Hiểm họa livestream

07:13 | 11/01/2018

2,959 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Live stream phim chiếu rạp “Cô Ba Sài Gòn”, giả live stream bão Tembin, hàng loạt hệ lụy chưa lắng lại thì đêm ngày 29-12, một đoạn video trực tiếp quay cảnh nhóm thanh niên cầm hung khí trên cao tốc chặn đầu các xe ôtô đi ngang để “xin đểu” khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi: Live stream để nổi tiếng hay đi tù?

Lạm dụng công cụ

Mục đích tốt đẹp ban đầu của mạng xã hội facebook nhằm kết nối trực tiếp, tương tác giữa các tài khoản mạng với nhau. Chúng ta có thể chia sẻ những khoảnh khắc của mình hoặc bên cạnh người thân với bạn bè, đồng nghiệp, hay có thể phát trực tiếp những cuộc họp, giao lưu văn nghệ cho những người không có điều kiện tham dự. Rồi tất cả những chuyến du lịch tới những miền đất mới được phát trực tiếp lại nhằm lưu giữ những khoảnh khắc kỷ niệm đáng nhớ.

hiem hoa livestream
Live stream giúp kết nối cộng đồng và các chuyên gia

Đối với giới văn nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, họ coi live stream là công cụ phủ sóng, kết nối với các fan hâm mộ, chia sẻ những khoảnh khắc đặc biệt của mình với những người quan tâm. Sự kết nối, tương tác mạnh mẽ ấy giúp những người nổi tiếng giữ được lượng fan hâm mộ ổn định và trung thành.

Thậm chí live stream còn được các chuyên gia, các bác sĩ, nhà nghiên cứu giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của cư dân mạng, cộng đồng hoặc các đối tượng quan tâm với vấn đề được đề cập. Điều đó cho thấy mặt tích cực không thể phủ nhận của hình thức “lên sóng” này.

Biến thể khoe thân, một bộ phận bán dâm trá hình

Bất kể là trào lưu gì, giới trẻ cũng có cách làm méo mó, sai lệch biến tướng so với những lợi ích mang lại ban đầu. Nếu như live stream được sử dụng như một công cụ kết nối, tương tác giữa các tài khoản mạng xã hội thì sẽ không có điều gì đáng nói, nhưng lợi dụng điều đó, một số hot girl hoặc các cô gái hành nghề mại dâm đã thoải mái khoe thân trá hình, mua bán dâm công khai trên mạng.

Giữa hai thế giới ảo và thế giới thực, chúng ta thấy đầy rẫy những cô gái sẵn sàng cởi đồ, bán hàng, tăng lượt theo dõi ảo để trục lợi cá nhân hoặc để hơn bạn hơn bè. Mạng xã hội phát triển và live stream đã vô tình biến nó từ “mảnh đất màu mỡ” thành nơi để “làm loạn”.

Việc phát tán những hình ảnh không lành mạnh, đồi trụy tra tấn thị giác gây tác hại khôn lường. Khi những đối tượng xấu có thể lợi dụng những thông tin riêng tư của người phát trực tiếp để vẽ ra những kế hoạch thủ ác. Không thể lường trước được mọi chuyện khi tất cả những hình ảnh xấu ấy trong tích tắc có thể phát tán tất cả mọi nơi.

Chiêu trò câu like rẻ tiền

Khi live stream trở thành một nghề kiếm bộn tiền, rất nhiều bạn trẻ đã cùng chạy đua, tìm đủ mọi chiêu trò để có được những nút like và share trên facebook. Từ tặng thẻ nạp, cắt tay tự tử, đốt tiền, cởi đồ cho tới việc hứa hẹn với dân mạng rằng: “Sẽ nhảy cầu”, “cạo đầu, cắt tóc”, “đốt tiền”, “đốt xe”… Tất cả những điều đó chỉ để được cư dân mạng chú ý, tăng lượt theo dõi facebook và trở thành một người nổi tiếng trong thế giới ảo.

Chẳng biết những cái like, những cái share trên mạng đó sẽ giúp những người trẻ tuổi kiếm được bao nhiêu tiền, nổi tiếng ở ngoài đời đến mức nào. Nhưng có đến hơn một nửa những điều ấy trở thành những vết nhơ vô cùng xấu xí mà không ai còn muốn nhìn lại.

Muôn vàn kiểu live stream thập cẩm tràn lan trên mạng, chiêu trò câu like rẻ tiền dù bị bài trừ, nhưng một bộ phận không nhỏ lại sẵn sàng tiếp tay. Họ biết là không tốt, nhưng họ nghĩ mình chẳng mất gì, nên họ làm. Hệ quả là cả một luồng văn hóa phẩm bị ô uế, bào mòn và xuống cấp chỉ bởi “mạng ảo”.

Từ phạt tiền tới án tù

Sáng 25-12, trong khi bão số 16 chưa đổ bộ vào đất liền thì những tựa đề như: “Trực tiếp bão số 16”, “Kinh hoàng bão 16 đổ bộ”... xuất hiện nhan nhản trên các facebook với tín hiệu live stream, khiến cho nhiều người không khỏi giật mình. Sự việc giả live stream bão Tembin để câu like, cũng có thể bị phạt tới mức 30 triệu đồng.

hiem hoa livestream
Từ án phạt tới án tù cho nhóm thanh niên live stream chặn xe xin tiền trên cao tốc

Chiêu trò câu like của các trang mạng không còn quá hiếm, nhưng có lẽ người ta vẫn chưa ý thức rõ được hành vi mà mình đang làm.

Cũng trong ngày 28-12 vừa qua, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với N.V.Tr (19 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) với số tiền 15 triệu đồng về hành vi live stream phim “Cô Ba Sài Gòn” trên mạng xã hội facebook. Được biết đây là mức án thấp nhất trong khung hình phạt về việc sở hữu bản quyền.

Mới đây nhất, khoảng 22h ngày 29-12, một đoạn video trực tiếp dài hơn 30 phút quay cảnh nhóm thanh niên cầm hung khí gồm tuýp sắt, dao, mã tấu trên cầu IC8 thuộc địa phận xã Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ chặn đầu các xe ôtô đi ngang để trấn lột và “xin đểu” tài xế.

Khi những xe ôtô không chấp nhận dừng lại còn bị một số đối tượng trong nhóm dùng hung khí chém vào thân xe. Một số thành viên của nhóm này còn ngang nhiên cười nói, chửi thề và quay lại clip phát trực tiếp lên trên mạng.

Thậm chí trong đoạn clip, một số thanh niên còn nhìn thẳng vào máy quay, xưng tên, luôn miệng thách thức các thành viên mạng xã hội báo cơ quan chức năng. Điều này khiến cư dân mạng vô cùng phẫn nộ. Trước sự việc đó, cơ quan chức năng đã bắt giữ các đối tượng và khung hình phạt có thể là tù 5 năm.

Vụ việc này một lần nữa khiến giới trẻ nhìn nhận rõ ràng hơn về hậu quả của việc lạm dụng live streams trong cuộc sống đời thường mà không biết rằng, bản thân mình đã có hành vi trái pháp luật hay không?

Live stream là hoạt động cá nhân của các tài khoản mạng xã hội, pháp luật không nghiêm cấm, tuy nhiên phải hiểu rõ một điều rằng: Live stream là con dao hai lưỡi, hãy làm điều đó đúng lúc, đúng chỗ. Bởi đó có thể là công cụ giúp giới trẻ nổi tiếng, cũng có thể là hố sâu dẫn vào những án phạt, án tù!

Linh Lan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc