"Không cho tiền người ăn xin": Có nên kêu gọi hạn chế sự tử tế?

14:02 | 28/12/2014

4,992 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ hôm nay (28/12), TP HCM sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người sống không có nơi cư trú vào các cơ sở xã hội. Song song với hành động này, cơ quan chức năng TP. HCM cũng kêu gọi: Không cho tiền người ăn xin. Việc chăm lo cho người cơ nhỡ là cần thiết nhưng có nên kêu gọi hạn chế sự tử tế đang ngày càng hiếm hoi trong cuộc sống này?

Chia sẻ với phóng viên PetroTimes về vấn đề này, PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học nhận xét: Chủ trương  là tốt nhưng chúng ta phải hành động một cách toàn diện, tránh “đánh bùn sang ao”.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình.

 

Dẫn chứng, PGS-TS Trịnh Hòa Bình nói: Trước đó, nhiều địa phương cũng thực hiện phương châm 6 không: Không mại dâm, không ăn xin, không tệ nạn xã hội… Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ là bề nổi.

Chúng ta đang làm những việc mang tính hình thức, thậm chí là nặng thành tích thay vì bản chất của vấn đề là cần sự cố gắng, thiện chí và quyết tâm của từng cơ quan. Thực tế thì việc TP HCM đang làm là không cho tiền người ăn xin, nếu phát hiện người ăn xin thì hãy gọi cho nhà chức trách…

"Tất cả những thứ đó không có gì sai nhưng tôi nghĩ nó không giải quyết được vấn đề."

Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình thì để giải quyết vấn đề này đòi hỏi một quá trình. Trước mắt, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh được tăng trưởng kinh tế, chú trọng đến an sinh xã hội nhiều hơn nữa. Khi đời sống của cộng đồng được nâng lên, chúng ta mới có cơ sở để thực hiện những chủ trương trên.

Xét cho cùng ở bất cứ thời đại nào, mọi hoạt động cũng đều vì an sinh xã hội, là lo cho đời sống của dân cư, sự phát triển của cộng đồng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta làm với tính chất… hô hào. 

Nhiều người ăn xin là người già, trẻ em.

"Về phía cơ quan chức năng tôi nghĩ họ cũng có lý riêng. Thừa nhận phương án này giảm thiểu được trường hợp giả danh người ăn xin, lợi dụng lòng tốt của cộng đồng. Mọi người đều biết hiện nay hiện tượng giả danh người ăn xin rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng để làm được việc này chúng ta cần phải tính kỹ các bước đi, thực hiện cuộc vận động từ trong lòng cộng đồng, bằng không tất cả những chủ trương khi thực hiện sẽ chỉ là để… lấy điểm mà thôi.

Thêm nữa, người ăn xin cũng không phải là “tội phạm” mà thu gom. Và “hậu” thu gom đó cũng phải tính đến việc đảm bảo cho họ cuộc sống tối thiếu, giải quyết công ăn, việc làm cho họ. Nên tôi cho rằng, việc này phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, người đưa ra chính sách" - PGS-TS Trịnh Hòa Bình nói.

Xung quanh nhiều ý kiến cho rằng: Việc kêu gọi không cho tiền người ăn xin là cổ súy cho lối sống vô cảm. PGS-TS Trịnh Hòa Bình phân tích: "Rõ ràng là khi chúng ta hô hào không cho tiền kẻ khó thì vô hình trung đã góp phần cổ vũ chủ ý vô cảm ở con người trong thời đại mới. Bấy lâu, dân tộc Việt Nam vẫn thuộc nằm lòng “lá lành đùm lá rách” đó thôi?

Thông thường đã là chủ trương, chính sách thì nó thuộc về cộng đồng, nó ảnh hưởng đến toàn xã hội sẽ không có chuyện ấm nóng tình cảm. Tuy nhiên, đối với đối tượng cụ thể là việc “thu gom” người ăn xin và khuyến cáo người dân không cho tiền họ, tôi nghĩ là khó thực hiện được".

Người Việt vốn coi trọng tình cảm, mà đã thuộc về tình cảm thì họ sẽ không tuân theo những cái gọi là thượng lệnh. Và rõ ràng, chừng nào chưa phát triển phúc lợi xã hội bền vững thì những người cơ nhỡ vẫn cứ phải… đi xin.

 

Từ 28/12, TP.HCM sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người sống không có nơi cư trú vào các cơ sở xã hội. Người dân có thể báo tin vào đường dây nóng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Bảo trợ xã hội), số điện thoại: 38.292491 (giờ hành chính) hoặc 0903.959929; Trung tâm Hỗ trợ xã hội, số điện thoại: 35.533258 (24/24 giờ).

Huyền Anh (Tổng Hợp)