Kết quả kinh doanh năm 2023 của các ngân hàng có sự phân hóa mạnh

19:50 | 31/01/2024

1,040 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tính đến ngày 31/1, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 4 và BCTC hợp nhất năm 2023. Theo ghi nhận, kết quả kinh doanh của các ngân hàng có sự phân hóa mạnh.
Techcombank công bố kết quả kinh doanh quý IV năm 2023: Kết quả khả quan tạo tiền đề tích cực cho năm 2024Techcombank công bố kết quả kinh doanh quý IV năm 2023: Kết quả khả quan tạo tiền đề tích cực cho năm 2024
VIB kinh doanh ra sao trong năm 2023?VIB kinh doanh ra sao trong năm 2023?
Tỷ lệ nợ xấu tại MSB bất ngờ giảm mạnh vào cuối năm 2023Tỷ lệ nợ xấu tại MSB bất ngờ giảm mạnh vào cuối năm 2023

Cụ thể, tại VPBank: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý IV/2023 của ngân hàng này ở mức 2.708 tỷ đồng, tăng tới 96% so với cùng kỳ năm 2022. VPBank là một trong những ngân hàng có tăng trưởng cao nhất trong quý cuối cùng của năm 2023.

Luỹ kế năm 2023, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 10.987 tỷ đồng, giảm 48% so với năm 2022. Theo đó, VPBank không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Kết quả kinh doanh năm 2023 của các ngân hàng có sự phân hóa mạnh
Kết quả kinh doanh năm 2023 của các ngân hàng có sự phân hoá rất lớn/Ảnh minh họa/

HDBank cũng có mức tăng trưởng ấn tượng khi lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 tăng 95% so với cùng kỳ, đạt 4.385 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 13.017 tỷ đồng, tăng trưởng 27% và đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng lợi nhuận.

SHB: Lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 đạt 735 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 9.244 tỷ đồng, giảm 4,6% so với năm 2022.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản SHB ở mức 630.425 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay khách hàng trong năm tăng 13,7% lên 438.464 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 23,7%, đạt 447.503 tỷ đồng.

OCB: Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 5.227 tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm 2022. Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của OCB đạt 239.454 tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2022. Tổng huy động thị trường 1 đạt 168.112 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Dư nợ thị trường 1 tăng 20,5% so với năm 2022 đạt 148.005 tỷ đồng, thực hiện 100% kế hoạch năm.

MB: Quý IV/2023, lợi nhuận trước thuế của MB đạt 6.287 tỷ đồng, tăng 38,6% so với quý IV/2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của ngân hàng đạt 26.306 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2022. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động cốt lõi với thu nhập lãi thuần tăng 7,4% đạt 38.683 tỷ đồng. Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) được cải thiện từ 32,5% xuống 31,5%. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 24,4% xuống mức 6.087 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản MB đạt 944.954 tỷ đồng, tăng 29,7% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay khách hàng trong năm tăng tới 32,7%. Tiền gửi khách hàng tăng 27,9% lên 567.533 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 40,2%, cao nhất toàn ngành.

VietABank: Lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong quý IV/2023 đạt 336 tỷ đồng, tăng 12,8% so với quý 4/2022. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi ròng của ngân hàng đạt gần 275 tỷ đồng, tăng 14,4%.

Lũy kế lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VietABank đạt hơn 928 tỷ đồng, giảm 16,2% so với năm 2022 và chỉ thực hiện được 73% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính vẫn đến từ chi phí dự phòng tăng gấp 11 lần năm 2022 trong khi lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh nhờ các nguồn thu chủ chốt đều diễn biến tích cực.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của VietABank đạt 112.207 tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 69.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm, thấp hơn trung bình của nền kinh tế (tăng trưởng 13,7%). Tiền gửi khách hàng ở mức gần 86.700 tỷ đồng, tăng 23,5% so với đầu năm.

Kienlongbank: Lợi nhuận trước thuế trong quý cuối năm 2023 của KienlongBank đạt 79,5 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận trong năm 2023 lên 719 tỷ đồng, đạt 102% so với kế hoạch được Đại hội đồng Cổ đông thông qua hồi tháng 4.

NamABank: Lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Ngân hàng đạt hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022. Các mảng kinh doanh tăng trưởng tích cực, thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.600 tỷ đồng (tăng hơn 30%), lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 600 tỷ đồng (tăng 116%), lãi thuần từ hoạt động khác đạt hơn 330 tỷ đồng (tăng 10,1%)…

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của NAB đạt hơn 210.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm, nằm trong nhóm 20 ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống.

Huy động vốn đạt gần 165.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm, dư nợ cho vay đạt gần 142.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm.

Nhìn vào bảng xếp hạng lợi nhuận, kết quả kinh doanh năm 2023 của các nhà băng có sự phân hoá rất lớn.

Vietcombank tiếp tục là quán quân lợi nhuận toàn ngành với lợi nhuận trước thuế ước tính đạt hơn 41.000 tỷ đồng. Top 5 lợi nhuận năm nay có sự góp mặt của Big 4 (Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank) và MB.

Chỉ có 7 ngân hàng có lợi nhuận đạt trên 20.000 tỷ đồng. Ngoài nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank) thì còn có MB (hơn 26.000 tỷ), Techcombank (gần 22.900 tỷ đồng) và ACB (20.068 tỷ đồng).

Lợi nhuận quý IV/2023 của các ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt. Hiện Saigonbank (SGB) là ngân hàng có tăng trưởng cao nhất, lãi trước thuế quý IV/2023 đạt 84 tỷ đồng, gấp 92 lần cùng kỳ năm 2022. Khá nhiều ngân hàng tăng trưởng âm trong quý IV/2023 như VIB, MSB, TPB... Ngoài ra một số ngân hàng bị lỗ trong quý IV năm này.

Trong nhóm ngân hàng tư nhân, Techcombank và ACB hoàn thành sát nút kế hoạch đặt ra. Trong khi đó những ngân hàng như VPBank, VIB, MSB, TPBank, Eximbank... đều không đạt kế hoạch.

Huy Tùng (t/h)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps