“Hy sinh” bên bàn nhậu, có nhất thiết không?

10:07 | 24/06/2019

1,053 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tài sản lớn nhất của đời người, chính là sức khỏe, sức sống bền lâu, chứ không phải là số tiền trong tài khoản ngân hàng.    

Trong vòng 10 năm phát triển nhanh các dự án đầu tư của Ngành X, có đến người thứ 5 trong tổng số 12 người trong Ban phát triển dự án chết vì ung thư ở tuổi tứ tuần, thì dư luận trong Ngành này khá hoang mang, họ thấy cần thiết phải truy tìm nguyên nhân ẩn sau căn bệnh khủng khiếp, mà cả thế giới vẫn bó tay, chưa tìm ra phương pháp thực sự hiệu nghiệm chữa trị.

hy sinh ben ban nhau co nhat thiet khong

Khi xem xét kỹ vấn đề, thì có một thực tế chung mà nhiều người trong Ngành đó nhìn thấy rõ ở Ban phát triển dự án, nhất là Giám đốc một bệnh viện của Ngành. Do tính chất công việc phải đi lấy đất ở các tỉnh để xây dựng nhà máy cho các dự án, buộc thành viên của Ban phải liên tục gặp người có liên quan bên bàn nhậu. Ăn nhậu liên miên, lối sống thiếu điều độ, thiếu thời gian chăm sóc bản thân, nên hầu hết cánh đàn ông trong Ban đều béo phì, với cái bụng mỡ phình ra như đàn bà có bầu 6 tháng. Vị Giám đốc bệnh viện của Ngành mỗi lần khám bệnh định kỳ cho các anh bụng mỡ của Ban, đều cảnh báo các chỉ số quá mức cho phép. Nhưng khi nghe điều không lọt tai từ miệng vị bác sĩ, các anh trong Ban cương quyết… không cho vào đầu, không bận tâm. Họ vẫn vì công việc mà đi nhậu với các đối tác, chăm sóc các mối quan hệ triền miên.

Họ đã vì mối quan hệ, vì thói quen độc hại là chỉ tin nhau qua bàn nhậu nên đã chẳng thèm lắng nghe cơ thể, chẳng thèm nghe lời cảnh báo của bác sĩ. Cho đến khi những cơn đau đánh gục họ, hoặc sau một cú đột quỵ, họ tỉnh ra thì đã quá muộn, kết quả ung thư gan, đại tràng, dạ dày đã khiến họ suy sụp nhanh thêm. Gã ung thư xộc đến và cướp đi mạng sống quý giá của họ.

Trong một lần chia sẻ với báo giới về sức khỏe doanh nhân, nghệ sĩ Việt Nam, doanh nhân văn hóa Vũ Minh Châu bày tỏ sự lo ngại của ông về thói quen nhậu nhẹt, uống nhiều đồ độc hại đưa đẩy giao tiếp của các doanh nhân, nghệ sĩ Việt Nam. Doanh nhân thì uống rượu, càng rượu đắt tiền càng nâng độ sang trọng, nhưng rượu quá đắt lại thường bị làm giả, dẫn đến hại sức khỏe. Một số doanh nhân thậm chí phải đến thẳng bệnh viện sau khi rời bàn nhậu. Còn giới nghệ sĩ, uống rượu cũng lắm mà cà phê cũng nhiều, hai thứ chất kích thích đó, khi dùng vô độ, cũng hủy hoại sức khỏe cực nhanh.

Bản thân ông Châu, cũng rút kinh nghiệm từ bài học đắt giá của chính mình. Đó là có một thời, ông ăn uống không kiểm soát, không để ý đến sức khỏe, thường xuyên ăn nhậu ở quán, nhà hàng bên ngoài, nguồn thực phẩm không đảm bảo, cộng thêm rượu uống quá nhiều, và ông bị bệnh gan. Bệnh nặng đến mức tưởng như không qua khỏi. Trong những ngày nằm viện, ông mới ngộ ra rằng, lúc đó, khối tài sản khổng lồ cũng không còn ý nghĩa gì nữa nếu ông phải ra đi. Tài sản lớn nhất của đời người, chính là sức khỏe, sức sống bền lâu, chứ không phải là số tiền trong tài khoản ngân hàng.

Kể từ đó, doanh nhân Vũ Minh Châu đã thay đổi lối sống. Ông sống lành mạnh, nghiên cứu dưỡng dược để phục vụ bản thân, gia đình, nhân viên và bạn hữu, có được nguồn dinh dưỡng tốt, sức khỏe cải thiện, nâng cao chất lượng sống và sống khỏe, sống lâu.

Muốn kinh tế gia đình phát triển bền vững, muốn đóng góp phát triển kinh tế quốc gia giàu mạnh, thì việc trước tiên của các doanh nhân, và mỗi công dân, là phải bảo vệ mạng sống của chính mình trước tiên, sống khỏe, làm việc lâu dài, cống hiến lâu dài, chứ không phải đốt cháy mình trong bàn nhậu, phung phí sức lực để chóng tàn. “Chỉ tin nhau qua bàn nhậu” là một quan niệm, một thói quen có thể thay đổi được. Không cần nhậu tới bến, vẫn làm ăn tốt với nhau, vẫn giúp nhau phát triển, đó là điều chúng ta cần thay đổi. Giới doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển kinh tế đất nước mạnh mẽ, sánh vai các cường quốc thế giới, mà không nhất thiết phải trở thành các "tử sĩ" bên bàn nhậu.

Đặng Thanh