Cải tiến cơ cấu giá bán lẻ điện

Hợp lý, minh bạch, đúng nguyên tắc thị trường

11:00 | 15/11/2019

320 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý về Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam. Các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất cho rằng, cần thiết phải cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến đáng chú ý.
hop ly minh bach dung nguyen tac thi truong
PGS.TS Bùi Xuân Hồi

Báo cáo tại hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Đề án - cho hay, để thực hiện đề án, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu kinh nghiệm định giá điện của các nước đang phát triển như Malaysia, Thái Lan và các nước phát triển như Pháp, Hàn Quốc, Australia, cụ thể: Biểu giá điện bậc thang tăng theo mức tiêu dùng lũy tiến vẫn được sử dụng phổ biến; các hộ tiêu thụ phải trả đầy đủ các chi phí của hệ thống điện; giá điện luôn được điều chỉnh để phản ánh đúng chi phí cung ứng điện khi giá các nhiên liệu đầu vào thay đổi…

Đơn vị tư vấn đã phân tích tổng quan sản lượng - doanh thu - giá bán điện từ năm 2016-2018, qua đó cho thấy, giá điện chỉ tương đương giá thành bình quân; tổng doanh thu chỉ tương đương tổng chi phí, chính vì vậy chưa cân bằng tài chính cho ngành điện, không có nguồn lực để phát triển hệ thống điện.

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã đưa ra các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho 4 hộ sử dụng điện: Sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Trong đó, với hộ sinh hoạt, đề án đưa ra 3 phương án cơ cấu biểu giá bậc thang: 5 bậc, 4 bậc và 3 bậc.

Theo đơn vị tư vấn, cả 3 phương án đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội và doanh thu của EVN sẽ giảm nhẹ. Trong đó, phương án 5 bậc phù hợp với các đặc thù sử dụng điện của Việt Nam hiện nay cũng như mức thu nhập của từng nhóm đối tượng.

hop ly minh bach dung nguyen tac thi truong
Toàn cảnh hội thảo

Đơn vị tư vấn đề xuất: Nên luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện bằng các văn bản pháp lý của các cấp có thẩm quyền, công khai chu kỳ điều chỉnh giá. Thời điểm điều chỉnh giá điện nên lựa chọn theo mùa; tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng; đề xuất là 1-3 và 1-9 hằng năm.

Bên cạnh đó, cần có phương án điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và chi phí mua điện.

hop ly minh bach dung nguyen tac thi truong
TS Lê Hồng Tịnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội

TS Lê Hồng Tịnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội: Có chính sách thu hút đầu tư vào ngành điện

Việc nghiên cứu, đánh giá và đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành rất có ý nghĩa.

Mới đây, tôi tham gia vào tổ nghiên cứu cho Nghị quyết Trung ương XIII. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy đến năm

2020-2021, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì nước ta sẽ thiếu nhiều điện. Hiện nay, chúng ta đã phải mua điện từ nước ngoài.

Điện là loại tài nguyên được chuyển hóa từ nhiều loại tài nguyên không tái tạo, mà các loại tài nguyên này không phải là vô tận, thậm chí có loại tài nguyên đang cạn kiệt dần (dầu, than, khí đốt tự nhiên…) dẫn đến điện không phải là nguồn tài nguyên vô tận mà sử dụng lãng phí.

Trước đây chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá, tuy nhiên đã đến lúc cần phải điều chỉnh. Giá điện dành cho sản xuất được định thấp nhằm khuyến khích đầu tư nhưng hậu quả là các công nghệ lạc hậu tràn vào Việt Nam. Rất nhiều hộ tiêu thụ điện rất lớn nhưng không chịu đổi mới công nghệ, do giá điện còn thấp. Hiện nay, đầu tư cho ngành điện rất “teo tóp”, bởi vì đầu tư vào ngành điện phải chịu lỗ. Đó là lý do vì sao các dự án điện lớn đều buộc các doanh nghiệp lớn như EVN hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, nhưng đầu tư không có lãi.

Giá điện tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội nên rất nhạy cảm. Chúng ta sắp tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, do đó, giá điện cần phải bảo đảm được lợi ích của cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Cần phải có chính sách tốt, để thu hút đầu tư vào ngành điện.

hop ly minh bach dung nguyen tac thi truong
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam: Giá điện cần có tỷ lệ khuyến khích tiết kiệm điện

Sau gần 5 năm thực hiện, biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định đã đạt được những kết quả nhất định, tạo điều kiện cho việc điều hành giá bán điện công khai, minh bạch; giải quyết về cơ bản các nội dung của chính sách giá điện theo quy định của Luật Điện lực; có tác động tích cực đối với sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng điện.

Tuy nhiên, cho đến nay, khi các điều kiện sản xuất, kinh doanh, mức độ tiêu thụ điện năng, thu nhập của người tiêu dùng điện thay đổi, lộ trình xây dựng, hoàn thiện các cấp độ thị trường điện đang được thực hiện, biểu giá bán lẻ điện hiện hành đã xuất hiện những bất cập. Vì vậy, việc nghiên cứu cải tiến biểu giá bán lẻ điện hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu của quản lý, của sản xuất, kinh doanh mà còn cả yêu cầu của dư luận xã hội nhằm mục tiêu khắc phục những bất cập của biểu giá bán lẻ điện hiện hành, thực hiện tốt hơn nữa chính sách giá điện; bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, tạo công bằng hơn về chi phí cho người dùng điện, thuận lợi trong quản lý của ngành điện, kiểm tra giám sát của hộ tiêu dùng điện; nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán lẻ điện, khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội đối với việc điều hành giá điện của Nhà nước.

Việc định giá điện, ngoài vấn đề bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, bảo đảm nguyên tắc thị trường, đặc biệt là theo giờ thấp điểm, cao điểm... thì phải minh bạch. Công luận, xã hội đòi hỏi sự minh bạch của giá điện, nếu đã minh bạch thì ai cũng sẵn sàng chấp nhận.

Sẽ khó có thể kỳ vọng có biểu giá bán lẻ điện thỏa mãn được tất cả các đối tượng tiêu dùng điện trong xã hội. Tôi đồng tình với quan điểm “người tiêu dùng phải trả đúng chi phí họ gây ra cho hệ thống điện, đồng thời góp phần làm san phẳng đồ thị phụ tải giúp ngành điện hoạt động hiệu quả hơn. Dùng điện càng nhiều càng phải trả giá cao hơn thực chất là logic kinh tế xuất phát từ đặc trưng của hệ thống điện”.

Phương thức đó là để giải bài toán về chi phí sản xuất điện kể cả trong thời điểm bình thường và trong thời kỳ gia tăng phụ tải cao điểm, phải huy động các nguồn điện có giá thành khác nhau đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Nhưng như vậy là chưa đủ, vì giá điện không chỉ là bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh mà còn có thêm một tỷ lệ nào đó nhằm “khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm điện”. Vì sao phải có tỷ lệ khuyến khích tiết kiệm điện? Đó chính là do quy luật khan hiếm nguồn lực chi phối, bởi điện là loại tài nguyên được chuyển hóa từ nhiều loại tài nguyên không tái tạo, mà các loại tài nguyên này không phải là vô tận, thậm chí có loại tài nguyên đang cạn kiệt dần (dầu, than, khí đốt tự nhiên…) dẫn đến điện không phải là nguồn tài nguyên vô tận mà sử dụng lãng phí. Mặt khác, nguồn cung điện hiện chưa đáp ứng đủ tốc độ tăng tiêu thụ điện hằng năm.

hop ly minh bach dung nguyen tac thi truong
Tính giá bán lẻ điện theo 5 bậc, các hộ gia đình chịu tác động ít nhất

Dùng càng nhiều điện phải trả càng nhiều tiền, với giá càng cao (chi phí sản xuất điện được phân bổ đúng cộng với tỷ lệ khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm) chính là cách ứng xử về giá điện đáp ứng yêu cầu khách quan của quy luật khan hiếm tài nguyên.

hop ly minh bach dung nguyen tac thi truong
Ông Trần Văn Bình, giảng viên cao cấp Viện Kinh tế và Quản lý

Ông Trần Văn Bình, giảng viên cao cấp Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Có cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo

Điện là sản phẩm đặc biệt, là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, các hộ gia đình. Bất kỳ một sự thay đổi nào của giá điện cũng ảnh hưởng đến toàn xã hội. Do đó, cần phải làm rõ để xã hội hiểu về ngành điện, hiểu về cơ cấu hình thành giá điện.

Điện được sản xuất từ nhiều nguồn nhiên liệu khác nhau. Khi nguồn nhiên liệu đầu vào tăng, giá điện cũng phải tăng. Trước đây, khi chúng ta khai thác than ở độ sâu 10m, chi phí sẽ khác với việc hiện nay khai thác ở độ sâu 100m. Than là nhiên liệu đầu vào quan trọng của ngành điện, giá than tăng, giá điện cũng phải tăng…

Đặc thù của ngành điện là giá thành điện biến động giữa các năm nên việc luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện là cần thiết, chẳng hạn điều chỉnh giá điện 2 lần/năm như đề xuất của Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam. Ví dụ, khi mưa nhiều, huy động thủy điện cao thì giá điện sẽ giảm và ngược lại. Tuy nhiên, những năm qua, thời gian điều chỉnh giá điện thưa, khoảng 2 năm/lần, nên mỗi lần điều chỉnh thường gây “sốc” cho xã hội.

Thứ nữa, việc tính toán giá điện cũng cần phải tính đến mức phí khuyến khích năng lượng tái tạo. Thời gian qua, điện mặt trời tạo nên cơn sốt, bởi Chính phủ khuyến khích đầu tư với mức giá mua điện 9,5 cents/kWh (hơn 2.000 đồng/kWh), trong khi đó, giá bán điện trung bình chỉ khoảng 1.700 đồng/kWh. Nếu đứng ở góc độ kinh doanh, EVN càng mua điện càng lỗ. Do đó, khuyến khích năng lượng tái tạo nhưng phải có cơ chế đặc thù, không thể bắt ngành điện gánh chịu.

hop ly minh bach dung nguyen tac thi truong
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính

TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính: Xác định giá điện bình quân chính xác, hợp lý

EVN chỉ là doanh nghiệp thực hiện giá điện, tuy nhiên, khi có biến động về giá điện thì EVN lại chịu tác động từ dư luận. Do đó, việc EVN thuê tư vấn thực hiện đã bảo đảm được sự khách quan. Việc xây dựng cơ cấu biểu giá điện bán lẻ dựa trên giá bình quân, do đó, cần phải xem xét giá điện bình quân đã hợp lý chưa và cần có giá điện bình quân cho từng đối tượng.

Theo tôi, việc tính toán giá điện phải dựa trên các nguyên tắc:

Thứ nhất, giá điện là một loại hàng hóa đặc biệt, là loại hàng hóa mà cung phải luôn luôn cân bằng với cầu.

Thứ hai, việc định giá điện, ngoài việc bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, bảo đảm nguyên tắc thị trường, đặc biệt là theo giờ thấp điểm, cao điểm... thì phải minh bạch. Công luận, xã hội đòi hỏi sự minh bạch của giá điện, nếu đã minh bạch thì ai cũng sẵn sàng chấp nhận. Đây chính là cái gốc của vấn đề.

Quan điểm của tôi là trên cơ sở quy định các nhóm đối tượng theo Quyết định 28 của Chính phủ, ngoài giá điện bình quân chung, cần tính toán giá điện bình quân cho từng đối tượng, tức với hộ sản xuất, kinh doanh là bao nhiêu, hộ hành chính sự nghiệp là bao nhiêu và hộ gia đình là bao nhiêu?

hop ly minh bach dung nguyen tac thi truong
GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam:

Giá bán lẻ điện có ý nghĩa rất quan trọng với hầu hết người dân Việt Nam. Đặc biệt, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận của EVN, tức là sự tồn tại, phát triển của một tập đoàn kinh tế lớn. Việc tính giá bán lẻ điện bậc thang không chỉ gắn với sự công bằng xã hội mà cần phải gắn với việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà. Tác động của biểu giá bán lẻ đối với sự phát triển điện mặt trời trên mái nhà rất rõ rệt. Cụ thể, nếu quy định bậc thang cuối ở mức rất cao, khi các hộ dân lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà sẽ cắt được chi phí giá điện ở bậc thang này. Cùng với đó là hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Khung giờ cao điểm 13-16 giờ là khung giờ mà điện mặt trời phát tốt nhất.

hop ly minh bach dung nguyen tac thi truong

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Lâu nay, chúng ta vẫn bị động trong việc điều chỉnh giá bán lẻ điện, dù đã có quy định. Do đó, giá điện cần phải luật hóa và bắt buộc cơ quan quản lý Nhà nước cũng như EVN phải tuân thủ. Tôi đồng ý với phương thức 6 tháng điều chỉnh giá bán lẻ điện 1 lần và khi điều chỉnh phải công bố rõ ràng, minh bạch. Dù đến thời điểm đó, giá bán lẻ điện không biến động cũng phải công bố để cộng đồng xã hội biết rõ.

Giá điện cũng cần phải bảo đảm được sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Cần đưa chi phí bảo vệ môi trường vào giá điện và không nên khuyến khích các ngành sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng như sắt, thép, xi măng… Chúng ta phải hiểu rằng, giá điện không phải do EVN quyết định, nhưng EVN lại phải gánh chịu sự bức xúc của dư luận mỗi lần điều chỉnh giá bán lẻ điện. Trong khi đó, hiện trong cơ cấu nguồn điện, EVN chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại là của các nhà đầu tư bên ngoài.

hop ly minh bach dung nguyen tac thi truong

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Phải thông tin cho cộng đồng xã hội thấy rõ rằng, trong giá mua điện hiện nay chưa có chi phí về môi trường. Ngoài ra, cũng cần phải tách bạch chi phí công ích với chi phí sản xuất kinh doanh điện. Bởi hiện nay, EVN đã thực hiện được rất tốt các nhiệm vụ công ích.

Minh Ngọc

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps