Hoa hậu làm được gì cho xã hội?

07:22 | 20/11/2017

9,754 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là một câu hỏi khá thẳng thắn về việc thi nhan sắc ở nước ta, vốn đang trong tình trạng lạm phát về số lượng, yếu kém về chất lượng và các hoa hậu vướng nhiều thị phi. Trong khi đó, sứ mệnh của hoa hậu với cộng đồng xã hội - nét đẹp nhân ái mang tính nhân văn - thì rất mờ nhạt… Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia đào tạo người đẹp Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Người mẫu Á Đông - về vấn đề này.  

Hoa hậu không giúp ích cho cộng đồng

PV: Nhìn các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam hiện nay, ông có suy nghĩ gì?

hoa hau lam duoc gi cho xa hoi

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Bội thực những cuộc thi sắc đẹp là điều đầu tiên dễ nhìn thấy. Theo thống kê, chỉ trong vòng tháng 10 vừa qua, hàng loạt các cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ đã diễn ra, nhiều đến mức khó ai có thể nhớ được đó là những cuộc thi nào. Lớn có, nhỏ có và nhỏ hơn cả những cuộc thi mà ngày trước báo chí hay gọi là “ao làng” cũng có. Chính vì vậy, giá trị vương miện hoa hậu dường như không còn nữa, mọi người dễ trở thành hoa hậu quá, ai cũng có thể trở thành hoa hậu nếu có… nhiều tiền.

Theo quy định thì hiện nay, mỗi năm chỉ cho phép tổ chức hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia, nhưng bên cạnh đó, các cuộc thi về người đẹp doanh nhân nổ ra quá nhiều. Và người thắng cuộc từ cuộc thi này cũng mang danh xưng là hoa hậu, chẳng hề biết được đó là ai, cuộc thi nào, tổ chức ở đâu?...

Rất có thể khi người ta đã có tiền thì cần danh hiệu, danh tiếng. Nhưng thật ra danh hiệu và danh tiếng đó chỉ có giá trị khi nó là thật, được tạo nên từ những giá trị cốt lõi của doanh nhân đó trong kinh doanh chứ không phải từ những ồn ào của một cuộc thi nhan sắc. Đó là chưa kể, một bà mang danh “nữ hoàng” mà người ta nhìn vào lắc đầu ngán ngẩm về sắc đẹp thì danh tiếng ở đâu?

Ngoài hai cuộc thi cấp quốc gia, tôi không ủng hộ các cuộc thi nhan sắc khác được cấp phép nở rộ và ai thắng cuộc cũng được gắn danh xưng là hoa hậu, á hậu, gây loạn thi nhan sắc.

PV: Có một câu hỏi được đặt ra: Hoa hậu làm được gì cho đất nước mà tổ chức thi hoa hậu nhiều như vậy? Thực tế, hoạt động xã hội của hoa hậu sau cuộc thi hầu hết rất mờ nhạt, công chúng chỉ thấy họ xuất hiện với váy áo, đi sự kiện và những lùm xùm không đáng có. Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện sứ mệnh của các hoa hậu hiện nay?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hoa hậu đang không làm được gì cho cộng đồng là thật. Nhưng mọi người cũng đừng vội trách các hoa hậu, mà đáng trách nhất chính là đơn vị tổ chức thi hoa hậu. Về mặt nguyên tắc, việc chọn ra được hoa hậu chỉ là bước đi đầu tiên của một cuộc thi, hành trình sau đó của hoa hậu thì ban tổ chức phải có định hướng rõ ràng trong suốt nhiệm kỳ của mình. Nhưng thực tế hiếm khi diễn ra như vậy. Sau cuộc thi, ban tổ chức gần như xong nhiệm vụ, hoa hậu muốn làm gì thì làm. Các hoạt động quan trọng của hoa hậu sau cuộc thi thường chỉ là “trả ơn” cho các nhãn hàng tài trợ cho cuộc thi chứ không phải đóng góp cho cộng đồng.

hoa hau lam duoc gi cho xa hoi
Cuộc thi “Hoa hậu Đại dương” 2017 nhiều lùm xùm

Khi các hoa hậu, đa số là người trẻ, ít kinh nghiệm, bị nhà tổ chức “bỏ rơi” thì họ phải “tự bơi” thôi. Trong hành trình “tự bơi” đó, nếu cô nào có từ tâm thì phải tự thân vận động làm thiện nguyện. Cho nên việc hình ảnh của họ mờ nhạt trong các hoạt động xã hội, chỉ suốt ngày xuất hiện ở sự kiện với váy áo, hay trong shop mỹ phẩm, rồi có những thông điệp lệch lạc kiểu chỉ cần đẹp là sẽ có cuộc sống sung túc... là điều dễ hiểu.

Ở đây, tôi xin đặc biệt nhấn mạnh là việc thực hiện sứ mệnh của hoa hậu như thế nào là phụ thuộc vào chính đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu đó. Bởi theo quy định, sau khi đạt giải thì trong suốt nhiệm kỳ của mình, hoa hậu có trách nhiệm làm theo những gì ban tổ chức đưa ra.

Đi thi hoa hậu để “đổi đời” là sự thật trần trụi nhất, hình như là điều mong muốn của hầu hết các thí sinh? Bây giờ, mấy ai đi thi hoa hậu với mục tiêu khẳng định sắc đẹp của mình, hay cao cả hơn là sau này dùng danh hiệu để phục vụ cộng đồng.

Ở nước ngoài, mỗi cuộc thi hoa hậu đều có một tiêu chí khác nhau, một mục đích khác nhau. Và mội hoa hậu đoạt giải ở mỗi cuộc thi đều có sứ mệnh khác nhau. Ví như “Hoa hậu Trái Đất” sẽ đi khắp thế giới, bằng cách này hoặc cách khác kêu gọi mọi người chung tay góp sức bảo vệ môi trường sống… Còn những cuộc thi nhan sắc hiện tại ở nước ta không có mục đích, ý nghĩa cụ thể hoặc có mục đích đấy nhưng sau khi thi xong thì đơn vị tổ chức “buông xuôi”, không quan tâm đến các hoạt động xã hội. Ví dụ, cuộc thi “Hoa hậu Đại dương” đặt mục tiêu, ý nghĩa là bảo vệ môi trường biển đảo, nhưng trong mấy năm qua, những người tổ chức thi “Hoa hậu Đại Dương” đã có những hoạt động gì thiết thực cho biển đảo vốn rất nhiều vấn đề, nhất là chuyện ô nhiễm môi trường, thay vì tổ chức một vài buổi đưa thí sinh ra bãi biển nhặt rác để chụp ảnh?

Chính sự thiếu trách nhiệm của đơn vị tổ chức với các hoa hậu khiến giá trị hoa hậu ngày càng mờ nhạt với xã hội.

PV: Cũng chính vì vậy mà nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng những cuộc thi hoa hậu chỉ vì lợi nhuận của đơn vị tổ chức?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thật ra thì ai làm gì thì cũng phải có lợi nhuận, nhưng vấn đề là đặt lợi nhuận đó thế nào. Đơn vị tổ chức phải làm sao luôn hài hòa giữa lợi nhuận và lợi ích cho cộng đồng, chứ còn kiểu làm “ăn xổi ở thì”, “đem con bỏ chợ” thì không thể nào tồn tại lâu dài được.

Thi hoa hậu để kiếm nhiều tiền?

PV: Ông nhận xét gì về các hoa hậu đăng quang trong thời gian gần đây, về cả nhan sắc và trí tuệ?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Khi so sánh với các cuộc thi hoa hậu các nước thì thấy chất lượng các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam thua quá xa. Thứ nhất là về thí sinh, từ hình thể, gương mặt, trình độ. Ngay cả kỹ năng cơ bản là bước đi trên sân khấu vẫn không được huấn luyện bài bản thì những cái cao hơn như kiến thức, phong thái, ứng xử, giao tiếp làm sao bồi dưỡng được.

Một minh chứng là Việt Nam không có vị trí cao trong bản đồ nhan sắc thế giới mặc dù hiện nay vẻ đẹp của chúng ta đến gần với thế giới hơn.

hoa hau lam duoc gi cho xa hoi
“Hoa hậu Hoàn vũ” tổ chức ở Nha Trang, ngay trong cơn bão lũ

Rồi có trường hợp, có người đẹp chuyên đi thi nhan sắc như một nghề vậy, giống như bằng mọi giá cô ấy phải kiếm danh hiệu để sống vậy. Ròng rã nhiều năm trời, tôi thấy có cô luôn xuất hiện trong các cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ. Và tôi không lấy làm bất ngờ khi có một thí sinh của cuộc thi “Hoa hậu Hoàn Vũ” vừa rồi trả lời câu hỏi của ban giám khảo là đi thi hoa hậu để kiếm được nhiều tiền.

Đi thi hoa hậu để “đổi đời” là sự thật trần trụi nhất, hình như là điều mong muốn của hầu hết các thí sinh? Bây giờ, mấy ai đi thi hoa hậu với mục tiêu khẳng định sắc đẹp của mình, hay cao cả hơn là sau này dùng danh hiệu để phục vụ cộng đồng xã hội.

PV: Đã có ý kiến đề xuất xem xét bỏ quy định về phẫu thuật thẩm mỹ đối với thí sinh thi hoa hậu? Theo ông, nên hay không?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Hoàn toàn không nên bỏ. Đã là hoa hậu thì người đó phải mang vẻ đẹp tự nhiên, chứ vẻ đẹp nhân tạo nằm trong tay bác sĩ. Bác sĩ mát tay, nắn ra gương mặt xinh, số đo các vòng đẹp cho thí sinh thì còn gì là thi hoa hậu nữa. Không phải ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy, các cuộc thi nhan sắc đều không chấp nhận thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ. Chỉ duy nhất Hoa hậu Hoàn Vũ cho chỉnh sửa nhẹ.

PV: Ông có kiến nghị gì về các cuộc thi hoa hậu Việt Nam?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Khi cơ quan chức năng cấp phép cho một đơn vị nào đó tổ chức thi hoa hậu hay thi nhan sắc nói chung thì cần có quy định cụ thể, phải giám sát chặt chẽ cuộc thi chứ không phải để mọi việc xảy ra rồi mới bắt đơn vị tổ chức giải trình; không nên bỏ quy định về phẫu thuật thẩm mỹ đối với thí sinh thi nhan sắc; cần có cơ chế giám sát chặt tiêu chí, mục đích ý nghĩa của cuộc thi; giám sát việc đơn vị cùng hoa hậu thực hiện công tác xã hội theo như tiêu chí đề ra; không nên để tình trạng lạm phát thi nhan sắc diễn ra, không cấp phép tràn lan cho những đơn vị tổ chức theo kiểu “ăn xổi”.

Nếu cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, quyết liệt, tôi nghĩ thi hoa hậu sẽ vào nề nếp, danh hiệu hoa hậu sẽ lấy lại được sự quý giá vốn có của nó.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Phan An: Cái nết đánh chết cái đẹp!

hoa hau lam duoc gi cho xa hoi

Thi hoa hậu là nhu cầu của con người trong đời sống hiện tại vốn rất phong phú và đa dạng. Nhưng tôi không đồng tình ở chỗ, một số nhà tổ chức đang biến những cuộc thi hoa hậu thành những chuyện tai tiếng. Bây giờ, nhiều cuộc thi chủ yếu là kinh doanh kiếm lợi chứ không mang lại ý nghĩa gì. Đó là điều không nên, cơ quan quản lý cần xử lý, siết chặt giám sát các đơn vị tổ chức.

Không gian, thời gian tổ chức hoa hậu cũng phải làm sao cho phù hợp. Ngay trong thời điểm bão lụt đau thương mà vẫn tổ chức thi hoa hậu thì thật lố bịch. Không những vậy, có cô á hậu còn phát ngôn rất ngớ ngẩn và vô cảm về thiên tai. Nên nhớ, hoa hậu không phải đẹp là đủ, mà còn phải có tri thức, văn hóa.

Đối với Việt Nam, việc thi người đẹp mới nở rộ trong thời gian gần đây thôi, ngày xưa ông bà ta chưa có chuyện này. Tất nhiên, văn hóa Việt Nam bao đời nay vẫn luôn hướng về cái đẹp, nhất là ca ngợi sắc đẹp của người phụ nữ. Bên cạnh đó, dân gian luôn so sánh giữa sắc, tài, nết. Ông bà ta nói, “cái nết đánh chết cái đẹp”. Người Việt Nam bao giờ cũng xem trọng văn hóa, tính nhân văn. Nhưng các cuộc thi hoa hậu gần đây, cái nết - cái đẹp của các thí sinh vẫn còn quá nhiều chuyện để bàn, những ồn ào, thị phi liên quan đến văn hóa ứng xử của các thí sinh vẫn diễn ra.

Lý do vì sao? Phải chăng vì các cuộc thi nhan sắc vừa qua đã xa rời tiêu chí văn hóa, nhân văn, xa rời tiêu chí chọn người “đẹp người, đẹp nết” làm hoa hậu nên mới để xảy ra những trường hợp như vậy?

Sứ mệnh của các hoa hậu với cộng đồng xã hội ngày càng mờ nhạt. Hoa hậu với cái đẹp để làm gì, để giúp đỡ cộng đồng bằng danh hiệu của mình, để hướng đến cái đẹp khác chứ không phải để làm lợi riêng cho bản thân.

Bây giờ, thi hoa hậu đang bị lạm dụng, lạm phát. Điều đó vô hình trung tạo nên nhận thức về cái đẹp không được đầy đủ và phù hợp. Thi sắc đẹp là một hoạt động văn hóa, tôn vinh cái đẹp, còn bây giờ, nhiều cô gái nghĩ thi hoa hậu để kiếm giải, để tiến thân… Và để đạt được điều đó, họ bất chấp tất cả.

Nhiều chuyên gia văn hóa khẳng định: Bản thân ý nghĩa của các cuộc thi sắc đẹp đều rất cao quý, nó góp phần tôn vinh cái đẹp, tôn vinh phụ nữ, đồng thời còn là một hoạt động văn hóa. Thế nhưng, mỗi thí sinh đến với cuộc thi vì một mục đích khác nhau mà ban tổ chức hay ban giám khảo không thể nhận ra được. Và, xung quanh mỗi người đẹp có danh hiệu đều tồn tại rất nhiều cám dỗ, cho nên đòi hỏi người nắm giữ vương miện phải biết trân trọng cả vẻ đẹp bên ngoài lẫn vẻ đẹp bên trong thì mới gìn giữ được hình tượng đẹp của một hoa hậu.

Trúc Vân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.