Hà Nội đã xóa 8 "điểm đen" ùn tắc

06:50 | 07/12/2020

140 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên ngành GTVT và Công an thành phố Hà Nội cho biết, năm 2020, toàn thành phố đã xóa 8 "điểm đen" ùn tắc, hiện còn tồn tại 26 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Trong đó, có 33 điểm chuyển tiếp năm 2019 và 1 điểm phát sinh trong quý I/2020 tại nút giao đường 70 với đường bao quanh Khu tưởng niệm doanh nhân Chu Văn An.

Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2020, liên ngành GTVT đã xử lý được 8/34 điểm ùn tắc. Cụ thể: Khu vực Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng; Trần Quốc Hoàn - Phạm Văn Đồng; Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; ngã ba Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ; Minh Khai - Ngõ gốc Đề; Trường Chinh (Tôn Thất Tùng - Ngã Tư Sở); Điểm quay đầu 158 Phạm Văn Đồng; Hồ Tùng Mậu - Lê Hữu Thọ.

Theo chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu mỗi năm xóa 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế các điểm phát sinh mới.

Thành phố cho biết sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ các tuyến đường vành đai, trục đường hướng tâm, các cầu qua sông và các tuyến đường có tính chất liên vùng...; tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý, phù hợp tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, cũng phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tập trung hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, điều hành giao thông; chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm...

Kiến nghị xây dựng 14 tuyến đường riêng để "đẩy" tốc độ xe buýt

Hiệp hội vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đề nghị hàng loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp buýt.

Theo đó, Hiệp hội này đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cấp kinh phí cho các tuyến buýt đặt hàng quý I/2020 đồng thời điều chỉnh sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.

Hiệp hội cũng đề nghị ưu tiên xây dựng 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhằm cải thiện điều kiện vận hành xe buýt, tăng lợi thế về vận tốc, về độ an toàn để thu hút hành khách sử dụng xe buýt, giảm phương tiện cá nhân, giảm rối loạn và tắc nghẽn giao thông.

Đồng thời cũng kiến nghị tiếp tục báo cáo Quốc hội xem xét chỉnh sửa Luật Giao thông đường bộ theo hướng cho phép người lái xe khách trên 30 chỗ được lái xe đến hết tuổi nghỉ hưu theo Luật Lao động.

Liên quan đến đề nghị cấp kinh phí cho các tuyến buýt đặt hàng quý I/2020, thực hiện Nghị định số 32 của Chính phủ về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, 68 tuyến buýt đang thực hiện đặt hàng năm 2019 phải chuyển sang hình thức đấu thầu trong năm 2020.

Do phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lựa chọn và dự thầu với nhiều bước, tiến độ gấp, khối lượng công việc lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài, để đảm bảo dịch vụ vận tải hành khách công cộng được liên tục, UBND TP Hà Nội cho phép 68 tuyến buýt tiếp tục hoạt động ổn định, bình thường từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/3/2020 (đến khi lựa chọn được nhà thầu theo quy định).

Tuy nhiên, gần hết năm 2020, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa được thanh toán khoản trợ giá từ quý đầu năm.

Theo chinhphu.vn