Hiến kế thanh toán dịch vụ công hiệu quả

11:30 | 25/08/2018

244 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những năm gần đây, bên cạnh việc thanh toán dịch vụ công theo các phương thức truyền thống bằng chứng từ giấy, còn có nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại, dễ sử dụng cho khách hàng lựa chọn.

Các chuyên gia, các nhà quản lý đề xuất các nhóm giải pháp tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi, đó là: Hoàn thiện hệ thống pháp lý trong việc thanh toán dịch vụ công để thúc đẩy việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng; đẩy mạnh hạ tầng thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng giúp hiện đại hóa các hình thức thanh toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và người dân; đặc biệt là nâng cao ý thức người dân trong việc thanh toán dịch vụ công khi thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng bằng cách đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng để người dân hiểu và thay đổi thói quen để những lợi ích và tiện dụng của việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.

hien ke thanh toan dich vu cong hieu qua
Ảnh minh hoạ.

Nâng cấp hạ tầng, đồng bộ cơ sở vật chất

Các đơn vị đang thực hiện chi, trả, thanh toán dịch vụ công qua các ngân hàng đã nghiên cứu và tổng kết từ thực tiễn triển khai và đưa ra những hướng giải quyết cho các vấn đề hiện tại, nhằm thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ, tiết kiệm chi phí, thời gian và nguồn lực xã hội, giảm sử dụng tiền mặt theo Đề án thanh toán không dùng tiền mặt.

Đại diện ngành Bảo hiểm, đơn vị chi trả các chế độ cho người dân, ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán – Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất các giải pháp để ngành Bảo hiểm chi trả qua hệ thống ngân hàng có hiệu quả hơn, trong đó, đáng chú ý là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế sử dụng tiền mặt.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt ra mục tiêu tiến đến chấm dứt hình thức thu tiền điện tại nhà, do đó, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian tới, EVN xây dựng chính sách phát triển thanh toán trực tuyến theo từng đối tượng khách hàng, triển khai thanh toán trực tuyến qua web và ứng dụng OTT chăm sóc khách hàng, quảng bá thanh toán qua Ví điện tử. Đồng thời, để tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng, EVN cũng sẽ có những ưu đãi như không thu phí thanh toán tiền điện bằng hình thức trích nợ tự động, bố trí nhân viên hướng dẫn, quảng bá khách hàng sử dụng dịch vụ, đặc biệt ở các huyện nông thôn, miền núi chưa có mạng lưới ngân hàng.

Bộ Y tế rất quan tâm tới vấn đề thúc đẩy dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Theo thống kê của bộ Y tế, hàng năm Bộ này thu khoảng 100.000 tỉ từ viện phí, phí bảo hiểm y tế trong đó dù tiền thanh toán của BHXH được thực hiện qua ngân hàng nhưng lượng tiền viện phí trả bằng tiền mặt là rất lớn. Do đó, Bộ Y tế rất muốn cải cách để triển khai mạnh mẽ chủ trương của Chính phủ. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế khẳng định: Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các bệnh viện phải có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong khi đầu tư của nhà nước cho các bệnh viện rất thấp, không đủ tiền nâng cấp hệ thống. Ông Liên đề nghị NHNN phối hợp cùng Bộ Y tế và kiến nghị Chính phủ cho phép gửi tiền viện phí, tiền bảo hiểm y tế vào ngân hàng để các bệnh viện có thể chủ động hơn trong việc thu chi đồng thời các ngân hàng cũng cần đồng bộ hệ thống để người dân tiện lợi hơn trong quá trình thanh toán bởi người dân không chỉ khám ở một bệnh viện.

Là ngân hàng tiên phong trong việc triển khai dịch vụ thanh toán với các công ty cung cấp dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, truyền hình…), các đơn vị hành chính công, hành chính sự nghiệp, các khách hàng doanh nghiệp (KHDN) đặc thù, Vietinbank đã và đang tìm ra các giải pháp có hiệu quả hơn nữa cho hoạt động này. Do đó, bà Trần Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm & Marketing –VietinBank kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý để các đơn vị có đủ cơ sở hợp tác với các ngân hàng trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đồng thời từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) trong vai trò là trung tâm chuyển mạch quốc gia, cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử cho các ngân hàng, các trung gian thanh toán, các đơn vị hành chính công, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc NAPAS phân tích các giải pháp thanh toán cho dịch vụ công. NAPAS mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ triển khai dịch vụ công cấp 4; đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin nhằm quản lý dữ liệu tập trung; phân công, phân nhiệm rõ ràng cho đầu mối phụ trách tại các đơn vị dịch vụ công; đồng thời phối hợp với NAPAS, các ngân hàng và tổ chức tiền gửi thanh toán tổ chức truyền thống.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách

Từ ý kiến của các đơn vị nói trên, với vai trò là những người làm quản lý nhà nước và các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách, lãnh đạo các cơ quan nhà nước và đại biểu Quốc hội đã đưa ra những giải pháp tổng thể, mang tính định hướng nhằm đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng trở nên phổ biến và thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số đang ngày càng được chú trọng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định: Bên cạnh việc hoàn thiện những sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện có, hầu hết các ngân hàng thương mại cần nghiên cứu để triển khai thêm các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, hướng tới việc cung cấp dịch vụ tài chính với chi phí rẻ và thân thiện, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp và khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng.

hien ke thanh toan dich vu cong hieu qua

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN - cho rằng, trước hết cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng và tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán. Thêm vào đó là triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công. Mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng.

Bàn về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất các nhóm giải pháp. Trước hết, ngành Ngân hàng tiếp tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ thanh toán; đồng thời tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý, sự phối hợp giữa ngân hàng với các đơn vị liên quan trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn. Thứ hai, trước những phương thức và thủ phạm mới của tội phạm trong hoạt động thanh toán, ngành Ngân hàng cần tiếp tục kiểm tra thường xuyên, rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ về an ninh, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm hạn chế các rủi ro; đồng thời phát hiện sớm các vi phạm để chấn chỉnh đảm bảo tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Thứ ba, trong thời gian qua NHNN đã quyết liệt yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường hoạt động kiểm tra, rà soát hoạt động của hệ thống máy giao dịch tự động (ATM) và dịch vụ thanh toán đặc biệt trong các dịp lễ tết để đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn và thông suốt. Thời gian tới, NHNN tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo hoạt động kiểm tra, rà soát hệ thống máy ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); tăng cường hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch qua ATM, POS và các giải pháp xác thực khách hàng để phòng, chống các hành vi gian lận; chủ động theo dõi và xử lý kịp thời những vướng mắc, sai sót; đồng thời có biện pháp khuyến cáo, hướng dẫn khách hàng phòng tránh các rủi ro, thủ đoạn gian lận.

Ông Lợi lưu ý, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ công và người dân về thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng, bao gồm các khoản thuế, các loại hóa đơn định kỳ (điện, nước, học phí) và viện phí, chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng. Đồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các Bộ, Ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng.

Tăng cường công tác truyền thông

Có rất nhiều ý kiến đề xuất giải pháp, trong đó, các giải pháp về đẩy mạnh truyền thông được đặc biệt chú trọng. Bà Trần Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm & Marketing –VietinBank đề xuất các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

hien ke thanh toan dich vu cong hieu qua

Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Xuất phát từ thực tiễn triển khai, đại diện lãnh đạo ngành Bảo hiểm rút ra kết luận, một giải pháp vô cùng quan trọng, đó là vai trò của việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH nhận chế độ qua tài khoản cá nhân, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người thụ hưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, phối hợp với Bưu điện các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai, mở rộng hình thức chi trả lương hưu trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân. Nếu không có công tác truyền thông sâu, rộng, việc đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng khó đạt hiệu quả cao.

Truyền thông phổ biến kiến thức tài chính là vấn đề được các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam rất quan tâm. Do vậy, bà Lê Thị Thuý Sen - Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN Việt Nam nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các chương trình truyền thông phổ biến kiến thức tài chính, ngân hàng của NHNN hướng đến người dân tại khu vực vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ họ trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tránh bị kẻ xấu lợi dụng do thiếu thông tin; đồng thời hướng đến giới trẻ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, tạo thói quen tài chính tốt trong cộng đồng xã hội.

Theo bà Thúy Sen, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều chương trình truyền thông để nâng cao hiểu biết, thói quen và hành vi của người sử dụng dịch vụ tài chính để làm sao dễ hiểu, tiết kiệm và phù hợp nhất. Trong các chương trình truyền hình như “Tiền khéo tiền khôn; Những đứa trẻ thông thái”, Vụ Truyền thông NHNN đã đặc biệt tập trung đến khu vực nông thôn, nơi có ít thông tin về tài chính nhằm thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ tài chính ở khu vực chiếm 70%, 80% dân số. Mục tiêu là thay đổi thói quen, hành vi, tạo thói quen tốt trong xã hội, trong đó tập trung vào giới trẻ. Vụ Truyền thông cũng tập trung nghiên cứu các kinh nghiệm của quốc tế, đặc điểm dân cư, thói quen, để thực hiện các dự án của mình. Bên cạnh đó, với sự cố gắng của mình, Ngân hàng Nhà nước còn cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan về thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng để cùng nhau thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện cho xã hội.

Thoa Lê

hien ke thanh toan dich vu cong hieu qua“PVOnline Banking – đơn giản hơn bạn nghĩ” ngày càng thu hút sự chú ý của khách hàng
hien ke thanh toan dich vu cong hieu quaThanh toán online, giảm thiểu tiền mặt
hien ke thanh toan dich vu cong hieu quaThanh toán online sẽ dần thay thế văn hóa trả tiền mặt?