Hoãn nâng lô lên 1.000, nhà đầu tư tiếp tục chờ giải pháp

06:55 | 10/03/2021

286 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Bộ Tài chính và FPT giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi.
Buổi làm việc chiều nay giữa Bộ Tài chính và Tập đoàn FPT.
Buổi làm việc chiều nay giữa Bộ Tài chính và Tập đoàn FPT.

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với Tập đoàn FPT để tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng “nghẽn lệnh” trên sàn chứng khoán TP HCM (HOSE) trong thời gian qua.

Tại buổi làm việc diễn ra chiều qua, Bộ Tài chính và FPT đều chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 đến 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000. Tuy nhiên, Bộ khuyến khích chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX một cách tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của sàn chứng khoán TP HCM.

Doanh nhân Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT, người đã có kiến nghị về vấn đề nghẽn lệnh HoSE, tái khẳng định quyết tâm cùng Bộ Tài chính xây dựng giải pháp tháo gỡ tình trạng nghẽn mạng trong giao dịch trên sàn chứng khoán HOSE trong thời gian nhanh nhất.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và Sở Giao dịch Chứng khoán chủ động phối hợp với FPT để triển khai phương án giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạng trong giao dịch chứng khoán. Giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Bộ Tài chính sẽ sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán, với tinh thần "phải sớm xử lý dứt điểm tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên HoSE. Các đơn vị của Bộ này cũng đang tìm các giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống".

Trước đó, tại sự kiện "Đối thoại 2045" ngày 6/3 ở TP HCM, ông Trương Gia Bình (chủ tịch Tập đoàn FPT) nhận định: "Thị trường chứng khoán mấy hôm nay rất trục trặc... Chúng tôi có thể giải quyết thật nhanh". Ông Bình nói rõ là "Giờ chỉ cần niềm tin của Chính phủ đối với doanh nghiệp tư nhân, không cần tiền luôn, 2 tháng là xong". Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Tổng Giám đốc Vietjet) cũng chung ý kiến: chi phí giải quyết từ 60 tỉ đồng trở lên, doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng đóng góp để giảm áp lực ngân sách. Bà Thảo cho biết đây là dựa trên tham khảo của các tập đoàn công nghệ đầu ngành như FPT, Viettel...

Trước đề xuất này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu "Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì giải quyết nhanh, sẽ quyết luôn, giao cho quý vị, không phải dùng ngân sách, nhưng mà thay đổi công nghệ của chứng khoán TP HCM, không để trục trặc nữa".

Tuy nhiên, theo như tinh thần cuộc họp giữa Bộ Tài chính và FPT, thì trước khi HoSE có được một giải pháp công nghệ hoàn toàn gỡ nút thắt nghẽn lệnh một cách thông suốt, bền vững, xu thế dịch chuyển theo doanh nghiệp hoặc theo bộ phận ra sàn HNX - nơi có công nghệ chấp nhận lượng lệnh giao dịch cao hơn HoSE, có thể sẽ xảy ra. Và một điều đáng lưu tâm là thay vì mất 2 tháng như quyết tâm của các Lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ trước đó, nhà đầu tư có thể sẽ phải tái diễn cảnh "mong đợi ngậm ngùi" trong vài tháng tới.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp