Hàng giả bao vây thị trường - S.O.S!

14:03 | 26/12/2019

556 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Doanh nghiệp (DN) không ngừng than thở về tình trạng hàng giả lộng hành, bao vây thị trường làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, DN và người tiêu dùng để phòng, chống hàng giả hiệu quả hơn. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến tại diễn đàn “Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng” do Cục Sở hữu trí tuệ vừa tổ chức tại TP HCM.
hang gia bao vay thi truong sos

Ông Nguyễn Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Minh Tuấn: Khó quản lý hàng giả trong kinh doanh online

Công ty có hơn chục năm kinh doanh trong lĩnh vực loa âm thanh, độc quyền phân phối sản phẩm nhãn hiệu BMB nổi tiếng của Nhật. Thời gian gần đây, công việc kinh doanh trở nên khó khăn do thương hiệu giả BMB tràn lan trên mạng, giá chỉ bằng một nửa hàng thật. Là công ty phân phối độc quyền sản phẩm BMB tại Việt Nam, nhưng hiện nay chỉ cần gõ từ khóa BMB trên Google sẽ xuất hiện hàng chục website bán loa nhãn hiệu BMB trên cả nước. Từ đầu năm 2019 đến nay, công ty này thiệt hại khoảng 40 tỉ đồng.

Với công nghệ phát triển như hiện nay, hàng giả làm rất tinh vi. Cách bán hàng online là chụp hình ảnh sản phẩm, thông số kỹ thuật... sản phẩm của Công ty Minh Tuấn để đăng lên mạng, giá bán quảng cáo cũng bằng với giá của công ty, nhưng lại giảm tới 50% để thu hút người tiêu dùng, khi giao hàng thì giao hàng giả. Cạnh tranh về giá như vậy nên công ty phân phối sản phẩm chính hãng không thể cạnh tranh được. Còn người tiêu dùng rất khó phân biệt được hàng thật - hàng giả và chỉ đến khi mua về sử dụng một thời gian thì mới vỡ lẽ... bị lừa đảo. Khi đó, khách hàng mang sản phẩm đến công ty để bảo hành, hoặc khiếu nại thì cũng đành... ngậm ngùi mà thôi. Còn phía công ty cũng không biết kiện ai và kiện như thế nào khi sản phẩm mình đang phân phối bị làm giả!

hang gia bao vay thi truong sos

Đây là câu chuyện bức xúc mà không chỉ riêng Công ty Minh Tuấn mà còn của hàng nghìn DN. Kinh doanh online bán hàng giả, sập giá giả, cơ quan chức năng cũng không biết căn cứ vào đâu để xử lý.

hang gia bao vay thi truong sos

Bà Phạm Thị Đào, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào: Doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình

Nhiều sản phẩm của công ty bị làm giả, làm nhái, thậm chí người làm hàng giả sản phẩm của chúng tôi ngay sát bên nhà tôi. Tuy nhiên, việc nhận diện sản phẩm giả Anh Đào cũng rất đơn giản. Đa phần sản phẩm giả không có số lô, mã vạch, tiêu chuẩn công bố, mã truy xuất nguồn gốc... Để bảo vệ sản phẩm của mình, Công ty Anh Đào đã đầu tư nhiều công nghệ hiện đại, tem chống hàng giả, mã vạch. Người tiêu dùng có thể dùng ứng dụng để quét mã vạch, tra cứu thông tin sản phẩm, hoặc hơ lửa để mã vạch xuất hiện. Bên cạnh việc áp dụng công nghệ trong chống hàng giả, công ty còn đầu tư cho hệ thống bán hàng tại các tỉnh, thành phố, xây dựng phương án sản phẩm ở mỗi địa phương đều có mã vùng riêng. Địa phương này không thể bán sản phẩm thuộc mã vùng của địa phương khác. Ngoài ra, công ty còn tự cứu mình bằng cách treo thưởng với mức 600 triệu đồng cho người nào phát hiện hàng giả nhãn hiệu Anh Đào.

Công ty Anh Đào gặp nhiều khó khăn trong khâu phát hiện và xử lý hàng giả. Có thể do chính sách, pháp luật chưa đủ mạnh nên các đối tượng tiếp tục làm hàng giả. Vì vậy, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc thực thi pháp luật, DN buộc phải tự cứu lấy chính mình.

hang gia bao vay thi truong sos

Ông Trần Giang Khuê, phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM: Nguyên nhân khiến hàng giả lộng hành

Hàng giả không chỉ hoành hành ở Việt Nam, các nước trên thế giới cũng đau đầu với tình trạng hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Điều đáng lo ngại, mức độ vi phạm của hàng giả ngày càng nhiều, từ những vật dụng nhỏ như cây kim, cuộn chỉ đến sản phẩm lớn như điện thoại, máy tính... Hàng giả bày bán từ các chợ vùng sâu, vùng xa, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, kể cả thương mại điện tử. Bất cứ ở đâu có hàng thật, hàng uy tín, hàng chính hãng là ở đó có hàng giả, hàng nhái. Hệ lụy của hàng giả, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc xuất xứ là ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, DN chân chính, sức khỏe người tiêu dùng.

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả lộng hành.

Thứ nhất, DN ít thông tin về hàng giả. Không phải DN không có thông tin mà do DN sợ thông tin hàng giả làm cho sức mua giảm xuống.

10 tháng năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm (trong đó xử lý 6.597 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỉ đồng; chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.

Thứ hai, có những DN quên đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước. Nếu không đăng ký, cơ quan chức năng không thể can thiệp và xử lý được.

Thứ ba, DN thờ ơ với công nghệ chống hàng giả. Phải phòng hàng giả trước khi chống. Luật Sở hữu trí tuệ đã có nhưng chưa thật sự phù hợp, cần đóng góp ý kiến để bổ sung, sửa đổi. Luật Sở hữu trí tuệ chỉ mới đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mà chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đối với hàng giả, hàng nhái. DN nên có ý kiến đóng góp hoàn thiện Luật Sở hữu trí tuệ.

Người tiêu dùng nên để ý trong cách sử dụng sản phẩm, đừng thích dùng hàng thương hiệu mà mua phải hàng giả, hàng nhái. Hãy từ bỏ thói quen dùng giày Adidas, Nike mà chỉ có giá 200.000 đồng!

hang gia bao vay thi truong sos

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn: Phải xử lý thật mạnh tay

Mức phạt 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả là quá nhẹ, nên các đối tượng vi phạm nộp phạt rồi vi phạm tiếp. Cần phối hợp từ Trung ương tới địa phương chặt chẽ và phải công khai tên các cơ sở, DN làm hàng giả. Thực tế, hiện nay có nhiều cơ sở sản xuất hàng giả, thậm chí có DN đầy đủ tính pháp lý, có nhà máy, khuôn mẫu, công nhân sản xuất. Nhưng khi bị phát hiện, các cơ sở, DN này chỉ bị phạt hành chính, xong rồi sau đó họ lại công khai tiếp tục làm hàng giả. Vì sao vậy? Đó là vì thuốc chưa đủ liều, có bệnh mà uống không đúng thuốc thì ung thư di căn, coi như hết thuốc chữa. Có một thực tế, hiện nay chúng ta chỉ mới phòng chứ chưa chống nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Điều vô lý, cơ sở sản xuất hàng giả công khai nhưng cơ quan quản lý trên địa bàn lại không hay biết, không kiểm tra, không xử lý.

Cần phải tăng thêm quyền hạn cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường. Phải xử lý thật mạnh tay thì mới tiêu diệt được nạn hàng giả, thậm chí rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn DN sản xuất hàng giả. Chống hàng giả nếu chỉ một hai lực lượng đó thực hiện thì không đủ sức mạnh mà phải có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của các lực lượng, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, phải truyền thông sâu rộng về chống hàng giả tới người tiêu dùng.

hang gia bao vay thi truong sos

Ông Ngô Bách Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM:

Tẩy chay hàng giả là trách nhiệm với xã hội

Mặc dù người tiêu dùng có quyền thụ hưởng sản phẩm tốt, sản phẩm chất lượng cao, nhưng hiện nay hàng giả đang bao vây người tiêu dùng. Rất nhiều người tiêu dùng phàn nàn, sao giờ đây hàng gian, hàng giả nhiều quá, tìm kiếm, mua được sản phẩm chất lượng tốt không đơn giản chút nào. Người tiêu dùng luôn mong mỏi làm sao cải thiện được tình trạng này.

Tuy nhiên, hiện nay, các vụ khiếu nại về hàng giả, hàng nhái từ người tiêu dùng thường chỉ được giải quyết bằng việc hòa giải giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, chưa đủ tính răn đe. Việc khởi kiện ra tòa án được đề cập đến trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng đa số người tiêu dùng không chọn biện pháp này do ngại tham gia tố tụng; đồng thời hệ thống tòa án không thực hiện một số điều kiện hỗ trợ mà luật cho phép như: Không thu tạm ứng án phí, lệ phí của người tiêu dùng; không yêu cầu người tiêu dùng chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hoặc không xử theo thủ tục đơn giản về vụ việc dân sự, nên thời gian xử lý dây dưa, kéo dài. Bên cạnh đó, với phương thức mua bán không cần hóa đơn phổ biến hiện nay, nhiều khiếu nại của người tiêu dùng không thành công vì không có chứng từ thể hiện giao dịch giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại, không được hỗ trợ để giám định hàng hóa...

hang gia bao vay thi truong sos
DN hướng dẫn người tiêu dùng cách kiểm tra, hàng giả hàng thật
Các vụ khiếu nại về hàng giả, hàng nhái từ người tiêu dùng thường chỉ được giải quyết bằng việc hòa giải giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, chưa đủ tính răn đe. Việc khởi kiện ra tòa án được đề cập đến trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng đa số người tiêu dùng không chọn biện pháp này do ngại tham gia tố tụng.

Suy cho cùng, bài toán để giải quyết hàng giả vẫn là sự thống nhất giữa cơ quan quản lý Nhà nước, DN, người tiêu dùng. Cơ quan quản lý Nhà nước kiến nghị bổ sung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào luật; khi phát hiện vụ việc thì phối hợp để giải quyết nhanh chóng. Bởi vì, có trường hợp người tiêu dùng mua một sản phẩm giá trị cao và họ xem đó như một phần tài sản của mình, cho nên cơ quan chức năng đừng chậm trễ. Chậm trễ trong xử lý vô hình trung làm mất đi quyền lợi của người tiêu dùng.

DN cần quan tâm và tự bảo vệ mình. DN phải có hệ thống bảo vệ, tuyên truyền nhằm phân biệt hàng thật - hàng giả. Song song với đó, DN với cơ quan quản lý Nhà nước cùng chống hàng giả.

Người tiêu dùng cũng có trách nhiệm chống hàng giả, tẩy chay hàng giả. Tuy nhiên, muốn người tiêu dùng chống hàng giả tốt đòi hỏi DN phải trang bị kiến thức về sản phẩm cho người sử dụng. Không sử dụng hàng giả là trách nhiệm với xã hội. Đừng bao giờ có suy nghĩ: Thôi kệ, dùng hàng nhái cũng được!

hang gia bao vay thi truong sos

Ông Trần Văn Dũng, Kiểm soát viên Tổng cục Quản lý thị trường: Tăng cường kết nối

phòng, chống hàng giả

Thủ đoạn làm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của các đối tượng ngày càng tinh vi, vì vậy hiện nay trên thị trường tràn lan hàng giả. Các đối tượng không chỉ làm giả hàng sản xuất trong nước mà do ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có tình trạng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam xuất sang Mỹ. Ở chiều ngược lại, ghi nhận có tình trạng hàng từ Mỹ cũng “đội lốt” hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

Nhằm phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Song song với phương pháp truyền thống, Tổng cục QLTT triển khai phương pháp mới: Áp dụng báo cáo số.

Tổng cục QLTT yêu cầu bất cứ một đoàn QLTT nào đi kiểm tra, vài giờ sau đó sẽ đưa thông tin lên cổng thông tin nội bộ. Từ đó, Tổng cục QLTT nắm được thông tin về hàng giả trong cả nước xảy ra như thế nào; phối hợp với các đơn vị liên quan để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chống hàng giả; có đánh giá, nhận định, phân tích những nhóm hàng nào, mặt hàng bị làm giả, đối tượng nào sản xuất, bán hàng giả, để có chỉ đạo sát sao hơn.

Ngoài ra, lực lượng QLTT cũng phối hợp với DN có giải pháp chống hàng giả. Điển hình như thời gian qua, QLTT đã phối hợp với một tập đoàn của Mỹ, hợp tác với các tập đoàn sản xuất điện thoại di động. Khi QLTT kiểm tra chỉ chiếu vào sẽ có ngay thông tin điện thoại mà mình kiểm tra.

Sắp tới, QLTT sẽ mở một trang web để tăng cường kết nối giữa DN, người tiêu dùng với QLTT để DN và người tiêu dùng nắm được thông tin về hàng giả.

Thanh Hồ