Giả thì cũng giả vừa thôi!

11:52 | 28/04/2015

38,800 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kỷ niệm chiến thắng 30-4, điện ảnh Việt Nam có chiếu một loạt phim về chiến tranh, có những phim làm từ trước, có những phim mới đây như Giải phóng Sài Gòn, Những người viết huyền thoại, Mùa cỏ cháy… Thôi thì chưa bàn đến chủ đề tư tưởng nội dung cấu tứ của bộ phim, nhưng quả thật một số phim xem không thể chịu nổi, cứ như ném cát vào mắt, bởi lẽ người viết kịch bản và đặc biệt là đạo diễn chẳng có một chút hiểu biết về chiến tranh, quân sự.

Họ đã bịa ra những chi tiết, tình huống nực cười rồi họ sử dụng đạo cụ tùy tiện. Năm trước, trong một bộ phim về kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên nhưng dám đưa ra cảnh xe Zil 157 là loại xe 3 cầu sử dụng để kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên. Khổ lắm, ngày ấy thì lấy đâu ra xe 3 cầu, ngày ấy Việt Nam chỉ có một số ít xe Gaz 63 do Liên Xô viện trợ, đây là loại xe 4 bánh và chỉ có 2 cầu.

Rồi trong một số phim về chiến tranh chống Mỹ thì sự giả dối lên tột đỉnh. Làm gì có trận địa pháo 37 ly mà có 1 khẩu. Rồi một điều dễ nhận thấy nhất trong phim Giải phóng Sài Gòn đó là khi khẩu đại bác bắn, do phản lực khi đưa ra khỏi nòng, khiến nòng pháo thụt lại thì tất cả những khẩu pháo kể cả pháo mặt đất và pháo phòng không đều đứng im phăng phắc.

Rồi thậm chí người ta tưởng tượng ra một ông tướng quân đội mà cùng với một cháu thiếu niên dùng súng 12 ly7 để bắn máy bay Mỹ. Rồi thì trong lúc máy bay gầm rú đánh bom lại có một thằng bé, cỡ 5-6 tuổi chạy ra vặn van đường ống dẫn dầu.

Rồi người ta lại còn vẽ ra những sĩ quan quân đội để ria con kiến, mà ai cũng biết điều sơ đẳng nhất trong điều lệ kỉ cương quân đội là tóc cắt ngắn 3 phân và cấm để râu, đặc biệt đây còn là trong những năm tháng chiến tranh.

Giả thì cũng giả vừa thôi!

Một cảnh trong phim "Những người viết huyền thoại"

Rồi người ta còn dựng ra rằng anh bộ đội đứng trong hố bom giương súng B40 lên bắn máy bay trực thăng. Thế thì không hiểu rằng với khoảng cách thành hố bom ngay sát lưng anh bộ đội thế, thì luồng lửa phụt ra sẽ như thế nào. Sự kém hiểu biết về quân sự, chiến tranh và về tính năng tác dụng của vũ khí, khí tài đã khiến cho những người có chút hiểu biết cảm thấy rất khó chịu và giả dối.

Đó là chưa kể những cảnh dựng kỹ xảo sượng đển mức độ mà không ai có thể chấp nhận được. Làm gì có chuyện một khẩu súng 12 ly 7 bắn trúng máy bay Mỹ rồi máy bay rơi xuống ngay cạnh trận địa để mọi người nhìn thấy. Cứ cho dù bắn trúng thì nó có rơi được thì nó cũng sẽ rơi lướt xa đi hàng chục cây số.

Ấy là chưa kể người ta còn dám dựng ra những lời đối thoại nghe không chấp nhận được, làm gì có chuyện trong một cuộc họp nghiêm túc của chỉ huy các đơn vị mà sĩ quan cấp dưới dám văng tục với cấp trên.

Trong chiến tranh, khi xử lý tình huống, chuyện văng tục chửi bậy không thể tránh khỏi, chúng ta cũng có khá nhiều giai thoại về các vị tướng một khi nổi máu Trương Phi lên thì cũng có khi văng tục, nhưng trong một cuộc họp nghiêm túc thì điều đó không bao giờ có và cấp dưới càng không thể ăn nói cái kiểu “lấy cái chó gì mà đánh”…

Làm phim thì cũng phải biết tôn trọng người xem và cách tôn trọng nhất đầu tiên đó là dựng bối cảnh chân thực, thời nào bối cảnh đó chứ không thể tùy tiện mà bịa ra, rồi dựng lên những cảnh vô lý không thể chấp nhận được.

Cho nên làm cái gì, có giả thì cũng giả vừa vừa thôi còn để cho người xem đỡ tức mắt!

Như Thổ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc