Giàn nổi Trung Quốc suýt lật úp, nhiều người rơi xuống biển

06:44 | 27/07/2021

7,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đội cứu hộ đang tìm kiếm 4 người mất tích sau khi một giàn thi công nổi trên biển ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc bất ngờ suýt lật úp ngày 25/7 khiến nhiều người rơi xuống biển.
Giàn nổi bị lật nghiêng ngoài khơi thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông (Ảnh chụp màn hình).
Giàn nổi bị lật nghiêng ngoài khơi thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông (Ảnh chụp màn hình).

Theo hãng tin CCTV, Cơ quan An toàn Hàng hải thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc bắt đầu hoạt động tìm kiếm, cứu hộ sau khi nhận được tin báo về vụ tai nạn khoảng 11h sáng ngày 25/7. Theo các nguồn tin địa phương, giàn thi công nổi Sheng Ping 001 có chiều dài 90 m, rộng 50 m phục vụ một dự án điện gió ngoài khơi vùng biển Huệ Châu bất ngờ bị nghiêng hẳn sang một bên khi 65 công nhân đang có mặt trên đó. Nhiều công nhân bị rơi xuống biển và được cứu. Tính đến 13h cùng ngày, 61 công nhân được xác định an toàn, trong khi 4 người khác vẫn mất tích.

Cơ quan An toàn Hàng hải Huệ Châu đã điều một tàu tuần duyên tìm kiếm, đồng thời thông báo cho các tàu trong khu vực hỗ trợ. Lực lượng thực thi pháp luật hàng hải tỉnh Quảng Đông cũng cử 5 tàu khác tham gia tìm kiếm.

Các hình ảnh và video được chia sẻ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cho thấy, dường như một số tàu dân sự đã giải cứu một số công nhân.

Tính đến 14h cùng ngày, có tổng cộng hơn 30 tàu, trong đó có tàu của cảnh sát biển, tàu thương mại và tàu đánh bắt cá cùng với trực thăng tham gia tìm kiếm các công nhân còn mất tích.

Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến giàn nổi này bị nghiêng.

Những ngày qua, nhiều nơi ở Trung Quốc phải đối mặt với tình hình thời tiết cực đoan. Tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, đầu tuần trước hứng chịu một đợt mưa lũ kỷ lục được đánh giá "nghìn năm có một". Trận lũ lịch sử đã khiến ít nhất 63 người ở đây thiệt mạng, làm sập gần 9.000 ngôi nhà, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 11 triệu người, gây thiệt hại kinh tế ước tính hơn 12 tỷ USD, trong đó thành phố Trịnh Châu bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Khi các khu vực miền trung bắt đầu khôi phục hậu quả của lũ lụt, thì các tỉnh miền đông Trung Quốc, trong đó có Chiết Giang, tiếp tục hứng bão In-fa - trận bão đầu tiên trong năm.

In-fa là cơn bão có đường di chuyển phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng. Cơn bão đổ bộ tỉnh Chiết Giang trưa 25/7 và tiếp tục đổ bộ lần thứ hai vào sáng nay 26/7, một điều hiếm gặp. In-fa được cho là sẽ quét qua các tỉnh, thành như Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải, An Huy, kéo theo mưa lớn. Cơ quan môi trường biển của Trung Quốc đã phải phát đi báo động đỏ đối với nước biển dâng cao và sóng lớn do bão. Để giảm thiểu rủi ro do bão gây ra, các địa phương này đã sơ tán khoảng 1,5 triệu dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Các trường học, doanh nghiệp, chợ cũng được yêu cầu đóng cửa. Hàng loạt chuyến bay và tàu bị hủy.

Theo Dân trí

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc từ chối điều tra nguồn gốc Covid-19 là động thái Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc từ chối điều tra nguồn gốc Covid-19 là động thái "rất có vấn đề"
Ca Covid-19 tăng mạnh nhất nửa năm, Trung Quốc xét nghiệm hàng triệu dânCa Covid-19 tăng mạnh nhất nửa năm, Trung Quốc xét nghiệm hàng triệu dân
Trung Quốc muốn thiết thực hơn với Nga trong quan hệTrung Quốc muốn thiết thực hơn với Nga trong quan hệ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc