Hạnh phúc mong manh

23:16 | 28/10/2013

853 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong tận cùng đau khổ, người phụ nữ ấy vẫn cố gắng vươn mình đứng dậy để kiếm tìm hạnh phúc cho mình. Thế nhưng, hạnh phúc ấy thật mong manh khi cả hai cùng là người khuyết tật, côi cút với đôi bàn tay trắng lập nghiệp.

Năng lượng Mới số 267

Bươn trải kiếm sống từ 9 tuổi

Chúng tôi tìm về xóm Bảo Biên, Bảo Linh, Định Hóa, Thái Nguyên vào một ngày nắng nhẹ, gió hanh hao. Sau những lần dừng xe, hỏi thăm đường, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đến nhà vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu, anh Dương Đình Nhất. Căn nhà rộng chừng 3 gian, trong nhà ngoài một số vật dụng cần thiết: giường, bàn ghế đã ọp ẹp, cũ nát thì không có một đồ vật nào có giá trị cả. Sau chén nước, bằng giọng méo mó, khó nghe, chị Thu cố gắng kể cho chúng tôi nghe.

Chị sinh năm 1983, cho đến nay, quê hương của mình ở đâu chị cũng không biết. Trong ký ức của mình, Thu chỉ nhớ duy nhất cảnh mình ngồi trên bờ chờ bố mẹ mò cua, bắt cá dưới suối. Đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất trong ký ức tuổi thơ mà chị giữ được đến ngày nay. Còn lại là những tháng ngày đầy đau thương, khốn khó. Đã có lúc, chị nghĩ nếu nhắm mắt lại, mình sẽ chết.

Gia đình chị Thu

Thu không nhớ mình bị trúng gió lúc mấy tuổi, chỉ biết rằng, lần ốm đó rất nặng. Suốt một thời gian dài, chị không tự ăn và nói rõ tiếng. Chị bị liệt nửa người, chân tay co quắp, đi đứng khó khăn, thậm chí khi ngủ không thể nhắm mắt lại được. Trận trúng gió ấy đã lấy đi của Thu cả thể chất lẫn tinh thần. Để cứu chữa cho con, bố mẹ Thu đã phải bán cả gia tài đi, nhưng bệnh tình của cô không hề thuyên giảm, cuộc sống gia đình Thu rơi vào “địa ngục”. Những trận cãi vã, đánh nhau giữa bố mẹ xảy ra thường xuyên, kết cục người cha chị yêu thương nhẫn tâm đuổi mẹ con cô ra khỏi nhà. Khi ấy Thu mới 8 tuổi.

Mang đứa con gái về nhà ngoại, chỉ một thời gian ngắn sau, mẹ Thu đem lòng yêu thương một người đàn ông khác. Cứ ngỡ mình sẽ có một gia đình hạnh phúc sau chuyến đi chơi cùng mẹ và dượng tại chùa Hương. Và sau vài ngày đưa con đi chơi thì mẹ và dượng biến mất sau lời dặn dò: “Con cứ ở đây ngoan nhé. Ba hôm nữa mẹ sẽ quay lại đón”. Sau gần một tuần chờ đợi ở nhà trọ, cuối cùng Thu phải đi theo cặp vợ chồng ăn mày cùng trọ, theo lời phân tích của chủ nhà trọ với hy vọng có thể kiếm miếng cơm từ những tấm lòng từ bi.

Đi theo cặp vợ chồng ăn mày được vài hôm, Thu mới biết bộ mặt thật của họ. Hôm nào không xin được nhiều tiền, gạo, Thu bị đánh thâm tím mặt mũi. Những trận đòn roi vụt lên người Thu từ tay họ không chút xót thương. Thu chỉ biết khóc gọi mẹ. Bị đánh đập dã man, khi cảm thấy mình tự đi một mình được (khi đó Thu 9 tuổi), Thu quyết định trốn chạy. Thu chỉ biết lết mình thật nhanh, lẩn khuất trong những con ngõ quanh co, dù mệt nhưng cũng không cho phép mình nghỉ ngơi. Ám ảnh về những trận đòn roi thừa sống thiếu chết tạo thành sức mạnh giúp Thu trốn chạy.

Kể đến đây, Thu tâm sự: “Sau khi trốn khỏi đôi vợ chồng ăn mày nọ, tôi sống lay lắt, bữa đói, bữa no. Lang thang khắp nơi xin ăn. Mùa đông thì chui vào bao tải để ngủ cho ấm. Những hôm mưa gió, chỉ biết ôm bụng nhịn đói kiếm những mái lều bỏ hoang, những quán vắng ở chợ để chui vào tránh mưa. Ốm đau chỉ biết nằm một chỗ đợi tự khỏi vì không có tiền mua thuốc…”.

Gần 2 năm tự bươn trải, Thu tìm được cho mình một mái ấm trong một lần tựa mình trước cánh cổng nhỏ của một gia đình nọ vì quá đói. Thấy cô bé rách rưới, khiếm khuyết, người phụ nữ trong nhà đã cho cô bát cơm, rồi khi biết hoàn cảnh của Thu, bà đã nhận Thu làm con nuôi. Đó là bà Nguyễn Minh Vân (Niệm Nghĩa, Lê Chân, Hải Phòng). “Khi nghe mẹ Vân nói vậy, tôi mừng rớt nước mắt. Tôi cứ ngỡ cuộc đời tôi là chuỗi ngày đau khổ. Tôi không ngờ có ngày mình lại được cưu mang, bao bọc trong sự thương yêu”, Thu tâm sự.

Sống với hy vọng

Từ ngày được sống dưới một mái nhà kiên cố ấm áp, Thu cảm thấy vô cùng mãn nguyện. Những đêm mưa gió, rét mướt đã lùi vào dĩ vãng. 1 năm 6 tháng sau, Thu được mẹ nuôi đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội của Hải Phòng bởi nhà mẹ nuôi quá nghèo. Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội đến năm 15 tuổi, Thu được mẹ nuôi đón về nhà chơi. Đây cũng là ngày đánh dấu cuộc đời Thu bước sang một trang mới. “Đang đi chơi, mẹ con tôi gặp một người đàn ông là người Nhật (hay tài trợ cho những trẻ em côi cút, có hoàn cảnh đáng thương…). Chú ấy chỉ vào tôi và hỏi vì sao lại bị như này. Mẹ tôi liền kể rõ đầu đuôi. Nghe xong người ấy xin phép mẹ nuôi cho chú ấy được nuôi tôi. Nuôi tôi được một tháng, chú xin cho tôi được sinh sống và học tập tại Làng trẻ em Hòa Bình (Hà Nội). Thế là tôi sống từ đó cho đến khi học xong một vài nghề vào năm 2003”.

Căn bếp của vợ chồng chị Thu

Có được nghề trong tay, Thu lao mình vào công việc không biết mệt mỏi. Thế nhưng do sức khỏe yếu, Thu có cố gắng đến mấy cũng chỉ đủ nuôi sống bản thân. 7 năm hòa nhập với cuộc sống bình dị, Thu khát khao có được một mái ấm nhỏ của riêng mình. Năm 2010, qua sự giới thiệu của bạn bè, Thu và anh Dương quen nhau. Nhớ lại ngày ấy, Thu tâm sự: “Vợ chồng tôi nên duyên như ngày hôm nay có lẽ nhờ sự quyết tâm của anh Nhất”. Ngày ấy, khi quyết định đến với nhau, anh chị gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình anh Nhất. Họ cho rằng, anh Nhất dù là người khuyết tật (bị ảnh hưởng thần kinh từ khi sinh ra) nhưng vẫn có thể lấy vợ là người bình thường để lo lắng, đỡ đần việc nhà cửa. Tuy nhiên, cuối cùng gia đình anh cũng phải đồng ý. Đám cưới diễn ra trong sự thiếu thốn nhưng vô cùng ấm áp và hạnh phúc. Cưới xong, hai cặp vợ chồng già - trẻ cùng chung sống dưới một mái nhà tranh vách đất dột nát. Thế nhưng họ vẫn động viên nhau cùng cố gắng.

Ngày chị báo tin mình có thai, anh mừng rơi nước mắt. Nụ cười chưa kịp nở, nỗi lo lắng đã bao trùm. Anh chị sợ con cái sẽ bị giống mình, làm gì để nuôi nấng, dạy dỗ chúng… Bởi cuộc sống trước mắt của anh chị còn vô vàn khó khăn. 4 nhân khẩu chỉ trông chờ vào sào ruộng để cấy trồng. May mắn, người anh trai cho mượn nhà, vợ chồng anh chị quyết định mang nhau xuống núi lập nghiệp. Không theo được nghề may vá, thêu thùa ở núi rừng, anh chị vay mượn được ít vốn mở quán tạp hóa nhỏ. Được một thời gian, quán đóng cửa vì không có vốn, dân ở đây nghèo khó nên thường mua chịu khiến anh chị bị lỗ vốn. Cực chẳng đã, anh chị chuyển sang nghề vót nan. 10.000 nan, anh chị mới được 10 nghìn đồng cộng với số tiền hỗ trợ người tàn tật 180 nghìn đồng/người/tháng, thế nhưng cái nghề này chỉ giúp anh chị sống “lay lắt” qua ngày.

Hướng ánh mắt về phía xa xăm, chị Thu tâm sự: “Giờ tiền đóng học cho con, tôi không biết xoay sở ra sao. Chỉ mong các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình chút vốn liếng để làm ăn bởi chúng tôi không có sức khỏe để đi làm thuê, làm mướn”. Khi chúng tôi muốn chụp ảnh đại gia đình ngoài sân, anh chị đỡ nhau đứng trên mỏm đất trong tư thế ngả nghiêng, sắp ngã… Mặt trời khuất dần sau những dãy núi xa xa, chúng tôi rời căn nhà xiêu vẹo, tạm bợ mà anh chị đang sống với hy vọng ngày mai cuộc sống của anh chị sẽ đổi thay…

Thu Mây

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc