Giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Venezuela

22:12 | 05/05/2019

915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào Chủ nhật 5/5 tại Moscow sẽ hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela, ông Jorge Arreasa, chủ đề chính xoay quanh nỗ lực đảo chính của phe đối lập vào ngày 30/4 ở quốc gia Mỹ Latinh này.
giai phap ngoai giao cho cuoc khung hoang venezuela
Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela, Jorge Arreasa

Cuộc hội đàm được thực hiện trong bối cảnh sắp diễn ra các cuộc tiếp xúc của ông Lavrov vào ngày 6-7 tháng 5 với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo để thảo luận về tình hình ở Venezuela.

"Sẽ có một cuộc trao đổi quan điểm về tình hình ở Venezuela (và cả ở bên ngoài) liên quan đến cuộc đảo chính bất thành ở đất nước này, về triển vọng giải quyết khủng hoảng bằng con đường chính trị và ngoại giao, về sự khác biệt trong khuôn khổ hiến pháp Venezuela, cũng như những lựa chọn cho các nỗ lực hòa giải quốc tế", Bộ Ngoại giao Nga đề cập đến các cuộc đàm phán sắp tới trong thông cáo của mình.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao nói thêm, cuộc họp sẽ "thảo luận về các bước để tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Nga và Venezuela trên trường quốc tế, tăng cường nỗ lực của nhóm các nước không phải là liên minh chính thức để bảo vệ các mục tiêu và nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, cũng như chống lại các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp, chống lại sự lao dốc của tình hình kinh tế - xã hội trong nước".

Khủng hoảng chính trị ở Venezuela

Vào ngày 23 tháng 2, phe đối lập đã cố gắng cung cấp cho Venezuela qua biên giới với Brazil và Colombia nhiều loại hàng hóa, nhu yếu phẩm mà theo những người ủng hộ Guaido là viện trợ nhân đạo nước ngoài. Nhà chức trách cáo buộc đối thủ về tội khiêu khích. Đã xảy ra những cuộc đụng độ ở biên giới, nhưng không dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại Maduro.

Trong vài tháng gần đây, ở Venezuela tiếp tục diễn ra cuộc đối đầu chính trị giữa chính quyền hợp pháp và phe đối lập. Guaido nhấn mạnh rằng mình là người đảm nhiệm vai trò tổng thống trên thực tế. Cho đến trước ngày 30 tháng 4, tình hình vẫn tương đối ôn hòa, các cuộc xung đột lớn không xảy ra. Tuy nhiên, vào hôm thứ Ba vừa qua, nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela, Juan Guaido, đã công bố một tin nhắn video trên trang Twitter của mình kêu gọi quân đội xuống đường lật đổ chính quyền.

Những người ủng hộ phe đối lập đã xâm nhập vào khuôn viên căn cứ không quân Francisco Miranda ở Caracas. Trên ngã ba liền kề của Đại lộ Altamira, một cuộc biểu tình đã nổ ra, người biểu tình bắt đầu xô xát với cảnh sát và Vệ binh Quốc gia. Trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh, hàng trăm người bị thương, bốn người chết. Theo các tổ chức phi chính phủ, ít nhất 240 người biểu tình đã bị bắt giữ trong hai ngày. Tuy nhiên, quân đội không hỗ trợ Guaido. Chính phủ vẫn giữ quyền kiểm soát tất cả các cơ sở quân sự.

Bàn tay Washington

Ngay sau hoạt động lật đổ bất thành của Juan Guaido hôm 30 tháng 4, Hoa Kỳ đã phát động một chiến dịch lớn để hỗ trợ ông ta. Washington cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở một quốc gia Mỹ Latinh. Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ John Bolton nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino López, Chánh án Michel Moreno và người đứng đầu lực lượng bảo vệ tổng thống Ivan Hernandez đã đồng ý với việc tổng thống Maduro phải rời khỏi chức vụ và đi ra khỏi đất nước. Khi rõ ràng rằng nỗ lực đảo chính đã thất bại, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn rằng ông Maduro đã có ý định rời khỏi đất nước, nhưng dường như Nga đã can ngăn, không cho ông thực hiện việc này.

Vào ngày 1 tháng 5, theo sáng kiến ​​của Washington, Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã có một cuộc trò chuyện qua điện thoại. Ông Lavrov nhấn mạnh rằng không phải là Nga can thiệp vào tình hình ở Venezuela, mà là Hoa Kỳ, và chỉ ra rằng "việc tiếp tục các động thái gây hấn là hậu quả nghiêm trọng nhất". Sau đó, trong một cuộc trò chuyện với các nhà báo, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nói rằng những cáo buộc của Washington về sự can thiệp của Nga vào tình hình Venezuela, nói theo ngôn ngữ ngoại giao mềm mỏng, là không đúng sự thật.

Ở Venezuela có các chuyên gia quân sự Nga, những người mà Hoa Kỳ yêu cầu Moscow phải rút ngay về nước. Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của họ chỉ là duy trì các thiết bị quân sự được cung cấp trước đó và huấn luyện sử dụng. Theo Đại sứ quán Nga tại Caracas, các quân nhân Nga đã không tham gia vào các sự kiện ở Venezuela trong tuần vừa rồi.

Lavrov và Pompeo sẽ tiếp tục thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Venezuela trong một cuộc tiếp xúc cá nhân trong thời gian diễn ra cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao của Hội đồng Bắc Cực, được tổ chức ở thành phố Rovaniemi của Phần Lan vào ngày 6-7 tháng 5.

giai phap ngoai giao cho cuoc khung hoang venezuelaTrump điện đàm với Putin về khủng hoảng Venezuela
giai phap ngoai giao cho cuoc khung hoang venezuelaHé lộ nguyên nhân khiến cuộc đảo chính tại Venezuela đổ vỡ vào phút chót
giai phap ngoai giao cho cuoc khung hoang venezuelaMỹ tìm cách rót tiền cho thủ lĩnh đối lập để lật đổ tổng thống Venezuela

Bá Thủy

RT