dễ dàng như mọi người vẫn nghĩ, đặc biệt khi các kênh YouTube mở ra ngày càng nhiều, sức cạnh tranh ngày càng lớn.

Mỗi YouTuber cần có định hướng phù hợp để khai thác tiềm năng của từng đối tượng người xem khác nhau. Các nội dung về hướng dẫn làm đẹp, nấu ăn, ẩm thực, du lịch, dạy ngoại ngữ hoặc nội dung phục vụ trẻ em được khá nhiều người chọn lựa để thực hiện, bởi đây là những nội dung hút view (lượt xem) hơn so với những nội dung khác.

YouTuber này tiết lộ, đối với những kênh mới được mở tính năng kiếm tiền, nếu chịu khó đầu tư làm tốt, thời gian đầu sẽ kiếm được khoảng 5-10 triệu đồng/tháng. Còn nếu kênh nào làm video có hàng trăm nghìn lượt view, nội dung hấp dẫn thì số tiền đút túi thể lên đến 50-100 triệu đồng/tháng.

“YouTuber nếu chịu khó đầu tư, sản xuất ra các video chất lượng tốt, có số lượng view lớn thì sẽ có tiền đều đều. Nhưng nếu làm video không thu hút, không thường xuyên đăng video mới thì tiền sẽ không lên. Nhiều kênh dù ban đầu có hàng triệu view nhưng nội dung các video không thu hút được người xem, lượt tương tác ít dần thì thu nhập cũng không cao. Nói chung, Youtube rất công bằng, có làm thì có ăn” - YouTuber này cho biết.

kiem tien tu rac ban tren youtube
Các video dạng “Thử thách 24h” luôn thu hút một lượng view “khủng”

Thế nhưng, nghịch lý là trong khi nhiều kênh YouTube có nội dung bổ ích, được đầu tư nhiều công sức, chi phí sản xuất nhưng vẫn không thu về lợi nhuận tương xứng, thì các kênh có nội dung phản cảm, kích thích trí tò mò lại được người xem chú ý. Loại video này lại không cần đầu tư nhiều về cả nội dung lẫn chi phí, chỉ cần tập trung vào các yếu tố “sốc, độc, lạ” là dễ dàng đạt được hàng chục, hàng trăm nghìn view... nên được nhiều YouTuber non trẻ hướng đến, bất chấp mọi quy tắc cộng đồng mà mạng xã hội này đặt ra.

Câu view bằng gây sốc

Vừa qua, cư dân mạng phẫn nộ khi một YouTuber trẻ ăn mừng kênh đạt 20.000 người theo dõi bằng cách... đổ nguyên một thau trứng sống lên đầu mẹ. Dù sau đó YouTuber này đã lên tiếng xin lỗi nhưng dân mạng vẫn vô cùng bức xúc bởi độ phản cảm của hành động kỳ quặc, vô lễ ấy. Thế nhưng, lượng view của kênh YouTube này lại tăng lên vùn vụt.

Không phải ngẫu nhiên mà YouTuber trẻ này lại thực hiện một video có nội dung phản cảm như vậy. Trước đó, video về thử thách đổ trứng lần đầu được kênh P.H.D.T đăng tải cuối năm 2018. Với tiêu đề “Đổ 400 quả trứng lên đầu người lạ”, video trên thu hút 10 triệu view, 7.200 bình luận và 55.000 like. Chỉ cần một thau trứng sống, một nạn nhân và một điện thoại di động để quay phim, video này có thể kiếm từ 5.000-40.000 USD (theo SocialBlade), thì việc các YouTuber khác bắt chước là điều khá dễ hiểu.

Dạng video thử thách càng gây sốc càng có nhiều view và người đăng ký. Một số kênh còn cố tình làm những video dạng này để tăng tương tác ban đầu cho kênh. Điển hình là các nội dung về thử thách như “24 giờ làm chó”, “ngủ trong quan tài”, “làm mù mắt bằng đèn bàn học”, “trêu phụ nữ nơi công cộng”... xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội này. Chưa kể, các nội dung đó được lan truyền và tái sản xuất từ kênh này đến kênh khác.

Đối với một số kênh YouTube mới, để đạt được lượng người xem kỳ vọng, việc thực hiện những video có nội dung phản cảm, dung tục dễ dàng hơn rất nhiều so với một video có nội dung chất lượng tốt. Vì vậy, dù vấp phải nhiều ý kiến phản đối, tẩy chay, thậm chí lên án, nhưng những YouTuber vẫn cho ra lò hàng loạt các sản phẩm “rác bẩn” độc hại với mục đích duy nhất là kiếm tiền từ lượng view lớn.

Xử lý “bắt cóc bỏ dĩa”

Sau hàng loạt bê bối gây chấn động dư luận xã hội, YouTube đã thắt chặt các chính sách trên nền tảng của mình. Cụ thể, một kênh YouTube chỉ được bật chế độ kiếm tiền khi đạt ít nhất 1.000 lượt đăng ký theo dõi cũng như tối thiểu 4.000 giờ xem mỗi năm. Quy định này thực thi từ ngày 20-2-2018, phần nào thu hẹp cơ hội làm giàu đối với đội quân YouTuber đang ào ạt nhảy vào “miếng bánh” ngon lành này.

Tuy nhiên, việc nâng cao tiêu chuẩn chỉ hạn chế số lượng chủ kênh, nhưng lại không ngăn được các YouTuber lao vào cuộc đua câu view kiểu “bất chấp”. Hiện tại, doanh thu từ quảng cáo của các chủ kênh tại Việt Nam dao động từ 0,5-1 USD/1.000 view. Ước tính, mỗi video có 1 triệu view có thể mang về cho chủ kênh gần 20 triệu đồng. Như vậy, nếu đạt tới 10 triệu view thì các YouTuber có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Gần đây, YouTube đã không còn bật tính năng kiếm tiền đối với những video có tiêu đề và nội dung phản cảm, bạo lực, dù video đó có hàng triệu, hàng nghìn view. Đó cũng là cách YouTube hạn chế những video mang tính tiêu cực. Tuy nhiên, chế tài này chưa đủ mạnh, vì dù không cho kiếm tiền tại các video có nội dung phản cảm nhưng các kênh này vẫn có người xem và biết đến, thời gian xem tăng, tương tác nhiều, khiến các video khác của kênh này sẽ được “ăn theo”.

Qua rà soát của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay trên YouTube có khoảng 55.000 video có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật. Mặc dù thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video trên YouTube theo yêu cầu của nhà chức trách Việt Nam, song do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn rất nhiều bất cập nên việc xử lý chẳng khác “bắt cóc bỏ đĩa”.

Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào người dùng. Các YouTuber dễ dàng đăng tải các video vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ video vi phạm lại mất khá nhiều thời gian. Điển hình là phía Việt Nam phải mất 1,5 năm (từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019) làm việc với Google để gỡ 8.000 video có nội dung độc hại, nhưng lượng video độc hại mới lại tăng lên theo từng giờ.

YouTube thừa nhận không có hệ thống tự động nào là hoàn hảo, chính YouTube cũng không thể xem theo phương thức thủ công tất cả các video trên nền tảng của mình. Vì vậy, YouTube đã rất nhiều lần khuyến cáo người dùng nếu thấy trường hợp vi phạm nên lập tức báo cáo. Bên cạnh đó, trong những năm qua, YouTube đã liên tục đầu tư cả về con người lẫn công nghệ như sử dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm duyệt nội dung video. Tuy nhiên, những đầu tư này dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video độc hại trên YouTube theo yêu cầu của nhà chức trách Việt Nam, song do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn rất nhiều bất cập nên việc xử lý chẳng khác “bắt cóc bỏ đĩa”.

Trúc Lâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc