Giải pháp nào để doanh nghiệp phục hồi và phát triển?

19:00 | 22/08/2022

193 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa kiến nghị lên Quốc hội 8 nhóm giải pháp cần thực hiện.
Giải pháp nào để doanh nghiệp phục hồi và phát triển?
VCCI kiến nghị 8 giải pháp để phục hồi và phát triển doanh nghiệp

1. Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh

Thời gian qua, doanh nghiệp còn tiếp tục phản ánh về tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư.

Hiện nay, một số dự thảo luật quan trọng, tác động đến hoạt động đầu tư kinh doanh của nước ta đang được soạn thảo, như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Đây là cơ hội tốt để nhìn hệ thống pháp luật kinh doanh một cách tổng thể, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo đang tồn tại ở pháp luật hiện hành, cũng như là cơ hội lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng, thực thi các chính sách.

Vì vậy, đề nghị quá trình xây dựng các dự thảo cần tiếp tục tham vấn rộng rãi, công khai cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý cần được minh bạch để tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh.

2. Tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước

Theo VCCI, không gian để Nhà nước thực hiện các giải pháp này vẫn còn khá lớn, ví dụ: Lập phương án giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu; Tiếp tục nghiên cứu để giảm mức thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu xăng; khẩn trương nghiên cứu xây dựng phương án giảm tiền điện – một trong những chi phí đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất kinh doanh.

3. Nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19 cho doanh nghiệp

Theo phản ánh, các gói hỗ trợ đã được triển khai tuy nhiên tốc độ giải ngân vẫn còn thấp. Tình trạng doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cho thấy các điều kiện để vay vốn dường như chưa phù hợp với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Vì vậy cần có biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thực sự phát huy hiệu quả.

4. Cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực

Do vậy, Quốc hội có thể triển khai các chương trình giám sát việc thực hiện các chương trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực trong thời gian tới.

5. Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo

Có cơ chế phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động đổi mới, sáng tạo, đồng thời cân bằng, hài hòa lợi ích của các bên trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nhằm theo kịp xu hướng phát triển xanh của thế giới và thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đề nghị xây dựng, ban hành luật riêng về kinh tế tuần hoàn, gắn với các hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

6. Đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính có tác động lớn đến doanh nghiệp và còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động…

7. Nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ

Việt Nam hiện có 15 FTA đang có hiệu lực trong đó có nhiều thị trường lợi thế khi các quốc gia cạnh tranh chính của Việt Nam chưa có FTA. Đề nghị cần có chương trình hành động cụ thể và thiết thực nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA.

8. Nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền các cấp

Cần có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cải cách môi trường kinh doanh: Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Cải cách môi trường kinh doanh: Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững. Đây sẽ là những trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

P.V (t/h)