Khu xử lý rác tại TPHCM: Dự án bất động sau 4 năm cam kết không mùi hôi

07:49 | 04/08/2023

181 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chấp nhận san sẻ một phần môi trường sống cho sự sạch đẹp của toàn thành phố, nhưng đổi lại, cuộc sống của người dân sinh sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc ngày càng cơ cực vì ô nhiễm.

Tháng 8/2019, người dân huyện Củ Chi hồ hởi khi chứng kiến những gầu đất được xúc xuống trong lễ khởi công dự án nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của TPHCM tại khu đất của Công ty cổ phần Vietstar (Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc).

Chỉ ít tháng sau đó, dự án đốt rác phát điện thứ 2 của Công ty Tâm Sinh Nghĩa tiếp tục được tổ chức long trọng cũng tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn này.

Đối với TPHCM, các dự án trên đã đánh dấu bước ngoặt để hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ chất thải xử lý theo cách thức truyền thống mà địa phương này theo đuổi. Việc các lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM, có mặt tại cả 2 sự kiện đã phần nào thể hiện rõ tầm quan trọng của các nhà máy đốt rác phát điện đối với vấn đề môi trường mà TPHCM gặp phải.

Khu xử lý rác tại TPHCM: Dự án bất động sau 4 năm cam kết không mùi hôi - 1
Phối cảnh dự án nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của TPHCM (Ảnh: Vietstar).

"Công ty cam kết giữ đúng tiến độ và xin hứa, lãnh đạo thành phố sẽ không phải chịu cảnh người dân than phiền về mùi hôi, ô nhiễm môi trường từ rác", lãnh đạo Công ty Vietstar phát biểu tại lễ khởi công dự án đốt rác phát điện đầu tiên của TPHCM.

Thế nhưng, sau gần 4 năm kể từ khi lời cam kết ấy được đưa ra, hình hài của các nhà máy đốt rác phát điện tại TPHCM vẫn nằm im trên giấy. Phần lớn rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc vẫn áp dụng hình thức chôn lấp truyền thống đã lạc hậu.

Cũng tại khu vực này, dự án vành đai cây xanh cách ly để bảo vệ người dân khỏi những cực hình về mùi hôi, nguồn nước ô nhiễm cũng chưa định ngày hoàn thành sau khi được phê duyệt hơn 20 năm.

Đội vốn hàng nghìn tỷ do chậm tiến độ

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM, cho biết, hiện tại, dự án trồng cây xanh cách ly tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc hiện nay vẫn đang ở trạng thái chờ ghi vốn để chuẩn bị đầu tư.

Dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư và trồng cây xanh cách ly giai đoạn 2 thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc được UBND thành phố chấp thuận chủ trương từ năm 2009. Dự án có tổng diện tích gần 200ha trải dài trên 2 xã Phước Hiệp, Thái Mỹ, với tổng mức đầu tư dự kiến 526 tỷ đồng, được giao cho Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải TPHCM làm chủ đầu tư.

Khu xử lý rác tại TPHCM: Dự án bất động sau 4 năm cam kết không mùi hôi - 2
Rác thải tại Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc được xử lý với hình thức chôn lấp, ủ phân, đốt đã lạc hậu (Ảnh: Hải Long).

Đến năm 2019, chủ đầu tư dự án đã trình Sở TN&MT hồ sơ thẩm định, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên đến gần 2.600 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư do kinh phí bồi thường thay đổi theo chính sách pháp luật về đất đai và các biến động khác như quá trình đô thị hóa, đơn giá đất bồi thường...

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM hồi cuối năm 2022, người dân các xã Phước Hiệp, Thái Mỹ đã lên tiếng trước các lãnh đạo thành phố về thực trạng ô nhiễm nặng nề bởi mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường khu vực gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

Ngoài việc chịu cảnh ám ảnh trong cuộc sống thường nhật, sinh kế của người dân tại đây cũng chịu ảnh hưởng khi đất đai không thể canh tác.

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi khẳng định, tất cả kiến nghị của người dân về cảnh ô nhiễm gần khu xử lý rác ghi nhận và phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền. Hàng năm, huyện thường xuyên kiến nghị HĐND, UBND thành phố, các sở, ngành liên quan và Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải sớm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự án vành đai cây xanh cách ly.

Khu xử lý rác tại TPHCM: Dự án bất động sau 4 năm cam kết không mùi hôi - 3
Nước thải từ hoạt động xử lý rác khiến các dòng nước chảy qua khu vực chuyển thành màu đen (Ảnh: Hải Long).

"Mùi hôi thối ảnh hưởng không chỉ 2 xã Thái Mỹ, Phước Hiệp mà đã lan ra nhiều khu vực khác gồm khu vực thị trấn Củ Chi, xã Tân An Hội, Phước Thạnh, Trung Lập Thượng, Phước Vĩnh An, đặc biệt vào mùa mưa.

Huyện thường xuyên có phản ánh ý kiến người dân tại các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố và xin bố trí vốn", lãnh đạo huyện Củ Chi thông tin.

Cây xanh cách ly có giải quyết được vấn đề?

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, dự án trồng cây xanh cách ly Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc đã được UBND TPHCM giao Sở TN&MT thực hiện các khâu chuẩn bị. Tuy nhiên, vị lãnh đạo thành phố đưa ra góc nhìn, vấn đề ô nhiễm tại đây liên quan đến vấn đề cốt lõi khác, mà dự án trồng cây xanh cách ly cũng không thể giải quyết dứt điểm.

"Vấn đề ở đây không phải triển khai dự án trồng cây xanh cách ly, tạo vùng đệm mà nằm ở công nghệ xử lý rác. Nếu không thay thế công nghệ hiện tại, áp dụng những công nghệ mới, thì không thể xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm ", Chủ tịch UBND TPHCM nhận định.

Khu xử lý rác tại TPHCM: Dự án bất động sau 4 năm cam kết không mùi hôi - 4
Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, vấn đề chính của Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc là công nghệ xử lý rác (Ảnh: Hải Long).

Trong thực tế, việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác vẫn là bài toán nan giải đối với TPHCM nhiều năm qua. Minh chứng rõ nét cho điều này, hàng loạt nhà máy đốt rác phát điện, tái chế rác theo công nghệ mới được khởi công rầm rộ nhiều năm trước đây nhưng chưa dự án nào về đích.

Tại Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc, nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar và nhà máy xử lý, đốt rác của Công ty Tâm Sinh Nghĩa đồng khởi công từ năm 2019 đến nay vẫn chưa hẹn ngày khánh thành.

Cũng tại khu xử lý chất thải này, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng các bên liên quan xem xét, đề xuất thu hồi chủ trương đối với 2 dự án xử lý rác do Công ty Trisun Green Energy Corporation và Công ty cổ phần Tasco thực hiện, có tổng vốn 13.000 tỷ đồng

Trong đó, dự án nhà máy đốt rác bằng năng lượng sét nhân tạo của Trisun Green Energy Corporation rộng 13ha với công suất xử lý 1.000 tấn chất thải rắn, 2.000 tấn chất thải nguy hại mỗi ngày; nhà máy xử lý - tái chế chất thải rắn do Công ty cổ phần Tasco thực hiện có công suất xử lý 500 tấn rác mỗi ngày.

Khu xử lý rác tại TPHCM: Dự án bất động sau 4 năm cam kết không mùi hôi - 5
Núi rác khổng lồ bên trong Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Ảnh: Hải Long).

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TPHCM, cũng có cùng quan điểm với vị lãnh đạo thành phố. Bà cho biết vấn đề chính của địa phương hiện nay là cần áp dụng công nghệ xử lý rác mới. Các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác trước đây gặp khó bởi vướng quy hoạch điện và các vấn đề pháp lý khác liên quan.

Đến thời điểm hiện tại, việc Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch điện 8 và Nghị quyết 98 mà Quốc hội vừa thông qua đã mở cơ chế cho việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác của thành phố.

Cụ thể, Nghị quyết 98 quy định nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng được UBND TP xem xét, quyết định bổ sung khối lượng chất thải rắn theo hình thức đặt hàng.

"Thời điểm này, thành phố đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để chuyển đổi công nghệ xử lý rác. TPHCM đã và đang thực hiện đăng ký danh sách các nhà máy xử lý rác theo công nghệ mới, đốt rác phát điện. Đồng thời, Sở TN&MT đã làm việc với các đơn vị rất kỹ và thúc họ hoàn thiện các vấn đề pháp lý, xây dựng lộ trình, tiến độ để trình HĐND thành phố xem xét, quyết định", Phó giám đốc Sở TN&MT TPHCM chia sẻ.

Khu xử lý rác tại TPHCM: Dự án bất động sau 4 năm cam kết không mùi hôi - 6
Người dân sinh sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc bị đảo lộn cuộc sống bởi mùi hôi thối của rác, ruồi muỗi, nước thải đen ngòm (Ảnh: Hải Long).

Theo lãnh đạo Sở TN&MT, nếu các dự án xử lý rác theo các khâu chuẩn bị thuận lợi, các nhà máy đốt rác phát điện tại TPHCM sẽ đi vào vận hành thử nghiệm vào năm 2025. Khi đó, các nhà máy theo công nghệ mới tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc có khả năng đáp ứng 6.000-6.500 tấn rác mỗi ngày.

Như vậy theo kịch bản khả quan nhất, đến năm 2025, người dân tại huyện Củ Chi và TPHCM mới được chứng kiến cảnh những nhà máy xử lý rác theo công nghệ mới đi vào hoạt động.

Từ nay đến thời điểm đó, những hộ dân sinh sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc vẫn phải trải qua chuỗi ngày ám ảnh mọi giác quan bởi mùi hôi, khói đốt rác, thứ nước thải đen ngòm rỉ xuống con kênh, vùng đất nơi họ sinh sống.

20 năm sau ngày Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đi vào hoạt động và 4 năm sau lời cam kết "không mùi hôi" của chủ dự án đốt rác phát điện đầu tiên tại TPHCM, người dân sinh sống tại đây ngày càng cơ cực hơn mặc dù họ chấp nhận san sẻ một phần môi trường sống của mình cho sự sạch đẹp của toàn thành phố.

Cùng với đó, dự án trồng cây xanh cách ly - niềm hy vọng về việc giảm bớt phần nào sự ô nhiễm - vẫn chưa ấn định thời điểm có thể mọc lên.

Hiện tại, TPHCM phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải cần xử lý mỗi ngày, hầu hết trong đó là rác thải sinh hoạt và phần nhỏ rác thải công nghiệp, rác thải y tế. Trong đó, Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) tiếp nhận, xử lý khoảng 3.200 tấn với công nghệ đốt, ủ phân đã lạc hậu.

Theo chính quyền huyện Củ Chi, người dân địa phương đã phải chịu ảnh hưởng rất lớn về mặt môi trường trong suốt quá trình hoạt động của khu xử lý rác này. Dù các đơn vị hoạt động trong khu liên hợp đã có những động thái xử lý vấn đề môi trường, nhưng mùi hôi thối, khó chịu, ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Bên cạnh đó, đất đai tại khu vực lân cận Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc bị ô nhiễm, không thể canh tác, phải bỏ hoang đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của 244 hộ gia đình.

Theo Dân trí

Bầu không khí độc hại ở bãi rác Củ Chi khiến người dân cơ cực hơn

Bầu không khí độc hại ở bãi rác Củ Chi khiến người dân cơ cực hơn

Lãnh đạo huyện Củ Chi (TP HCM) khẳng định người dân trên địa bàn phải chịu ảnh hưởng rất lớn về mặt môi trường do hoạt động của khu xử lý rác.

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...