Giãn cách xã hội khiến thanh toán điện tử tăng vọt

18:55 | 16/04/2020

233 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến hành vi người tiêu dùng, hầu hết đều có xu hướng tìm đến những phương thức thanh toán trực tuyến hiện đại và an toàn. Theo dự báo xu hướng này sẽ thay đổi được thói quen thanh toán từ truyền thống sang online.

Trong những tháng gần đây khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều biện pháp giãn cách xã hội được triển khai thì việc mua sắm theo hình thức truyền thống đã giảm đáng kể, thay vào đó các hình thức mua sắm online, thanh toán trực tuyến trở nên phổ biến.

Theo thông tin từ ví điện tử Ngân lượng (thuộc NextTech Group), tháng 3/2020 tăng trưởng đạt hơn 30% so với tháng 1 và 2/2020 trong khi tại ví điện tử Mpos (thuộc NextTech Group) thanh toán qua quẹt thẻ từ ngày 1/4/2020, khi có Chỉ thị 16/CT-TTg thì giao dịch qua máy Mpos giảm rất mạnh, tới 60% so với trước đó.

gian cach xa hoi khien thanh toan dien tu tang vot
Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua mã VNPAY QR trong tháng 2/2020 tăng tới 600%

Hay tại ứng dụng thanh toán di động, ZaloPay ghi nhận tăng trưởng mạnh ở các giao dịch chuyển tiền, mua hàng ước đạt 36%. Nguyên nhân của sự tăng trưởng này được đại diện ZaloPay giải thích là do khi thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, nhu cầu mua sắm online tăng mạnh. Các đối tác khác như chuỗi các cửa hàng bán đồ ăn, thực phẩm, siêu thị… thay vì bán hàng trực tiếp cũng chuyển sang bán hàng online.

VNPAY QR cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua nền tảng này rất lớn. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng người dân quan tâm đến các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên. Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua mã VNPAY QR trong tháng 2/2020 tăng tới 600%.

Còn theo số liệu từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), từ Tết Canh Tý đến giữa tháng 3/2020, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Napas tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ 2019.

Tại Việt Nam, thanh toán điện tử trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc khi thanh toán qua các kênh Internet và điện thoại di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch. Theo báo cáo thị trường quảng cáo số tại Việt Nam năm 2019 do Công ty Adsota cung cấp thì đến năm 2019 số người dùng Internet đã đạt đến con số 68 triệu chiếm 70% dân số. Điều này đã tạo những nền tảng vững chắc giúp thanh toán điện tử có cơ hội tiếp tục bùng nổ và phát triển.

Nắm bắt cơ hội đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử đang lên kế hoạch mở rộng thị trường, đa dạng hóa dịch vụ, liên kết đối tác để cạnh tranh gia tăng thị phần và khách hàng.

Được biết hiện NextTech Group đang tích cực phối hợp với các ngân hàng lớn, giảm phí giao dịch để kích thích mua sắm online. Về dài hạn, Quỹ Next100 của NextTech cũng vừa tiến hành đầu tư hàng loạt công ty như Pushsale, Botbanhang để thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp.

ZaloPay cũng đang tập trung phát triển kênh thanh toán online phục vụ các đối tác là các định chế tài chính, doanh nghiệp, sản phẩm.

Ngoài hình thức thanh toán qua ví điện tử, trung gian thanh toán, Internet Banking…, các doanh nghiệp Việt Nam như VNPT, Viettel, MobiFone cũng đã sẵn sàng gia nhập thị trường thanh toán điện tử bằng Mobile Money. Đây là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự thuận tiện, chi phí thấp, khả năng phủ sóng tốt…

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, hoàn thiện quyết định về triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money), dự kiến trình Chính phủ trong tháng 4/2020.

Theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt nghị định, thông tư liên quan đến hành lang pháp lý thử nghiệm các phương tiện thanh toán mới sẽ được ban hành trước tháng 12/2020. Khi hệ thống hành lang pháp lý này hoàn thiện, sẽ là cơ hội thuận lợi cho thanh toán điện tử phát triển.

Trao đổi về xu thế thanh toán điện tử cũng như giải pháp để hoạt động này ngày càng hấp dẫn người dân, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam từng nhận định, cùng với xu thế chung của các ngân hàng trên thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng số. Quá trình này đòi hỏi xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp, thiết lập hạ tầng kỹ thuật mới, các giải pháp ứng dụng của công nghệ kỹ thuật số. Do đó, cần có sự phối hợp của các bên liên quan tạo hệ sinh thái đồng bộ tạo nên sự phát triển của hoạt động ngân hàng số.

M.T

gian cach xa hoi khien thanh toan dien tu tang votCuộc chiến trên bàn thanh toán
gian cach xa hoi khien thanh toan dien tu tang votĐặt ra hạn mức phần vốn góp sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư fintech nước ngoài
gian cach xa hoi khien thanh toan dien tu tang votDùng ví MoMo mua xăng dầu của PVOIL được hoàn tiền đến 50%