Giá dầu trong tuần (9/9-15/9): Dầu thô ghi nhận tuần tăng giá
Cụm Giàn CNTT số 2. Tác giả: Lê Anh Đức |
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 15/9/2024 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2024 ở mức 69,24 USD/thùng, tăng 0,27 USD trong phiên.
Giá dầu Brent giao tháng 11/2024 ở mức 72,12 USD/thùng, tăng 0,15 USD trong phiên.
Giá dầu thế giới trong tuần (9/9-15/9) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá dầu lao dốc ở đầu phiên sau đó tăng trở lại. Thời điểm cuối tuần, giá dầu tăng ở đầu phiên và giảm ở cuối phiên, nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng giá.
Đầu tuần (9/9-10/9) giá dầu thế giới tăng khi một cơn bão có khả năng tiến gần đến Bờ Vịnh tại Mỹ, có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động lọc dầu. Thị trường đang dần phục hồi sau đợt bán tháo khi dữ liệu việc làm yếu hơn dự kiến của Mỹ được công bố vào thứ Sáu tuần trước.
Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2024 ở mức 68,61 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 11/2024 ở mức 71,97 USD/thùng.
Các nhà phân tích cho rằng sự tăng giá của dầu một phần là phản ứng trước cơn bão tiềm tàng đang tiến đến Bờ Vịnh Mỹ. Hệ thống dự báo thời tiết ở phía tây nam Vịnh Mexico và Trung tâm Bão quốc gia Mỹ dự báo một cơn bão sẽ được hình thành trước khi đến Bờ Vịnh phía tây bắc Mỹ. Bờ Vịnh Mỹ chiếm khoảng 60% công suất lọc dầu của nước này.
Dữ liệu từ Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ cho thấy, trong tháng 8, thay vì tạo 160.000 việc làm như dự báo của các nhà kinh tế thì bảng lương phi nông nghiệp chỉ tăng 142.000 việc làm. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp giảm cũng giảm nhẹ 0,1% xuống mức 4,2%. Các nhà phân tích cho biết, tỷ lệ thất nghiệp giảm cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 9 thay vì cắt giảm nửa điểm.
Lãi suất thấp hơn thường làm tăng nhu cầu về dầu bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và làm cho dầu rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ không phải đô la.
Biên lợi nhuận lọc dầu ở Châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2020 do nhu cầu yếu từ hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc. Xuất khẩu dầu nhiên liệu sang Bờ Vịnh Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019 vào tháng 8 do biên lợi nhuận lọc dầu yếu hơn.
Ảnh minh họa |
Giữa tuần (11/9-12/9) giá dầu giảm ở đầu phiên sau đó tăng trở lại.
Ngày 11/9, giá dầu giảm khi thị trường lo ngại về hoạt động kinh tế yếu kém của Mỹ và Trung Quốc. Điều này cũng làm gia tăng đợt bán tháo trên thị trường dầu mỏ nói chung.
Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2024 ở mức 66,15 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 11/2024 ở mức 69,57 USD/thùng.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong năm nay và năm sau, phần lớn mức cắt giảm là do kỳ vọng tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Cụ thể, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,03 triệu thùng mỗi ngày (bpd) vào năm 2024, giảm so với dự báo tăng trưởng 2,11 triệu thùng/ngày của tháng trước.
Nhóm OPEC cho biết những trở ngại trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, và việc ngày càng sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) làm nhiên liệu cho xe tải ở nước này có thể sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu diesel trong tương lai.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Ba (10/9) đã hạ dự báo về mức tiêu thụ nhiên liệu chưng cất trong năm nay tại Mỹ, đồng thời nêu ra những lo ngại về kinh tế do tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại trong những tháng gần đây và việc sử dụng nhiên liệu thay thế ngày càng tăng.
Theo EIA, nhu cầu sản phẩm chưng cất của Mỹ, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, hiện dự kiến đạt trung bình 3,83 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 3,87 triệu thùng/ngày.
Sang đến ngày 12/9, giá dầu tăng trở lại khi thị trường lo ngại về việc ngừng sản xuất kéo dài tại mỏ dầu ngoài khơi của Mỹ, nơi cơn bão Francine đang đi qua trên đường đổ bộ vào Louisiana.
Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2024 ở mức 67,28 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 11/2024 ở mức 70,66 USD/thùng.
Các nhà phân tích cho rằng mối lo ngại về cơn bão Francine làm gián đoạn sản lượng ở Mỹ, quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới đang góp phần hỗ trợ xu hướng tăng giá của dầu thô.
Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates cho biết: "Tôi nghi ngờ rằng tuần tới, các số liệu thống kê trên thị trường dầu sẽ bị ảnh hưởng do cơn bão Francine làm gián đoạn dòng chảy của tàu chở dầu qua Vịnh Mexico".
Cục An toàn và Thực thi Môi trường Mỹ cho biết 39% sản lượng dầu thô ở Vịnh Mexico đã bị đóng cửa vào thứ Tư (11/9) khi các công ty sơ tán thủy thủ đoàn ra khỏi đường đi của bão Francine và 49% sản lượng khí đốt tự nhiên từ Vịnh đã bị cơn bão làm gián đoạn.
Theo EIA, phía bắc Vịnh Mexico do Mỹ quản lý chiếm 15% tổng sản lượng dầu thô và 2% sản lượng khí đốt tự nhiên khô của nước này.
Ảnh minh họa |
Thời điểm cuối tuần (13/9-15/9) giá dầu tăng ở đầu phiên và giảm ở cuối phiên.
Ngày 13/9, giá dầu tiếp tục kéo dài đợt tăng giá do sản lượng bị gián đoạn ở Vịnh Mexico của Mỹ, nơi cơn bão Francine chuẩn bị đổ bộ buộc các nhà khai thác phải sơ tán các giàn khoan trước khi bão tiến vào bờ biển Louisiana.
Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2024 ở mức 69,43 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 11/2024 ở mức 72,4 USD/thùng.
Các nhà khai thác dầu đã đánh giá thiệt hại và tiến hành kiểm tra an toàn tại Vịnh Mexico ngay khi có ước tính về việc nguồn cung dầu tại đây sẽ bị ảnh hưởng do cơn bão Francine.
Các nhà phân tích của UBS dự báo sản lượng tại Vịnh Mexico trong tháng 9 sẽ giảm 50.000 thùng/ngày (bpd) so với tháng trước, trong khi các nhà phân tích của FGE ước tính sản lượng tại khu vực này giảm 60.000 thùng/ngày xuống còn 1,69 triệu thùng/ngày. Dữ liệu chính thức cho thấy gần 42% sản lượng dầu của khu vực đã bị đóng cửa tính đến ngày 12/9.
Cú sốc nguồn cung đã giúp giá dầu phục hồi sau đợt bán tháo mạnh vào đầu tuần. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với các nhà đầu tư khi họ lo ngại về nhu cầu đang kéo giá dầu chuẩn xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Tuy nhiên đà tăng của dầu đã bị hạn chế khi dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu của nước này trung bình giảm 3,1% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà phân tích của FGE cho rằng: "Nhu cầu dầu trong nước suy yếu tại Trung Quốc đã trở thành chủ đề nóng và càng được nhấn mạnh hơn bởi dữ liệu thương mại đáng thất vọng của tháng 8".
Mối lo ngại về nhu cầu cũng gia tăng ở Mỹ khi giá xăng và sản phẩm chưng cất tương lai của nước này giao dịch ở mức thấp nhất trong nhiều năm trong tuần này, Dữ liệu từ EIA cho thấy lượng dự trữ dầu mỏ và nhiên liệu của Mỹ đã tăng vào tuần trước do nhu cầu giảm mạnh.
Sang đến ngày 14/9 và 15/9, giá dầu giảm nhẹ khi hoạt động khai thác và lọc dầu tại Vịnh Mexico của Mỹ được nối lại sau cơn bão Francine, đồng thời dữ liệu cho thấy số lượng giàn khoan của Mỹ đã tăng trong tuần.
Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2024 ở mức 69,24 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 11/2024 ở mức 72,12 USD/thùng.
Bob Yawger, Giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho ở New York, cho biết khi hoạt động khai thác và lọc dầu tại Bờ Vịnh Mỹ được nối lại các nhà đầu tư đã chọn bán tháo các hợp đồng dầu mỏ vào cuối tuần.
Giá dầu thô cũng bị ảnh hưởng khi Baker Hughes báo cáo mức tăng hàng tuần lớn nhất về số giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên. Cụ thể, trong tuần tính đến ngày 13/9, số lượng giàn khoan dầu khí tại Mỹ đã tăng thêm 8 giàn lên 590 giàn, trở lại mức giữa tháng 6. Số lượng giàn khoan dầu thô tăng 5 giàn lên 488 giàn trong tuần này, trong khi số lượng giàn khoan khí đốt tăng 3 giàn lên 97 giàn.
Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ cho biết, các nhà quản lý tiền tệ đã cắt giảm các vị thế mua ròng hợp đồng tương lai và quyền chọn dầu thô tại New York và London xuống còn 59.741 hợp đồng trong tuần tính đến ngày 10/9.
Tuần này, cả Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đều hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu, với lý do kinh tế khó khăn ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
IEA nhấn mạnh, trong nhiều năm, Trung Quốc đã thúc đẩy sự gia tăng tiêu thụ dầu toàn cầu. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và sự chuyển dịch sang xe điện đã và đang thay đổi mô hình cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà đầu tư hiện đang hướng tới cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào tuần tới. Dự kiến Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 18.890 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 19.635 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.165 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 17.790 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.467 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều ngày 12/9. Trong đó, giá xăng E5 RON 92 giảm 1.089 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 1.192 đồng/lít, dầu diesel giảm 927 đồng/lít, dầu hỏa giảm 934 đồng/lít, dầu mazut giảm 688 đồng/kg.
Giá dầu hôm nay (11/9): Dầu thô quay đầu lao dốc |
Giá dầu hôm nay (12/9): Dầu thô tăng trở lại |
Giá dầu hôm nay (13/9): Dầu thô tiếp tục tăng giá |
Giá dầu hôm nay (14/9): Dầu thô quay đầu giảm nhẹ |
Minh Đức