Giáo dục giới tính: Lỗ hổng kiến thức trong giới trẻ

07:03 | 10/05/2013

2,580 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngay sau khi xảy ra vụ án mạng hết sức dã man của Phạm Tuấn Ánh, sinh năm 1995 ở Hải Hậu, tỉnh Nam Định đối với người yêu là Cao Thị Hằng, mới học lớp 11 chỉ vì Hằng đòi cưới do đã có thai, một lần nữa vấn đề giáo dục giới tính hiện nay trong nhà trường phổ thông lại được đặt ra: học sinh đã được giáo dục như thế nào để rồi dẫn đến trường hợp đau lòng như vậy.

Điều đáng nói đây không phải là cảnh báo đầu tiên mà thực trạng nạn nạo phá thai trong giới học sinh, ở tuổi vị thành niên đã xảy ra một thời gian dài và số trẻ vị thành niên phá thai đó đã chiếm tới 10% trong tổng số các ca nạo phá thai trên toàn quốc. Điều đó chứng tỏ có một lỗ hổng lớn về kiến thức giới tính, sinh sản trong giới học sinh, nhất là ở lứa tuổi cần phải biết như tuổi dậy thì.

Tránh thai bằng… nilon

Thật khó có thể tin nổi đã dậy thì được nhiều năm, nhưng nhiều học sinh, trẻ vị thành niên hiểu biết một cách… ngô nghê về thụ thai và tránh thai. Như ông Nguyễn Đình Bách, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết, Tổng đài Vì chất lượng cuộc sống của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại xin tư vấn về sức khỏe tình dục và sinh sản. Trong đó có rất nhiều cuộc là của những học sinh mới chỉ 13-15 tuổi, mà những câu hỏi của các em nhìn chung đều xoay quanh về dấu hiệu mang thai và cách sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày cũng như khẩn cấp.

Thậm chí, có em hỏi về cách tránh thai mà em đã sử dụng rất nực cười khi em kể rằng, mỗi lần quan hệ tình dục, nếu không nhét túi nilon thì em nhét bông vào tận sâu bên trong để… tránh thai. Vì những bông ấy, nilon ấy sẽ cản đường “tinh binh” trên con đường đi làm “tổ”. Và sau mỗi lần như vậy, em lại dùng tay “khều” bông hoặc nilon ra. Đúng là “sáng kiến” có “một không hai” trên thế giới về phương pháp tránh thai! Nếu được biết đến một cách rộng rãi, chắc chắn nó có thể làm “rung chuyển” y học quốc tế trong nỗi… kinh hoàng!

Tương tự, một nam sinh khác lại hiểu cách tránh thai “khoa học” như thế này: mỗi lần “gặp gỡ người yêu”, ở giai đoạn cuối, chỉ cần… “án binh bất động” bằng cách nằm yên thì “con giống” không đủ mạnh để có thể “lội” ngược dòng tìm nơi làm “kén”. Do đó, việc thụ thai khó mà có thể xảy ra.

Hay một nữ sinh nữa lại “biết” cách phòng ngừa có thai theo kiểu: nếu “quan hệ” xong, nữ giới chỉ việc nhảy lên nhảy xuống như nhảy dây để cho “lũ nòng nọc” trôi xuống thì không bao giờ “chửa” được. Nói chung có rất  nhiều cách phòng ngừa thụ thai của tuổi mới lớn mà có lẽ “ông tổ” của nghề sản sống lại cũng phải “ngả mũ bái phục”! Ngay bà Trương Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng cho biết: “Qua những lần giảng dạy, nói chuyện với học sinh THPT về kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục mới thấy học sinh ngây ngô vô cùng về vấn đề này. Nhiều em đặt câu hỏi rất buồn cười”.

Ôm hôn cũng… có thai!?

Và không chỉ cách phòng ngừa thai, vì sao thụ thai, thụ thai như thế nào, các em cũng không biết, dù cũng đã được học ở môn sinh học, hay ngay từ thời tiểu học. Tất nhiên, những bài học đó, giảng dạy chỉ theo phương pháp thuần khoa học và thực ra cũng chưa đến nơi đến chốn, hay chính xác hơn là việc phân chia theo từng cấp học đã làm gián đoạn hệ thống khiến cho sự lĩnh hội của các em trở nên “quả tắc quả tụp” không thể liền mạch được. Mà quan trọng, một vấn đề “nhạy cảm” mang tính xã hội rõ rệt, lại liên quan trực tiếp đến con người như chuyện “bầu bí” lại dạy theo phương pháp thuần khoa học kể cũng làm các em khó nhập tâm.

Từ trước tới nay, cứ tưởng chuyện đùa nhưng hóa ra là thật 100% khi không ít học sinh đến thời thông tin bùng nổ, phim ảnh phát triển phổ biến rộng rãi, thoải mái như hiện nay vẫn cho rằng nam nữ chỉ cần ôm hôn nhau là… có thai. Và vẫn có em tưởng em bé chui ra… ở rốn. Thậm chí có nữ sinh tâm sự thế này: “Có phải cứ “quan hệ” với nhau lần nào là có thai lần đấy không. Sau đấy, tất cả các thai đó gộp vào với nhau để tạo nên đầy đủ các bộ phận cho em bé”. Không thể ngờ kiến thức sinh sản của học sinh lại hổng lớn đến vậy. Hèn gì tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi học trò, trẻ vị thành niên tăng với tốc độ báo động như hiện nay cũng thật dễ hiểu.

Chỉ tại giáo dục?

Nhưng vì sao các em lại hổng kiến thức lớn như vậy? Trước hết phải nói trách nhiệm đầu tiên chính là thuộc về ngành giáo dục. Bởi ngay như việc sắp xếp chương trình, rất bất hợp lý khi ở bậc tiểu học, các em đã phải học trứng ở nữ giới, tinh trùng ở nam giới rồi việc thụ thai diễn ra như thế nào… Trong khi ở lứa tuổi vẫn trắng như tờ giấy đó, vẫn đang phải “vỡ” nhiều kiến thức dù chỉ “i, t” đó, lại phải học chương trình phức tạp như vậy đã làm các em không thể nhớ nổi. Hơn nữa, đây không phải lĩnh vực nằm trong sự quan tâm của các em nên có dạy cho các em cũng không hiệu quả. Rồi lên cấp học cao hơn (chủ yếu ở lớp 11 và 12), sinh sản được phân bổ trong chương trình sinh học nhưng theo cấp độ ngày càng sâu dần với khoảng 2 tiết mỗi tuần.

Chưa bàn đến số lượng tiết học, chỉ bàn đến chất lượng đã thấy vô lý vì như đã nói học không liền mạch, lại học theo phương pháp khoa học đơn thuần trong khi đây là lĩnh vực bên cạnh khoa học sinh học còn là sự kết hợp hợp tâm lý, tình cảm của con người mà không thể sách vở nào, nhà khoa học nào “công thức” hóa được để các em có thể thực hiện như cái máy. Cho nên bên cạnh sự tiếp thu khó khăn còn là sự nhàm chán, không muốn tiếp thu trong quá trình học của các em. 

Rồi cả chuyện giảng dạy của giáo viên cũng đáng bàn bởi theo quan niệm của nhiều người trong số họ: “Đó là chuyện phòng the không thể rao rao giảng bài ở nơi ‘thanh thiên” được, ngượng mồm lắm”. Đây là một quan niệm sai lầm, một quan niệm không còn thích hợp với xã hội hiện tại. Đặc biệt là với giáo viên vì sứ mệnh “trồng người” cao cả, đáng ra họ phải nhạy cảm hơn để nhận ra xu thế của xã hội như thế nào nhằm phục vụ tốt cho công tác giáo dục của mình. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Nguyễn Quyến sau một lần công du sang Mỹ, đã được chứng kiến buổi giảng dạy về tình dục cho học sinh rất sinh động và đã viết một bài đăng báo với nội dung như vậy. Giờ học ấy, nếu theo quan niệm của văn hóa phương Đông có thể còn phải bàn cãi bởi không chỉ có giáo cụ trực quan mà giáo viên còn dạy học sinh cả cách thực hành. Nhưng rõ ràng, hiệu quả của nó là học sinh hiểu được quan hệ giới tính như thế nào, “cơ chế” có thai ra sao và từ đó biết cách phòng ngừa thai dẫn đến nhiều vấn đề khác của xã hội bớt được gánh nặng…

Xã hội của chúng ta hiện nay, không hoàn toàn như Mỹ, tuy nhiên quan niệm về tình dục, giới tính đã cởi mở hơn nhiều so với trước đây. Cùng với đó, sự phát triển, giao lưu, giao thoa văn hóa giữa nước ta với nhiều  quốc gia khác, thậm chí với nước có nền văn hóa ngược 180o, càng làm cho sự cởi mở đó cởi mở hơn. Song chính trong sự cởi mở mà chưa có một chuẩn bị kỹ càng, một định hướng cụ thể, thích hợp ấy, đặc biệt là giáo dục đã làm cho con người, nhất là giới trẻ, những đối tượng còn đang phải “tôi luyện” bản lĩnh đã không đứng vững và tiếp nhận cũng như hành động một cách bộc phát, dễ dàng, ngay cả trong những chuyện “tày trời” như quan hệ giới tính để rồi dẫn đến hệ lụy tình trạng vô sinh ngày càng cao - xấp xỉ 10% dân số. Bởi vậy, tham khảo phương pháp giáo dục giới tính của Mỹ hay của một nước nào khác cũng là việc nên làm, cốt là chúng ta tìm ra phương thức giảng dạy thích hợp và hiệu quả để rồi hạn chế tối đa tình trạng nạo phá thai trong học sinh.

Trong quan niệm của nhiều người trẻ hiện nay, nạo phá thai là chuyện đơn giản, có thể thực hiện như… cơm bữa mà không hề hấn gì. Nhưng thực ra, đây là chuyện đặc biệt nghiêm trọng bởi không chỉ ảnh hưởng đến nhân cách của con người mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội khác như dân số, nòi giống và cả tệ nạn như vụ án mạng đã kể ở đầu bài. Bởi vậy, nhất thiết phải tìm ra một lối đi cho thế hệ trẻ trong giáo dục giới tính. 

 Nguyễn Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc