Khó như... “cắt bỏ” điều kiện kinh doanh

09:47 | 29/06/2018

236 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kiến nghị mới đây của tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng về việc chỉnh sửa 9 luật và các văn bản hướng dẫn nhằm bãi bỏ 37 rào cản cho doanh nghiệp là một bước tiến quan trọng.

Tuy nhiên, quyết tâm của Chính phủ vẫn đang trở ngại từ sức ì của một số Bộ, ngành.

Trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với đại diện của 17 bộ, ngành liên quan đến việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nói rất gay gắt về “3 chưa” của các bộ là: chưa đúng thực chất, chưa đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo, chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

kho nhu cat bo dieu kien kinh doanh
Vướng mắc trong thực hiện các thủ tục xây dựng là lĩnh vực hàng đầu gây nhiều phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp. Ảnh: Toàn Thắng

Không cắt giảm “cơ học”

Trước thực trạng đó, tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã kiến nghị chỉnh sửa các quy định tại 9 luật và các văn bản hướng dẫn nhằm bãi bỏ 37 rào cản cho doanh nghiệp.

Nói về thực trạng “rào cản” doanh nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, trong công tác kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh, các Bộ, ngành cần bảo đảm cải cách thực chất, không cắt giảm, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo kiểu “cơ học” thuần túy, không nên dùng câu chữ để lách, gộp nhiều điều kiện vào một điều kiện; tuyệt đối không cắt giảm, bãi bỏ cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi.

Kết quả kiểm tra cho thấy, các quy định hiện hành trong 9 luật và các văn bản dưới luật đang gây ra 37 vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư. Cụ thể, có 6 vướng mắc do chồng chéo giữa các quy định, 16 vướng mắc do những mâu thuẫn hoặc không tương thích giữa các quy định, 8 vướng mắc do quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể, và 7 vướng mắc do quy định bất hợp lý.

Theo Tổ tư vấn Kinh tế, có 3 nguyên nhân cơ bản gây ra 37 rào cản trên: Thứ nhất là thủ tục đầu tư, xây dựng đối với một dự án đầu tư được quy định phân tán tại nhiều văn bản luật, được thực hiện bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau từ trung ương đến địa phương; Thứ hai, không có sự phối hợp, kết nối giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư; Thứ ba, những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực này liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan liên quan và các thủ tục hành chính do chính họ thực hiện. Chính vì thế, mỗi cải cách, thay đổi đều làm cho một hay một số cơ quan có liên quan mất, hoặc giảm dần quyền lực, tác động bất lợi đến quyền và lợi ích của các cơ quan đó.

95% nằm ở thực thi

Thông qua các cuộc kiểm tra chuyên đề, đến nay, hầu hết các bộ đã xây dựng phương án đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh với tỉ lệ đơn giản hoá, cắt giảm đạt của các bộ đạt từ 33-50,1%. Tuy nhiên, nhiều điều kiện kinh doanh của một số bộ không cần thiết nhưng chưa được đề cập trong phương án đơn giản hoá, cắt giảm hoặc đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh này lại phát sinh nhiều điều kiện kinh doanh khác.

Cụ thể, trong phương án đề xuất đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ, nhiều bộ chưa đạt tỉ lệ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Mới có 9 bộ có tỉ lệ cắt giảm trên 50% gồm: Công Thương, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương Binh và Xã hội, Tài chính, Tư pháp, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế (riêng Ngân hàng Nhà nước do có tính đặc thù nên chưa đạt tỉ lệ 50%).

Cắt giảm đã khó, thực thi hiệu quả còn khó hơn, nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, khâu tổ chức thực hiện chiếm tới 95% thành công của chương trình cải cách. Giải pháp trên giấy cùng các cam kết chỉ đóng góp 5%, dù cho điều đó mạnh mẽ đến đâu. Bởi vậy để thực thi hiệu quả và tránh “mọc” lại các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã cắt giảm, điều quan trọng nhất vẫn là cần thay đổi tư duy và phương thức quản lý, cơ quan quản lý nên chú trọng hậu kiểm thay vì tiền kiểm.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Sửa đổi là mục tiêu cải cách

kho nhu cat bo dieu kien kinh doanh

Do nhiều yếu tố mang tính quá trình, dẫn đến một số luật còn chồng chéo nhau, làm cho tính đồng bộ, tính hệ thống gặp vướng mắc khi thực thi. Vì vậy, việc chỉnh sửa một số luật đã được Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề xuất từ lâu tới các cơ quan liên quan. Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu, tiến hành rà soát chỉnh sửa trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi. Tuy nhiên, mới chỉ tập trung sửa Luật Quy hoạch có liên quan đến 11 luật khác. Một số luật liên quan đến xây dựng, đầu tư công… nếu không sửa sớm thì sẽ gặp vướng mắc . Nhiệm vụ của Tổ tư vấn là kiến nghị Chính phủ tập trung rà soát lại. Vấn đề này rất cần thiết, liên quan đến mục tiêu cải cách về thể chế.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Kiên trì sửa đổi khi không phù hợp

kho nhu cat bo dieu kien kinh doanh

Việc rà soát, phát hiện 37 rào cản, vướng mắc này là bước khởi đầu quan trọng. Vấn đề là quyết tâm thực thi, khi đã xác định rõ các rào cản thì không nên câu nệ, ngại ngần, phải kiên trì, cầu thị để sửa đổi.

Để bãi bỏ tất cả 37 rào cản này cần phải làm rõ, chứng minh, và đưa ra nghị quyết của Chính phủ, hoặc kiến nghị Quốc hội ra một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bãi bỏ những điều này, sửa đổi điều kia. Để làm được, trước hết Tổ tư vấn cần tổ chức đối thoại với các bộ đã dự thảo ra các luật đó. Sau khi đối thoại, các bộ có thể đồng ý sửa đổi luật, còn trong trường hợp không đồng ý, cần báo cáo trực tiếp Thủ tướng xem xét, giải quyết.

Diễn đàn doanh nghiệp