Khẳng định lập trường, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo

13:36 | 22/03/2016

766 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 22/3, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo

Trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ lập trường và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, được đồng bào ta trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ.

Chủ động cùng các nước thành viên ASEAN tạo đồng thuận, yêu cầu các bên liên quan thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC, bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC.

thu tuong khang dinh lap truong kien quyet dau tranh bao ve chu quyen bien dao
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016

Đồng thời đã chủ động chỉ đạo chuẩn bị các Đề án và đã báo cáo đề nghị đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiến nghị với Đảng, Quốc hội nhiều quyết sách quan trọng về đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là Luật Biển Việt Nam và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Chỉ đạo triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực và Chương trình hành động về hội nhập quốc tế, vì lợi ích cao nhất của quốc gia dân tộc, góp phần quan trọng tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững hòa bình, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Tập trung chỉ đạo nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; đưa quan hệ với các nước, các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao đa phương, chuyển từ tích cực tham gia sang chủ động đóng góp, định hình khuôn khổ hợp tác.

Tham gia tích cực vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc, Cộng đồng ASEAN, các tổ chức, các diễn đàn quốc tế và khu vực. Chú trọng chỉ đạo và thực hiện hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân và tăng cường thông tin đối ngoại.

Các chỉ số về kinh tế

Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật với nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là các chỉ số về kinh tế.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015 (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5-7%).

Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm, năm 2015 đạt 6,68%, năm 2011 là 6,24%.

Trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, chi thường xuyên chiếm khoảng 64-65% (giai đoạn 2006-2010 chiếm 55,2%), chủ yếu là tăng chi cho an sinh xã hội và cải cách tiền lương; chi đầu tư phát triển khoảng 23,6% (giai đoạn 2006-2010 là 28,2%).

Tỷ lệ dư nợ công trên GDP đến cuối năm 2015 là 62,2%, dư nợ Chính phủ là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1% (theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm 2011-2015 đạt 656 tỷ USD, tăng bình quân khoảng 17,5%/năm (giai đoạn 2006-2010 là 17,4%), vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (12%/năm). Tổng kim ngạch nhập khẩu 5 năm 2011-2015 ước khoảng 666 tỷ USD, tăng bình quân trên 14,3%/năm, thấp hơn so với giai đoạn trước (18,2%).

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng chung tăng 24 bậc, từ 123/139 (năm 2010) lên 99/140 (năm 2015); trong đó chỉ số về hạ tầng giao thông vận tải tăng 36 bậc, từ 103/139 (năm 2010) lên 67/140 (năm 2015).

Trong 5 năm 2011-2015, đã tăng thêm 18.100 MW công suất nguồn; khoảng 7.600 km truyền tải 500 kV, 220 kV và 37.400 MVA công suất các trạm biến áp. Nhiều công trình lớn đã hoàn thành: Nhà máy thuỷ điện Sơn La, phát điện tổ máy 1 nhà máy thủy điện Lai Châu; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, phát điện 2 tổ máy nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân; đưa điện lưới ra các đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô, Vân Đồn…

Đến nay, đã đưa vào sử dụng vệ tinh Vinasat-2 và VNREDSat-1. Tốc độ kết nối internet băng thông rộng đạt 17,3 Mbps, tốc độ kết nối di động băng thông rộng 1,9 Mbps. Tổng số thuê bao di động đạt 128.800.000 thuê bao vào cuối năm 2015.

Bảo đảm tưới trực tiếp cho 3,5 triệu ha đất canh tác, tạo nguồn tưới cho hơn 1 triệu ha, tiêu cho 1,7 triệu ha. Tỉ lệ đô thị hoá dự báo đạt khoảng 35%.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2010 xếp thứ 75/139 quốc gia, năm 2011 xếp thứ 65/142 quốc gia, năm 2012 xếp thứ 75/144 quốc gia, năm 2013 xếp thứ 70/148 quốc gia, năm 2014 xếp thứ  68/144 quốc gia, năm 2015 xếp thứ  56/140 quốc gia.

Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, trong đó năm 2015 ký FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu, FTA với Hàn Quốc và 2 Hiệp định FTA thế hệ mới là FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đang tích cực đàm phán nhiều Hiệp định FTA mới.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực có phần đóng góp và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

thu tuong khang dinh lap truong kien quyet dau tranh bao ve chu quyen bien dao

Khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII

Sáng nay (21/3), tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Thanh Huyền

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc