Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế biển Việt Nam

08:22 | 02/09/2024

633 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với hơn 3.200 km đường bờ biển, Việt Nam là một quốc gia biển, trong đó kinh tế biển và ven biển đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của nền kinh tế. Để thúc đẩy kinh tế biển, trong những năm qua, các Chương trình khoa học và công nghệ biển cấp quốc gia và cấp bộ đã có nhiều đóng góp quan trọng, trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.
Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều chương trình nghiên cứu khoa học đã đạt được những kết quả tích cực, phục vụ hiệu quả cho kinh tế biển. Đáng chú ý là Chương trình Khoa học và Công nghệ về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020, chương trình này đã xây dựng các quy định về cơ chế, chính sách nhằm thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Các đề tài trong chương trình đã đưa ra những nguyên tắc, phương pháp và bộ tiêu chí để lồng ghép các hoạt động điều tra tài nguyên và môi trường biển, xác lập hành lang bảo vệ bờ biển và phân loại tài nguyên hải đảo. Các kết quả nghiên cứu đã đề xuất các công nghệ, phương pháp và mô hình ứng dụng trong việc điều tra cơ bản, kiểm soát tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cũng như giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục các sự cố môi trường và thiên tai trên biển.

Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 về nghiên cứu phục vụ quản lý biển và phát triển kinh tế biển đã xây dựng cơ sở dữ liệu, cùng với các mô hình và giải pháp công nghệ để phát triển kinh tế biển. Những công trình nổi bật bao gồm mô hình phát triển bền vững cho các vùng cửa sông, hệ thống đảo, công nghệ khai thác, nuôi trồng và chế biến sinh vật biển, cũng như các giải pháp giảm thiểu xói lở bờ biển và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn và thiên tai biển.

Các chuyên gia kinh tế biển đánh giá rằng, nghiên cứu khoa học và công nghệ đã góp phần làm rõ đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường biển, từ đó đánh giá tiềm năng và dự báo triển vọng phát triển bền vững kinh tế biển.

Đặc biệt, một số hướng nghiên cứu mới đã cung cấp luận cứ và cơ sở khoa học cho việc quy hoạch biển và thiết lập các khu bảo vệ biển, góp phần vào việc thực hiện các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Các nghiên cứu khoa học và công nghệ đã đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên và bảo tồn thiên nhiên biển, đồng thời ngăn ngừa và phòng tránh thiên tai, bảo vệ quyền và lợi ích biển của quốc gia.

Các lĩnh vực công nghệ biển được triển khai ứng dụng trong các ngành như dầu khí, hải sản, hàng hải, xây dựng công trình biển, kỹ thuật bờ biển và địa chất biển, đã góp phần thúc đẩy sản xuất, khai thác tài nguyên và giữ vững an ninh quốc phòng trên biển. Các nghiên cứu cũng đóng góp tích cực cho kinh tế-dân sinh biển, vùng ven biển và đảo, nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, bảo vệ môi trường và phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo sản phẩm tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ông Nguyễn Đức Toàn, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế. Chất lượng nghiên cứu chưa đồng đều và hiệu quả ứng dụng chưa cao; nội dung nghiên cứu còn dàn trải, thiếu chiều sâu và chưa tập trung đủ vào các vùng biển sâu và xa bờ.

Vì vậy, khoa học và công nghệ biển cần tiếp tục đáp ứng hiệu quả các yêu cầu và mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các nghiên cứu khoa học công nghệ cần cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, và giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển theo các nghị quyết của Đảng và các chương trình của Chính phủ. Ngành khoa học và công nghệ cũng như ngành tài nguyên và môi trường cần mở rộng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ về biển, hải đảo để tiếp tục đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế biển bền vững.

PV