Khó giảm tổn thất điện năng về 0%

07:00 | 03/10/2016

1,041 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Do đặc tính kỹ thuật của hệ thống điện, tỷ lệ tổn thất điện năng luôn tồn tại ở một mức độ nhất định và không thể giảm về 0%. Đó là thông tin được khẳng định tại Hội nghị Quốc tế về giảm tổn thất điện năng (TTĐN) vừa tổ chức ở Hà Nội.

Kinh nghiệm quốc tế

Đại diện Công ty Điện lực Thái Lan (PEA) - ông Yutthapong Tuppadung cho biết, tại Thái Lan có 2 loại tổn thất chính là tổn thất phi kỹ thuật và tổn thất kỹ thuật. Trên cơ sở tính toán tổn thất ở cả 2 loại này, PEA đã xây dựng kế hoạch thực hiện với nhiều giải pháp. Cụ thể, PEA thực hiện cấu hình lại hệ thống bằng cách chuyển các phụ tải từ đường dây đầy tải sang đường dây ít tải; lắp đặt các thiết bị phân đoạn để chuyển tải (có thể yêu cầu điểm chuyển trung gian mới); tối ưu vị trí lắp đặt các thiết bị đóng cắt bằng phần mềm phân tích hệ thống phân phối.

Đồng thời, PEA còn điều chỉnh hệ số công suất phù hợp bằng vị trí lắp tụ bù, nhằm tăng hệ số công suất, giảm dòng trên phát tuyến, từ đó giúp giảm TTĐN, hệ số công suất tăng nhờ bù công suất phản kháng. Việc lắp mới phát tuyến, máy biến áp, trạm sẽ giảm tải cho các phát tuyến hiện có. Trạm mới cần xây dựng tại trung tâm - nơi có mật độ sử dụng điện cao.

kho giam ton that dien nang ve 0
Bảo dưỡng đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1

Cũng theo đại diện của PEA thì nguyên nhân chính dẫn đến tổn thất phi kỹ thuật tại Thái Lan là đo đếm lỗi, trộm cắp điện, lỗi trong quá trình ghi điện, nhập số liệu, tính toán, hệ thống đo đếm không hoạt động. Vì vậy, kế hoạch giảm tổn thất của PEA là kiểm tra các công tơ không nhảy số hoặc bất thường trong tiêu thụ, thay thế hoặc sửa chữa các công tơ bất thường, đặc biệt là các khách hàng nhỏ có sản lượng điện tiêu thụ bằng 0.

Còn tại Nhật Bản, Hiệp hội các nhà sản xuất dây và cáp điện Nhật Bản (JCMA) và Trung tâm Kỹ thuật cáp điện Nhật Bản đã phối hợp xây dựng việc tính toán dòng diện tối ưu theo kinh tế và môi trường gọi là ECSO và đã đưa ra tiêu chuẩn cho các nhà sản xuất.

Theo tính toán của JCMA, khi tất cả cáp lưới điện hạ áp của khách hàng ở Nhật Bản (khoảng 1,83 triệu km) được chuyển đổi sang phương pháp này thì tổng sản lượng điện năng giảm được do tổn thất vào khoảng 21 triệu MWh. Con số này tương ứng với điện năng sản xuất bởi 4 nhà máy điện, với tổng công suất khoảng 1.000MW.

Năm 2020 - Việt Nam giảm tổn thất điện năng còn 6,5%

Thông tin tại hội thảo, ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc EVN cho hay, hiện nay EVN đang sở hữu 60% nguồn điện trong tổng công suất đặt gần 40.000MW của toàn bộ hệ thống; quản lý vận hành toàn bộ lưới điện truyền tải, phân phối với tổng chiều dài khoảng 40.000km đường dây truyền tải và 440.000km đường dây trung và hạ thế. Thời gian qua, EVN thực hiện nhiều giải pháp để giảm TTĐN. Sau 5 năm, TTĐN đã giảm từ 10,15% (năm 2010) xuống còn 7,94% (năm 2015). Mục tiêu đến năm 2020, sẽ giảm còn 6,5%.

Ông Ngô Sơn Hải khẳng định: “TTĐN cao hay thấp tùy thuộc vào kết cấu lưới điện, phân bổ nguồn phát điện và phụ tải. Năm 2015, sản lượng điện sản xuất của Việt Nam xấp xỉ 160 tỉ kWh. Như vậy, nếu giảm 1% tỷ lệ tổn thất có ý nghĩa rất quan trọng”.

Xung quanh bài toán giảm tổn TTĐN, ông Tăng Thế Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Quy hoạch đưa quan điểm: Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, cấu trúc lưới khi thiết kế quy hoạch trong giai đoạn đầu là yếu tố rất quan trọng để giảm TTĐN. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, đơn vị liên quan cần quan tâm hơn đến vấn đề này để giảm tổn thất trên lưới điện truyền tải, đặc biệt là lưới điện 110kV.

“Hầu hết các giải pháp được đưa ra tại Hội nghị Quốc tế về giảm tổn thất điện năng là về tác động vật lý, quản lý vận hành, đầu tư, riêng giải pháp của PEA là quản trị tổn thất bằng cách tính toán và các giải pháp rất hiệu quả, EVN và các đơn vị có thể quan tâm để triển khai các giải pháp tính toán trong quá trình vận hành” - ông Hùng nói.

Cũng theo nhiều chuyên gia, để thực hiện lộ trình giảm tổn thất điện năng trong những năm tới, EVN cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý và kỹ thuật. Có như vậy, mục tiêu giảm TTĐN xuống còn 6,5% vào năm 2020 mới khả thi. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định tại Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, do đặc tính kỹ thuật của hệ thống điện, tổn thất điện năng luôn tồn tại ở một mức độ nhất định và không thể giảm mãi được, lại càng không thể đưa về con số 0%. TTĐN gồm tổn thất thương mại và tổn thất kỹ thuật. Tổn thất kinh doanh được hiểu là sai sót trong quản lý, tính toán lượng điện khách hàng đã sử dụng. Điều này có thể là do việc thống kê của ngành điện không chính xác nhưng cũng có thể do các hành vi gian lận, ăn cắp điện của khách hàng. Còn tổn thất kỹ thuật là tổn thất trong quá trình quản lý, vận hành và tỷ lệ này phụ thuộc vào hệ thống điện của mỗi quốc gia, hệ thống càng tập trung, hiện đại thì tổn thất càng thấp hơn hệ thống trải dài trên diện tích rộng.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia còn cho biết, TTĐN luôn có sự chênh lệch rất lớn giữa các nước trên thế giới và trong từng khu vực. Cụ thể, tại châu Á, quốc gia có tỷ lệ TTĐN thấp là Nhật Bản 4,8%; Trung Quốc 6,2%; Thái Lan 6,1%. Trong khi đó, con số này tại các quốc gia như Nepal lại lên tới 24,4%; Ấn Độ là 19,7%; Pakistan là 16,6%. Tại Việt Nam, tỷ lệ tổn thất điện năng là 8,49% và đến cuối năm 2015 chỉ còn 7,94%.

Hạ An

Năng lượng Mới 562