TS Vũ Thế Khanh nói về vụ 200 hài cốt...?:

“Hãy bình tĩnh, thành tâm, tránh kẻ buôn thần, bán thánh trục lợi…”

06:50 | 24/07/2015

2,426 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, người dân Hà Nội tập trung sự chú ý vào sự kiện phát hiện ra gần 200 bộ hài cốt nằm trong khu dân cư, thuộc khu vực đường Tây Sơn (gần ngõ 167 Tây Sơn), quận Đống Đa - Hà Nội.  Chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học UIA với mong muốn có thể giải mã những vấn đề tâm linh liên quan đến sự kiện này, từ đó đưa ra cách ứng xử phù hợp.

Cần mời chuyên gia khảo cổ tìm nguồn gốc 200 bộ hài cốt

Cần mời chuyên gia khảo cổ tìm nguồn gốc 200 bộ hài cốt

Chỉ một ngày sau khi phát hiện gần 200 bộ hài cốt, Xí nghiệp thoát nước số 4 đã phối hợp với các cơ quan chức năng di dời số hài cốt này về nghĩa trang Yên Kỳ (Ba Vì, Hà Nội).

PV: Thưa tiến sĩ, xin ông cho biết tại sao có quá nhiều hài cốt giữa khu dân cư như vậy?

TS Vũ Thế Khanh: Tôi không ngạc nhiên về số lượng hài cốt tìm thấy tại khu vực đường Tây Sơn như báo chí đưa tin những ngày qua. Năm 1998, một người bạn của tôi là kỹ sư Vũ Năng Thụy, người chỉ đạo thi công công trình nước sạch Phần Lan tại khu vực này đã cho biết rằng: khi đào đoạn hào đặt đường ống nước thì phát hiện chỉ trong đoạn ngắn từ Đại học Công đoàn đến Đại học Thủy lợi đã tìm được 500 tiểu đựng hài cốt. Ông Thụy còn cho biết, vào năm 2004, khi đào một hố rộng chỉ khoảng 2,5m2 mà đã có 32 tiểu sành, được đặt chồng lên nhau thành 5 tầng theo trục thẳng đứng. Theo ông Thụy, các tiểu sành được đậy bằng gạch thất và nhỏ hơn một chút so với tiểu bây giờ, bên trong không còn nhiều xương cốt, mà chủ yếu là xương lẫn với đất. Các tiểu không cùng loại, không cùng kích cỡ. Như vậy, chứng tỏ, khu vực vừa phát hiện nằm trong vùng có mật độ hài cốt rất nhiều.

“Hãy bình tĩnh, thành tâm, tránh kẻ buôn thần, bán thánh trục lợi…”
TS Vũ Thế Khanh

PV: Ông có thể cho biết, bằng cách nào để có thể nhận biết được niên đại của những bộ hài cốt này và độ nông sâu của các bộ hài cốt có thể cho biết niên đại của nó không?

TS Vũ Thế Khanh: Độ nông sâu của các tiểu chứa hài cốt chưa thể cho biết niên đại của tiểu sành hay hài cốt, cũng như chưa thể cho biết thời điểm quy tập hài cốt. Nếu ta xác định được “tuổi” (niên đại) của tiểu sành, thì gần như xác định được thời điểm quy tập hài cốt, với sự chênh nhau không đáng kể.

Niên đại của các bộ hài cốt bao giờ cũng có trước niên đại của tiểu sành. Hiện nay, với các máy móc, thiết bị hiện đại của cơ quan Viện hình sự, hoàn toàn có thể xác định được niên đại của các tiểu sành và các bộ hài cốt.

PV: Khu vực vừa phát hiện hàng trăm bộ hài cốt ấy, trước đây có phải đã từng là một nghĩa trang không? Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

TS Vũ Thế Khanh: Theo tôi được biết, quanh gò Đống Đa, Đại học Công đoàn, Đại học Thủy lợi, khu Nam Đồng, Trung Tự, Kim Liên… thời xa xưa chính là vùng ngoại thành, gần như là ruộng, bãi tha ma của người dân bản địa. Vậy nên, có thể, khu vực này trước đây là nghĩa trang, giả thuyết này rất có cơ sở.

Cũng cần lưu ý, đối với người Việt Nam, nếu hài cốt do thân nhân, gia quyến chôn cất thì không có tình trạng bị xếp chồng lên nhau. Việc hài cốt đặt trong tiểu được xếp chồng lên nhau thì chỉ có thể xảy ra khi có một trong những nguyên nhân sau đây:

- Một là: Số lượng hài cốt quá nhiều, lên đến hàng nghìn bộ và bắt buộc phải cải táng trong một khoảng thời gian ngắn thì những người chịu trách nhiệm tiến hành cải táng không thể đào cả vùng đất mênh mông để có thể tiến hành đặt từng tiểu xuống được, hoặc cũng không có đủ điều kiện về diện tích đất nên buộc lòng xếp chồng lên nhau. Giả thuyết này rất sát với trường hợp phát hiện hài cốt trước cổng Đại học Công đoàn do các tiểu đựng hài cốt này đều không để lại thông tin về người quá cố. Điều này ít xảy ra đối với nghĩa trang chôn cất hài cốt của dân bản xứ mà chỉ có thể là quy tập từ nơi khác đến.

- Hai là: Đây chính là nơi chôn cất hài cốt lính tham gia chiến tranh (có thể bao gồm cả lính của nghĩa quân Tây Sơn, cùng với quân Nhà Thanh), bởi chỉ có chiến tranh mới có thể để lại hậu quả vô cùng khủng khiếp về sự thiệt hại sinh mạng con người như vậy. Hay nói cách khác, trong thời chiến tranh, có rất nhiều xác chết (mà thường là xác chết vô thừa nhận), được tập kết từ nhiều nơi, thành nhiều đợt nên buộc lòng phải xếp các tiểu chứa hài cốt chồng lên nhau như vậy.

“Hãy bình tĩnh, thành tâm, tránh kẻ buôn thần, bán thánh trục lợi…”
Hiện trường nơi phát hiện ra hài cốt trong quá trình đào

Riêng việc xác định niên đại của các tiểu thì không khó. Nếu căn cứ vào đặc điểm của các tiểu sành thì sẽ biết được thời điểm lịch sử đã quy tập. Tuy nhiên, cần xác định rõ rằng “tuổi” của hài cốt không nhất thiết phải trùng với “tuổi” của tiểu, vì thường thường “niên đại” của các hài cốt phải lâu hơn “niên đại của tiểu sành”. Nếu cơ quan chức năng thấy cần thiết làm rõ về thời điểm lịch sử của các hài cốt này thì không phải vấn đề quá khó đối với khoa học hình sự.

PV: Thưa ông, quanh khu vực này, người dân còn phát hiện nhiều tiểu chứa hài cốt, nhưng do e ngại về vấn đề tâm linh, nên những chiếc tiểu đựng hài cốt vẫn chưa được nhấc lên để đưa đi an táng. Theo ông, cần ứng xử tình huống này như thế này?

TS Vũ Thế Khanh: Theo quan điểm của tôi, nếu ta không biết thì thôi, nhưng khi đã biết rồi, thì với truyền thống tín ngưỡng của người dân Việt Nam, nên tiến hành cất bốc và đưa những tiểu chứa hài cốt này đến những nơi phù hợp hơn.

PV: Tại sao trong lần này, Liên hiệp Khoa học UIA và các nhà ngoại cảm không cùng tham gia để tìm câu trả lời?

TS Vũ Thế Khanh: Liên hiệp Khoa học UIA là đơn vị nghiên cứu, nên chúng tôi chỉ triển khai khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Liên hiệp UIA khẳng định, nếu có văn bản chính thức của các cơ quan chức năng đề nghị cùng hợp tác, chúng tôi sẽ cử những cán bộ khoa học nhiều kinh nghiệm để cùng với các nhà ngoại cảm chân chính phối hợp giải mã tìm hiểu các vấn đề có liên quan.

PV: Hiện có không ít hộ dân trong lúc xây nhà, phát hiện có hài cốt và họ đã không dám cất bốc, mà chỉ đổ bê tông theo kiểu móng bè rồi tiếp tục xây nhà lên trên. Là chuyên gia ngành kiến trúc, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

TS Vũ Thế Khanh: Đối với kỹ thuật về nền móng công trình, nếu nền đất nguyên thổ, đồng chất thì dù bị lún đều, công trình vẫn được đảm bảo an toàn. Nhưng trong trường hợp có quá nhiều tiểu chứa hài cốt nằm trong lòng đất thì nền đất dưới móng sẽ không còn nguyên thổ nữa (không còn đồng đều, chỗ mềm, chỗ cứng), nền móng sẽ lún không đều và đó chính là kẻ thù của công trình. Như vậy, nếu không thể di chuyển hết các tiểu sành chứa hài cốt và không thể bốc hót xử lý đất nền dưới móng công trình thì tốt nhất không nên xây dựng công trình nhiều tầng để tránh sự cố do lún không đều gây ra.

PV: “Sống chung, ngồi trên” những bộ hài cốt đã thực sự khiến hầu hết dân cư, sinh viên, cán bộ, công nhân viên khu vực Tây Sơn và các khu vực lân cận hoang mang. Xin ông cho một lời tư vấn cụ thể?

TS Vũ Thế Khanh: Tôi cảm thông với tâm lý này của người dân đang cư ngụ tại địa bàn nói trên.

Về sinh học, tuy các hài cốt đã phân hủy phần thịt nhưng quá trình phân hủy này vẫn tiếp tục diễn ra ở phần xương cốt. Vì thế, thán khí từ quá trình phân hủy này vẫn phát tán trong không khí, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của dân cư trong vùng.

Về tâm lý, do tinh thần lúc nào cũng căng thẳng, lo lắng “lỡ phạm đến người đã khuất” (như xây bồn cầu, thải chất ô uế, hoặc không tiến hành các nghi thức cúng tâm linh… ) nên có thể sẽ khiến người đang sống tại đó luôn trong tình trạng mệt mỏi, rồi tự ám ảnh mình bị “vong phạt”. Nếu những tâm lý bất ổn ấy luôn thường trực, thì ngay cả ngôi nhà mình đang ở đã không còn là tổ ấm an lành nữa, dễ khiến các thành viên trong nhà cáu bẳn, sân si, rồi tự nghĩ mình bị “vong phá”. Tình trạng tâm không an lành như thế khiến tinh thần hoang mang và cơ thể suy kiệt.

Về mặt tâm linh, trong rất nhiều tài liệu đã ghi nhận rằng, sau khi qua đời, nhiều linh hồn đã tái sinh nên không còn chấp nhất việc hài cốt mình bị đè lên, nhưng cũng có linh hồn chưa siêu thoát nên vẫn lẩn khuất quanh đó, sẽ phát đi thông điệp sân hận. Vậy nhân đây, với kinh nghiệm của mình, tôi xin có vài lời chia sẻ với những hộ dân đang sống trong vùng này:

Thứ nhất, đối với các tiểu đựng hài cốt đã được đưa lên khỏi lòng đất, cần làm nắp đậy lại một cách chu đáo, trân trọng tiễn đưa hài cốt theo phong tục tập quán và theo các quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, đương nhiên đã bao gồm các lễ nghi cần thiết, phù hợp với văn hóa tín ngưỡng và truyền thống đạo nghĩa, bao dung của người Việt Nam.

Thứ hai: Nếu có điều kiện thuận lợi, nên chăng hãy tiến hành các khóa lễ cầu siêu cho tất cả các vong linh tại khu vực, vừa để yên lòng người đang sống, vừa thỏa mãn tâm linh người đã khuất. Nói cụ thể, khi chuẩn bị đến tháng 7 âm lịch (tháng Vu Lan hồi hướng công đức cho người chết theo văn hóa tín ngưỡng người Việt) cũng như vào dịp kỷ niệm - tri ân nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, người dân khu vực này có thể kết hợp vừa cầu siêu cho các hài cốt đã từng lưu tại đây, hoặc vẫn còn đang nằm yên dưới lòng đất này. Đây là việc làm nhân nghĩa mà bao đời nay dân tộc ta luôn thực hiện trong các nghi thức mai táng, cải táng đối với người thân, người ngộ nạn không quen biết, các thai nhi kém phận mỏng duyên…

Tóm lại, đối với người dân sống tại khu vực này, quan trọng nhất là cần hiểu rõ rằng, tâm có an thì thân mới lành, mọi việc sẽ hanh thông, tốt đẹp. Từng việc diễn ra trong vòng đời của kiếp người, không vô duyên, vô cớ gì mà những người đã khuất làm hại người còn sống nếu người còn sống luôn làm các điều lương thiện và không làm các điều xấu đối với hài cốt của họ, nên chẳng có gì phải quá sợ hãi.

Tất cả sự kiện trong vũ trụ luôn diễn ra theo quy luật của lý Nhân Duyên. Nếu khi nào bạn phát hiện những hài cốt tương tự tại khu vực mình sống thì hãy bình tĩnh, thành tâm tiến hành nghi thức tâm linh theo đúng đạo lý người Việt Nam, tránh để kẻ buôn thần, bán thánh trục lợi thông qua các hình thức cúng cấp lùm xùm, đồng bóng, gọi hồn… mà tiêu tốn tiền của, bấn loạn tâm thần, lệch lạc văn hóa, xáo trộn cuộc sống bình an của chính mình và người xung quanh.

PV: Cảm ơn tiến sĩ!

Thế Anh

Năng lượng Mới 441

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc