Vladimir Putin

Hành trình từ sĩ quan KGB đến “ông chủ” Điện Kremlin

07:00 | 01/04/2018

4,383 lượt xem
|
Giữa bão táp của khủng hoảng quan hệ ngoại giao Nga - phương Tây, báo chí vẫn gọi Vladimir Putin là “vị Tổng thống hành động”. Nhân sự kiện ông tái đắc cử Tổng thống Nga lần thứ 4, cùng nhìn lại hành trình hàng chục năm đã qua của người đàn ông kiệt xuất này.

Bản lĩnh của Trung tá V.Putin

Một câu chuyện kể về Trung tá Vladimir Putin xảy ra ở Dresden, Đông Đức năm 1989, khi còn là một sĩ quan KGB.

hanh trinh tu si quan kgb den ong chu dien kremlin
Đại úy An ninh Putin trước khi sang Đức làm việc

Năm đó, thế giới được chứng kiến những thay đổi chấn động. “Bức tường Berlin” - biểu tượng của Chiến tranh Lạnh đã sụp đổ vào tháng 11, phong trào xuống đường biểu tình đòi dân chủ lan khắp hang cùng ngõ hẻm ở Đông Đức. Người biểu tình bao vây khắp các cơ quan công quyền.

Đêm ngày 5-12-1989, khoảng 5.000 người biểu tình phẫn nộ la hét, đập phá, trèo tường đột nhập và kiểm soát trụ sở Bộ An ninh Quốc gia Cộng hòa Dân chủ Đức (Stasi) tại Dresden mà không gặp bất cứ sự phản kháng nào. Địa điểm này ở rất gần Cơ quan Thường trú của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB). Tại đây, vào thời điểm đó có mặt vị Trung tá V.Putin.

Sau khi chiếm trụ sở Stasi một cách dễ dàng, một nhóm người biểu tình lao sang đòi chiếm cả tòa nhà của KGB. Dù đêm đã khuya nhưng tòa nhà của KGB vẫn sáng đèn. Khi nhóm biểu tình tiến đến, họ nhìn thấy các nhân viên bảo vệ vội vàng chạy vào trong.

Ông Putin kể lại, thấy đám đông tiến đến gần, ông đã gọi điện cho Tư lệnh quân đội Liên Xô tại địa phương để yêu cầu cứu viện. Song câu trả lời là không thể điều động quân tới vì không có mệnh lệnh từ Moscow.

Đứng trước tình thế vô cùng nguy cấp, ông đã đưa ra quyết định cuối cùng. Trong bộ quân phục, nhưng không mang theo súng, Trung tá Putin bước ra cửa, nơi đám đông tụ tập, ông nói dõng dạc bằng tiếng Đức: “Ngôi nhà này được bảo vệ nghiêm ngặt. Các binh sĩ của tôi đều được trang bị vũ khí. Tôi đã lệnh cho họ, nếu bất cứ ai bước vào tòa nhà, họ sẽ nổ súng”. Sau đó ông quay trở vào tòa nhà. Đám đông biểu tình hết sức ngạc nhiên trước lời cảnh cáo, họ thoáng chút ngần ngừ và sau đó bỏ đi. Cuộc đối đầu diễn ra chỉ khoảng 5 phút. Tuy nhiên, nếu không dẹp được đám đông đó, những người biểu tình khác sẽ kéo đến, tình hình sẽ khó đoán hơn rất nhiều.

Được biết, ông Putin làm điệp viên ngầm tại Dresden (Đức) từ năm 1985-1990 với hàm trung tá. Khi Liên Xô sụp đổ, ông từ chức. Những năm cuối của thập niên 90, thế kỷ XX, Putin có thời gian ngắn trở thành người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) - cơ quan kế nhiệm của KGB.

“Tổng thống của tôi”

Trong bộ phim tài liệu của đạo diễn người Mỹ Oliver Stone, ngoài các vấn đề chính trị, quốc tế, Tổng thống Putin đã hé lộ những mảng đời tư của mình, vốn được rất nhiều người hiếu kỳ, song không phải ai cũng biết.

Không chỉ gây ấn tượng với tài năng âm nhạc và ngoại ngữ đặc biệt, Tổng thống Putin còn được công chúng biết đến với các khả năng tập luyện judo, khúc côn cầu trên băng, bơi lội, đua ngựa, lái xe địa hình, lái phi cơ…

Theo đó, ngay từ thuở thiếu thời, cậu thanh niên Vladimir Vladimirovich Putin luôn mong muốn đứng trong hàng ngũ KGB: “Tôi theo học trường luật bởi tôi muốn làm việc cho KGB. Khi vẫn còn là sinh viên trong trường, tôi đã tự mình tới trụ sở của KGB ở Leningrad (giờ là St.Petersburg). Và tôi hỏi họ xem mình phải làm thế nào mới được vào làm việc cho KGB. Các nhân viên đã nói tôi rằng, tôi phải học lên cao nữa và học thêm về luật”. Thời gian sau đó, Putin không hề có bất kỳ liên lạc nào với KGB, song ông khá bất ngờ khi KGB tìm ra và đề nghị ông vào làm ngay sau khi ông tốt nghiệp trường luật.

Cũng trong những chia sẻ với đạo diễn Stone, ông Putin tiết lộ rằng, ông đã xem rất nhiều phim về cơ quan mật vụ và công tác tình báo của họ và đặc biệt tâm đắc với bộ phim điệp viên thời Liên Xô có tên “Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân” (Семнадцать мгновений весны), trong đó nhân vật chính do diễn viên nổi tiếng Vyacheslav Tikhonov thủ vai là một điệp viên Liên Xô hoạt động trong hàng ngũ Đức Quốc xã. Đương kim Tổng thống Nga thừa nhận bản thân ông đã lãng mạn hóa về chuyện được trở thành điệp viên KGB.

Putin rất ít khi chia sẻ về gia đình, nhưng thẳm sâu trong ông là tình yêu và lòng kính trọng dành cho người cha quá cố của ông - một cựu binh chiến tranh: “Khi chiến tranh nổ ra, cha tôi đang phục vụ trong một đơn vị đặc biệt. Có những nhóm tình báo nhỏ được điều tới khu vực mà đối phương đang canh giữ để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Có 20 người được phái đi và chỉ 4 người sống sót”, ông Putin nói. 1 năm sau, Tổng thống Putin mới biết rằng cha mình đã được cử tới một trong những khu vực nguy hiểm nhất của mặt trận Leningrad. Cha ông mất năm 1999, chỉ vài tháng trước khi ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng Nga và sau đó là Tổng thống.

hanh trinh tu si quan kgb den ong chu dien kremlin
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Điện Kremlin

“Kể cả trước khi tôi trở thành Thủ tướng, mỗi khi tôi nhìn thấy ông, khi tôi tới gặp ông, lúc nào cha tôi cũng nói với các y tá rằng: “Nhìn kìa, Tổng thống của tôi đang đến đấy!”…”, V.Putin xúc động kể về những tháng ngày cuối đời của cha mình.

Những khả năng đặc biệt của Putin

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình quốc gia Rossiya ngày 10-7-2017, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã tiết lộ về khả năng sử dụng ngoại ngữ của Tổng thống Putin, đặc biệt là tiếng Anh, trong các sự kiện có sự tham gia của các lãnh đạo nước ngoài như hội nghị thượng đỉnh G20 vừa diễn ra ở Đức.

“Trong các cuộc trò chuyện không chính thức, bên lề các hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Putin thường tự nói bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán hoặc khi tổng thổng tham dự một cuộc họp chính thức, ông Putin sẽ giao tiếp thông qua một phiên dịch viên”, ông Peskov cho biết.

“Tuy nhiên, trên thực tế tổng thống có thể hiểu mọi thứ bằng tiếng Anh và đôi khi ông ấy còn chỉnh sửa câu chữ giúp phiên dịch viên. Một phiên dịch viên sẽ thường xuyên gặp phải những tình huống khó. Tôi đã từng làm phiên dịch viên cấp cao nên tôi biết rõ công việc đó căng thẳng như thế nào”, người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm.

Ngay trong bộ phim tài liệu mới được công chiếu gần đây của đạo diễn người Mỹ Oliver Stone, trong đó ghi lại các cuộc phỏng vấn giữa ông Stone và Tổng thống Putin, người xem cũng có cơ hội được nghe nhà lãnh đạo Nga nói tiếng Anh. Trong bộ phim này, Tổng thống Nga thường xuyên trao đổi qua lại với đạo diễn Stone bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nga.

Ngoài tiếng Anh, Tổng thống Putin còn sử dụng thành thạo tiếng Đức ngay từ thời còn là điệp viên KGB. Đến giờ, Tổng thống Putin thường xuyên sử dụng tiếng Đức trong các chuyến công du tới những quốc gia nói tiếng Đức. Ông thậm chí còn sử dụng ngôn ngữ này trong các cuộc gặp chính thức với lãnh đạo nước ngoài. Trong chuyến công du đầu tiên tới Berlin, Đức vào năm 2001 trên cương vị tổng thống, ông Putin đã có bài phát biểu bằng tiếng Đức trước các nghị sĩ của nước này.

Bên cạnh khả năng ngoại ngữ đặc biệt, V.Putin có một tình yêu với đàn dương cầm. Trong khuôn khổ chuyến công tác tại thành phố Saint Petersburg tháng 6-2016, ông chủ Điện Kremlin đã thể hiện tài lẻ này như một nhạc công thực thụ. Khi tham quan khu bảo tàng lâu đời của Lenfilm Studio, ông Putin dừng lại trước cây đàn dương cầm ở một góc phòng và hỏi vị Tổng giám đốc E.Pichugin: “Có còn dùng được không?”, đạo diễn F. Bondarchuk liền nhanh trí trả lời thay: “Thưa ngài Tổng thống, thực tình chúng tôi cũng chẳng rõ nữa... Cây đàn này có niên đại từ thế kỷ XVIII, là một trong những đạo cụ góp phần cấu thành nhạc nền cho những bộ phim đầu tiên của điện ảnh Xôviết. Đã lâu rồi hiện vật cổ xưa này không được ai động đến…”.

hanh trinh tu si quan kgb den ong chu dien kremlin
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ngày 17-3-2015

Ông Putin tiến đến gần cây đàn dương cầm trên những đoạn sàn nhà khấp khểnh đã lâu năm của bảo tàng, Tổng thống Nga dùng cả 10 ngón tay lướt nhanh trên các phím đàn, ông thản nhiên chơi một đoạn nhạc trong bản giao hưởng “Những ô cửa sổ ở Moscow”. Cả căn phòng chìm vào tiếng nhạc… Từ đó, truyền thông Nga có dịp “nức lòng” về tài năng âm nhạc của đương kim Tổng thống.

Đầu năm 2014, khi đến thăm Trường Đại học Nghiên cứu hạt nhân Quốc gia (MEPhI), tiền thân là Viện Vật lý kỹ thuật Moscow (MEPI), Tổng thống V. Putin cũng trình diễn bằng đàn piano điện tử (organ) một phần ca khúc nổi tiếng “Chiều ngoại ô Moscow”, do nhạc sĩ Vasily Pavlovich Solovyov-Sedoi (1907-1979) soạn nhạc và thi sĩ Mikhail Lvovich Matusovsky (1915-1990) viết lời.

Tháng 12-2010, trong khuôn khổ chương trình hòa nhạc quốc tế vì mục đích từ thiện, được tổ chức tại Saint Petersburg với sự hiện diện của giới siêu sao hàng đầu trong ngành công nghiệp giải trí thế giới, ông V. Putin khi ấy là Thủ tướng Nga đã “góp mặt” bằng phần trình diễn cá nhân của mình, bao gồm chơi đàn dương cầm bản nhạc “Tổ quốc bắt đầu từ đâu” do Nghệ sĩ nhân dân Nga Veniamin Efimovich Basner (1925-1996) phổ nhạc, dựa theo lời bài thơ cùng tên của thi sĩ M. Matusovsky.

Tiếp đến Thủ tướng V. Putin đơn ca bài hát nổi tiếng “Đồi việt quất” của nhạc sĩ người Mỹ gốc Italia Vincent Rose (1880-1944), được cử tọa có mặt vỗ tay cổ vũ cuồng nhiệt sau khi ca sĩ nghiệp dư V. Putin kết thúc bản ca khúc nhạc pop huyền thoại.

Không chỉ gây ấn tượng với tài năng âm nhạc và ngoại ngữ đặc biệt, Tổng thống Putin còn được công chúng biết đến với các khả năng tập luyện judo, khúc côn cầu trên băng, bơi lội, đua ngựa, lái xe địa hình, lái phi cơ… Dù ở góc độ nào, ông cũng thể hiện hết khả năng của bản thân và thuyết phục người đối diện.

Ít ai biết rằng, ở tuổi 60, Putin vẫn miệt mài học trượt băng. “Tôi tưởng mình sẽ không bao giờ học trượt băng. Thế rồi khi bắt đầu trượt, suy nghĩ đầu tiên của tôi là: Làm thế nào để ngừng lại bây giờ nhỉ, làm thế nào mình ngừng được?”. Năm 2015 - vị Tổng thống Nga đã ghi được 7 bàn thắng ở bộ môn khúc côn cầu trên băng và mừng sinh nhật lần thứ 63 của mình trên sân băng. Đối với ông, đó là điều tuyệt vời: “Rất thú vị. Học một thứ mới mẻ lúc nào cũng thú vị”… Vị Tổng thống Nga chia sẻ thêm với đạo diễn người Mỹ rằng, không biết tới khi 70 tuổi, ông còn có thêm sở thích nào nữa không.

Vladimir Putin sinh ngày 7-10-1952 tại Leningrad (hiện là thành phố St. Petersburg). Cha ông từng là thủy thủ tàu ngầm trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông tốt nghiệp đại học năm 1975 ở quê nhà và sớm trở thành điệp viện, phục vụ KGB ngay từ năm đó.

Sau khi Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) bị giải thể vì Liên Xô sụp đổ, ông Putin có thời gian ngắn làm việc tại Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), cơ quan kế nhiệm của KGB.

Năm 1991, ông Putin bắt đầu con đường chính trị với vai trò: Cố vấn cho Thị trưởng thành phố St. Petersburg: Anatoly Sobchak. 1 năm sau ông đã chứng minh được năng lực vượt trội để trở thành Phó thị trưởng.

Đến tháng 8-1996, ông đạt được bước tiến xa hơn trong sự nghiệp khi được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Quản lý tài sản cho Tổng thống Nga, giám sát các vấn đề liên quan tới luật và tài sản ở nước ngoài. Sau đó, vào năm 1998, ông Putin được Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin giao nhiệm vụ điều hành FSB.

Ông Putin lần đầu tiên nắm quyền Tổng thống Nga vào ngày 31-12-1999, sau khi Tổng thống đầu tiên của Nga, ông Boris Yeltsin bất ngờ tuyên bố thoái vị và trao quyền lại cho Thủ tướng Vladimir Putin, khi đó vẫn là cái tên ít người biết đến. Ba tháng sau, ông đắc cử tổng thống lần đầu tiên.

Ông nắm quyền trong 2 nhiệm kỳ, đến năm 2008 và không thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp do Hiến pháp Nga không cho phép. Cuộc bầu cử năm 2008 chứng kiến ông Dmitry Medvedev đắc cử và bổ nhiệm ông Putin làm Thủ tướng. Ông Putin trở lại Điện Kremlin vào tháng 3-2012 và bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 (nhiệm kỳ Tổng thống Nga lúc này đã được kéo dài thành 6 năm).

Ngày 23-3-2018, RT dẫn lời Ella Pamfilova, đứng đầu Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) cho hay: Ông Vladimir Putin giành 76,69% phiếu bầu, vượt xa 7 ứng viên còn lại, tái đắc cử tổng thống Nga. Kết quả đồng nghĩa ông Putin nhận được sự ủng hộ từ 56,43 triệu cử tri và đây là nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4 của Putin.

“Ông ấy (Putin) ngay lập tức khẳng định mình là một nhà lãnh đạo đất nước, có khả năng hợp nhất đất nước và thiết lập lại trật tự”, Nikolai Mironov - người đứng đầu Trung tâm Cải cách Kinh tế và Chính trị Nga.

“Khi đứng ở cương vị này, Putin sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho đất nước. Người dân Nga sẽ có cơ hội đánh giá những phẩm chất con người cũng như công việc của Putin”, Boris Yeltsin - Tổng thống Nga - nói ngày 9-8-1999. Ông Boris Yeltsin cũng đặt kỳ vọng vào Giám đốc Cơ quan An ninh Nga (FSB) khi đó là Vladimir Putin: “Putin là người biết tập hợp quanh mình những người sẽ đổi mới nước Nga trong thế kỷ XXI”.

“Nga đang đối mặt với nhiều vấn đề trong bối cảnh hiện tại và tình hình quốc tế cũng rất phức tạp. Điều này sẽ dẫn đến phản ứng tự nhiên của mọi người, đó là hành động an toàn và đưa ra quyết định một cách cẩn trọng… Hiện tại ông Putin đang là nhà lãnh đạo nhận được sự ủng hộ của người dân và cần phải tính đến yếu tố này. Tôi cho rằng, đây chính là mục tiêu mà chúng ta hướng đến - đó là xu hướng ủng hộ của mọi người. Tôi thấy ông Putin không xem nhẹ vấn đề này. Ông ấy hiểu rằng, trách nhiệm là rất lớn”, cựu lãnh đạo 87 tuổi của Liên Xô Mikhail Gorbachev chia sẻ với RIA Novosti khi được hỏi về quyết định tái tranh cử của đương kim Tổng thống Vladimir Putin.

Tiến sĩ Jonathan Adelman (Trường Josef Korbel của Đại học Denver, bang Colorado, Mỹ) đánh giá, việc nước Nga giành lại vị thế cường quốc dưới thời Putin có thể được coi là “một trong những phép màu của thế kỷ XXI”.

“Sao phải thay thế Tổng thống Putin chứ? Tôi thấy ông ấy đã đem đến cho nước Nga rất nhiều tiến bộ…” - Marina Konoval, một sinh viên mỹ thuật đến từ Tver cho biết, cô không phải là người ủng hộ lâu năm của Tổng thống Putin. Tuy nhiên cô coi ông là tượng đài không thể suy chuyển của nền chính trị nước Nga. Theo Konovalova, trừ khi có một người khác thực sự xuất chúng, cô không thấy có lí do nào để không tiếp tục bỏ phiếu cho Putin.

Mai Lâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc