“Không nên để năng lực cạnh tranh Việt Nam rớt mãi”

08:45 | 08/09/2012

1,743 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù chỉ là một yếu tố tham khảo trong quyết định của các nhà đầu tư nhưng theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam rớt hạng 2 năm liên tiếp tại Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu là một câu chuyện đáng báo động.

Thông tin Việt Nam tụt 10 bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố không làm bất ngờ các chuyên gia kinh tế trong nước. Là người nhiều năm nghiên cứu và thực hiện các báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng là người trong cuộc, giới phân tích cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ý thức rất rõ những vấn đề như lạm phát, tín dụng, hàng tồn kho... đang ảnh hưởng như thế nào đến bức tranh kinh tế.

Ổn định kinh tế vĩ mô từng là điểm cộng cho Việt Nam trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Nhưng nay, chính những yếu tố như lạm phát, tiền tệ, sức sản xuất kinh doanh sa sút đã khiến điểm số trung bình trên 12 tiêu chí (thang điểm 7) của Việt Nam giảm dần từ 4,3 (2010) xuống 4,2 rồi 4,1 trong năm 2011 và 2012. Đồng thời thứ hạng cũng giảm tới 16 bậc trong 2 năm xuống vị trí thứ 75 (tương đương năm 2009 và là mức thấp nhất kể từ khi Việt Nam được xếp hạng). Trong 8 nước Đông Nam Á được lựa chọn khảo sát, Việt Nam hiện đứng áp chót và chỉ trên Campuchia.

Theo phân loại của WEF, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm nước đang phát triển ở giai đoạn đầu (Factor driven economy). Ở giai đoạn này, 60% năng lực cạnh tranh được quyết định bởi 4 trong số 12 nhóm chỉ tiêu là thể chế, cơ sở hạ tầng, kinh tế vĩ mô và chất lượng sức khỏe - giáo dục cơ bản của người dân.

Thứ hạng và điểm số về năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ năm 2008 tới nay. Số liệu: WEF

Thế nhưng trong năm 2012, theo đánh giá của báo cáo, ngoại trừ hạng mục sức khỏe - giáo dục cơ bản được cải thiện (tăng 0,1 điểm lên 5,8), vấn đề thể chế tại Việt Nam được đánh giá là chưa tiến triển, với 3,6 điểm. Trong khi đó, 2 hạng mục hết sức quan trọng là hạ tầng (3,3 điểm) và kinh tế vĩ mô (4,2 điểm) đều bị đánh giá thấp đi nhiều so với 2011, lần lượt giảm 0,3 và 0,6 điểm. Chính những yếu tố này đã kéo đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam về ngưỡng trung bình của các nước đang phát triển ở giai đoạn đầu, mặc dù nền kinh tế đã đạt được nhiều tiến bộ trong năm 2011.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết đồng tình với nhận định của WEF về việc kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2011 không "đẹp" như những năm trước. Nguyên nhân là lạm phát cao, cộng với việc thắt chặt quá mức tiền tệ sau đó để kìm lạm phát. "Mục tiêu của Chính phủ khi thắt chặt tín dụng là để 'hạ cánh mềm' cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thay vì giảm từ 30% về 17% - 18%, tăng trưởng tín dụng bị cắt quá mạnh, quá sâu, ngoài kỳ vọng", ông Thành nói thêm.

Còn theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, tương tự các nước trên thế giới, trong những năm vừa qua, Việt Nam đang phải trải qua giai đoạn khó khăn mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, trong cùng một điều kiện như vậy, kết quả thu được kém hơn cũng nói lên nhiều điều. "Cũng giống như PCI cấp tỉnh, nhiều nơi cứ nói rằng đã nỗ lực làm hết cách rồi nhưng sự phấn đấu của anh chưa là gì so với người khác", nguyên Trưởng ban pháp chế VCCI chia sẻ.

"Hiện thứ hạng của Việt Nam là 75, tức là quãng giữa trong số hơn 140 nước được khảo sát. Nếu muốn tiếp tục thu hút đầu tư, không nên để thứ hạng này bị trượt sâu hơn", chuyên gia này đề xuất.

Biểu đồ điểm số cho thấy Việt Nam đã tiến khá xa so với các nước cùng trình độ phát triển tại báo cáo năm 2011 - 2012 nhưng lại có dấu hiệu "thụt lùi" trong báo cáo 2012 - 2013, với điểm số thấp hơn ở hầu hết các nhóm chỉ tiêu. Số liệu: WEF

Bên cạnh những ý kiến thận trọng nêu trên, vẫn có những quan điểm tương đối lạc quan sau kết quả công bố của WEF. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư - báo cáo thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới là một tài liệu chất lượng, nhưng đánh giá của diễn đàn này chỉ là một trong số nhiều yếu tố được nhà đầu tư cân nhắc khi ra quyết định.

"Vẫn có những đánh giá khá tích cực cho rằng điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang đi đúng hướng. Tăng trưởng GDP 2012 sẽ đạt 5 - 5,5% và phục hồi trong năm 2013. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư nước ngoài còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chính trị, ngoại giao...", ông nói. Giáo sư Nguyễn Mại hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Tuy vậy, chia sẻ quan điểm với 2 chuyên gia nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Mại cũng cho rằng Báo cáo năng lực cạnh tranh của WEF thực chất là một tấm gương để các nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam soi lại mình, đánh giá điểm gì làm chưa tốt để sửa đổi, nhất là trước yêu cầu hội nhập và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi của kinh tế thế giới.

Chia sẻ tại một diễn đàn tài chính - ngân hàng gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết các cơ quan nghiên cứu đang nhận được nhiều ý kiến quan ngại từ cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài về việc Việt Nam đang mất dần lợi thế trước những đối thủ "đang lên" trong khu vực.

"Khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ giữa các nước thì ưu thế về thị trường, lao động... của Việt Nam sẽ trở nên mờ đi. Khi đó, nếu không có năng lực cạnh tranh thực sự, ngay cả những nhà đầu tư "thân thiết" với Việt Nam như Nhật Bản, EU cũng sẽ phải cân nhắc việc tìm bến đỗ mới", Tiến sĩ Thành cảnh báo.

Trả lời câu hỏi của báo cáo về những vấn đề "đáng bàn" nhất khi kinh doanh tại Việt Nam, 2 nỗi khó chịu được nhà đầu tư liệt kê hàng đầu trong năm nay là khả năng tiếp cận vốn (18,2%) và lạm phát (14,5%). Những lo ngại khác bao gồm cơ sở hạ tầng, nguồn lao động qua đào tạo, độ ổn định chính sách, đạo đức lao động và tham nhũng.

 

VnExpress