Hát Xoan: Từ đình làng ra thế giới

16:34 | 30/01/2012

1,256 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 24/11/2011, kho tàng “Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” của nhân loại có thêm một thành viên mới, đó là nghệ thuật hát Xoan (Phú Thọ, Việt Nam). Đằng sau vinh dự này là cả một gánh nặng cần lưu giữ, truyền dạy để nghệ thuật Xoan xứng đáng với niềm kỳ vọng của UNESCO.

Hát Xoan của Việt Nam vẫn giữ được nguồn gốc bản địa, vẻ hồn nhiên, chưa có sự can thiệp của lối sống và không gian đương đại. Thần tích của miếu Lãi Lèn ghi khi vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày chuyển dạ nhưng khó lòng sinh nở, nên mời nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, đàn giỏi để về múa hát cho bà đỡ đau mà sinh nở dễ dàng hơn. Sau khi hạ sanh được ba người con trai khôi ngô đẹp đẽ, vua Hùng rất vui mừng và cho người đi theo nàng Quế Hoa học những lời hay tiếng hát của nàng. Điệu hát này thường được tổ chức vào mùa xuân nên gọi là hát Xuân. Sau này, vợ vua Hùng có tên là Nguyễn Thị Xuân, quê ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nên khi gọi làn điệu này, dân gọi chệch đi là Xoan.

Từ đấy, hát Xoan Phú Thọ được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua sự truyền dạy, gần như không có tài liệu bằng văn bản. Một đêm hát Xoan có ba chặng: Hát múa mời vua về dự hội đình với dân làng; Hát Quả cách, gồm những bài chúc vua, những bài hát kể về lịch tiết, lịch sử và nghề nghiệp của cư dân lúa nước; Hát trao duyên nam nữ giữa đào Xoan và trai làng.

Những kép con của các phường Xoan xã Kim Đức biểu diễn ở đình làng Hùng Lô (Việt Trì).

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương – đơn vị điều tra nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về hát Xoan phục vụ “Đề án về hát Xoan” trình UNESCO phê duyệt, cho biết: Hát Xoan là một nghệ thuật diễn xướng tổng hợp: ca, nhạc, vũ. Hát Xoan nguyên gốc mang tính lễ nghi phong tục. Hiện nay ở Phú Thọ có 4 phường Xoan, gồm: phường An Thái, phường Phù Đức, phường Kim Đới và phường Thét. Người đứng đầu phường Xoan là ông Trùm phường. Ông Trùm có tiếng nói uy nhất phường Xoan, là người tổ chức các đêm diễn và cũng là người truyền dạy cho những kép con, những cô đào trẻ. Trên toàn tỉnh Phú Thọ hiện chỉ còn 69 nghệ nhân hát Xoan, trong đó chỉ có 8 nghệ nhân còn khả năng truyền dạy.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, hát Xoan đang gặp những khó khăn về tư liệu bởi những nghệ nhân là những báu vật sống không còn nhiều. Nghệ thuật hát Xoan có đặc thù là phải truyền dạy trực tiếp mới có giá trị cao. Hát Xoan phải có không gian, môi trường, có cộng đồng thì mới thể hiện hết cốt cách của nhịp Xoan.

Câu chuyện về tình Xoan của người Phú Thọ đến nay vẫn còn nhiều giai thoại, ẩn tích trong dân gian. Ông Nguyễn Văn Đọc, 81 tuổi – Trùm phường Xoan Thét, từng là kỹ sư địa chất, năm 1990, ông về hưu và thấy phong trào hát Xoan ở quê hương có phần mai một, vì vậy ông đã đứng lên tập hợp những ông bà, trai gái biết hát Xoan thành một nhóm nhỏ. Cứ vào ngày mùng 3 tháng Giêng có tiệc làng thì nhóm hát Xoan của ông Đọc lại đem lời ca tiếng hát của mình ra phục vụ dân làng. Sau này, uy tín của ông trong làng được nâng cao, dân làng đề cử ông làm trùm phường Xoan Thét để truyền dạy cho thế hệ sau.

Bà Nguyễn Thị Nhạn, vợ ông Đọc đã 81 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Bà ngồi cạnh chồng vừa kể vừa rạng rỡ nụ cười về chuyện tình của ông bà nên duyên, nên phận cũng là nhờ có hát Xoan. Trong hát Xoan có phần hát giao duyên trai gái, mỗi đêm diễn cùng nhau, cất lời hát trao duyên cũng chính là những năm tháng đáng nhớ trong cuộc đời chồng, vợ của họ. Tình yêu và tình Xoan đã cùng họ đi suốt cuộc đời.

Câu chuyện tình từ hát Xoan cũng được ông Nguyễn Văn Vị – Trùm phường Xoan Kim Đái kể lại như mới hôm qua. Ông Vị đi du kích từ năm 15 tuổi. Bà Vũ Thị Thơ cũng đi cùng đợt với ông Vị. Mỗi đêm trăng sáng, khi những đội du kích tập hợp để họp và vui văn nghệ thì tiếng hát của ông Vị và bà Thơ lại được song ca trong những điệu Xoan mượt mà, sâu lắng tình quê hương. Xoan đã làm họ gần nhau hơn và kết tóc se duyên từ ngày ấy. Đến nay, tuổi già đã ngấp nghé 80 nhưng mỗi chiều tà, ông Vị và bà Thơ lại quây quần bên manh chiếu cùng dạy Xoan cho các cháu nội ngoại. Cháu Nguyễn Hữu Vân, lớp 5 trường Tiểu học Kim Đức đã thể hiện tài năng hát Xoan cách đây 1 năm khi cháu hát rất thành công bài “Nhàn ngâm cách” – một trong những bài khó của nghệ thuật Xoan.

Ông Nguyễn Văn Vị - Trùm phường Xoan Kim Đái dạy hát cho cháu nội Nguyễn Hữu Vân (11 tuổi).

Bà Nguyễn Thị Tâm – Chủ tịch xã Kim Đức ôn lại kỷ niệm cách đây hơn chục năm, bà từng đứng lên thành lập một câu lạc bộ Xoan. Ngày 12/8/1998, câu lạc bộ ra đời mà 2 ông, bà trùm ngày ấy chính là Chủ tịch Nguyễn Thị Tâm và Bí thư Nguyễn Hữu Ích. Nhớ lại, bà Tâm cho biết: “Chúng tôi tập hợp được hơn 50 người và tham gia biểu diễn ở một số hoạt động của tỉnh. Nhưng rồi đến năm 2004, câu lạc bộ phải giải thể để thành lập 4 phường Xoan mới như ngày nay”.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch ở làng Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì trầm ngâm: Những năm đất nước còn kháng chiến, hát Xoan được người dân rất ưa chuộng, một phần vì ngày đó đình làng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, những loại hình nghệ thuật khác chưa phát triển, “món ăn tinh thần” của người Phú Thọ chủ yếu là hát Xoan. Nhưng đến ngày nay, kinh tế thị trường làm mai một phần nào nghệ thuật này và hướng khắc phục nghệ thuật Xoan gặp vô vàn khó khăn. Hiện nay, ở Phú Thọ cũng đang tồn lại nhiều loại hình dân ca như hát Ghẹo ở xã Tam Cường (Tam Nông) là hát giao duyên, trữ tình, có không gian rộng hơn, không bị ràng buộc như hát Xoan. Ngoài ra còn một số làn điệu dân ca như hát Ru, hát Ống (của người Mường), hát Cò lả, hát Xình ca, Vèo ca… cũng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tỉnh Phú Thọ đang có kế hoạch duy trì thường xuyên các câu lạc bộ hát Xoan, đưa loại hình nghệ thuật này vào dạy ở các trường học. Tỉnh cũng đã hai lần tổ chức thành công “Tiếng hát Xoan toàn tỉnh”, năm 2012 là lần thứ ba.

Vào ngày 7 – 10/1 (Âm lịch) tại xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội Xoan. Lễ hội suy tôn bà Xuân Nương, một nữ tướng của Hai Bà Trưng và ca ngợi công lao của các vua Hùng. Lễ hội có cuộc thi hát Xoan – một văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Tổ.

Đức Chính

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...