Giá dầu trong tuần (27/5-2/6): Dầu thô ghi nhận mức giảm hàng tuần

13:17 | 02/06/2024

41,067 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giá dầu thế giới trong tuần (27/5-2/6) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá dầu tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm. Thời điểm cuối tuần, giá dầu thô liên tục giảm và ghi nhận mức giảm hàng tuần.
Giàn PVD1, Cá Tầm 2. Tác giả: Phạm Ngọc Phương
Giàn PVD1, Cá Tầm 2. Tác giả: Phạm Ngọc Phương

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/6/2024 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2024 ở mức 77,18 USD/thùng, giảm 0,73 USD trong phiên.

Giá dầu Brent giao tháng 7/2024 đứng ở mức 81,58 USD/thùng, giảm 0,28 USD trong phiên.

Giá dầu thế giới trong tuần (27/5-2/6) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá dầu tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm. Thời điểm cuối tuần, giá dầu thô liên tục giảm và ghi nhận mức giảm hàng tuần.

Đầu tuần (27/5-28/5) giá dầu thế giới tăng trong bối cảnh các giao dịch trở lên ảm đảm khi Anh và Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ. Các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát để đánh giá chính sách tiền tệ trong tương lai của Mỹ, đồng thời chờ đợi các quyết định về chính sách sản xuất từ nhóm OPEC + trong cuộc họp vào ngày 2/6.

Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2024 ở mức 78,71 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7/2024 đứng ở mức 83,1 USD/thùng.

Satoru Yoshida, nhà phân tích hàng hóa của Rakuten Securities cho biết: “Tôi kỳ vọng giá dầu sẽ tăng cao hơn trong những ngày tới do các nhà sản xuất dầu tiếp tục tự nguyện cắt giảm sản lượng và triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ ngày càng tăng. Giá nhiên liệu cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ khi mùa lái xe cao điểm mùa hè ở Mỹ đã bắt đầu”.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ trong tuần này sẽ là tâm điểm cho những tín hiệu tiếp theo về chính sách lãi suất vì nó được xem là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giữa tuần (29/5-30/5) giá dầu tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm.

Ngày 29/5, giá dầu thế giới tăng trước thông tin nhóm OPEC+ sẽ duy trì hạn chế nguồn cung dầu thô tại cuộc họp ngày 2/6. Bên cạnh đó, đồng đô la yếu hơn đã thúc đẩy dầu thô tăng giá.

Đối với cuộc họp trực tuyến của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sắp diễn ra vào Chủ nhật (2/6), các nhà giao dịch và nhà phân tích dự đoán mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày sẽ được giữ nguyên.

Các nhà phân tích của UBS cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng nhóm OPEC+ sẽ gia hạn mức cắt giảm hiện tại thêm ít nhất ba tháng nữa tại cuộc họp sắp tới”.

Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates cho rằng: “Việc giá dầu tăng trong tuần này được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự suy yếu đáng kể của đồng đô la và sự đồng thuận ngày càng tăng rằng nhóm OPEC + sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tại cuộc họp cuối tuần sắp tới”.

Dữ liệu từ công ty phân tích chuyến bay OAG cho thấy, du lịch hàng không cũng giúp thúc đẩy giá dầu, với số ghế của Mỹ trên các chuyến bay nội địa trong tháng 5 tăng 5% so với tháng trước và gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 90 triệu ghế.

Bob Yawger của ngân hàng Mizuho cho biết, xung đột ở Trung Đông vẫn đang tiếp diễn và điều này có thể sẽ hỗ trợ giá dầu. Theo một số nguồn tin, một thành viên cơ quan an ninh Ai Cập đã thiệt mạng trong cuộc đọ súng với lực lượng Israel.

Sang đến ngày 30/5, giá dầu quay đầu giảm khi thị trường tiếp nhận dữ liệu dự trữ dầu thô mới nhất của Mỹ trong bối cảnh hoạt động kinh tế của Mỹ khá lạc quan. Tuy nhiên, việc chi phí vay tại Mỹ vẫn cao hơn trong thời gian tới có thể gây ra một cú sốc đối với nhu cầu dầu.

Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2024 ở mức 79,19 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7/2024 đứng ở mức 83,56 USD/thùng.

Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) hôm thứ Tư (29/5), tồn kho dầu thô đã giảm 6,49 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24/5, tồn kho xăng giảm 452.000 thùng và sản phẩm chưng cất tăng 2,045 triệu thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 4,2 triệu thùng xuống 454,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24/5.

Lượng xăng tồn kho ở Mỹ đã tăng so với kỳ vọng ngay trước thời điểm báo hiệu sự bắt đầu của mùa lái xe mùa hè. EIA cho biết tồn kho tăng 2 triệu thùng trong tuần lên 228,8 triệu thùng so với kỳ vọng giảm 400.000 thùng.

Một cuộc khảo sát của Fed cho thấy hoạt động kinh tế Mỹ tiếp tục mở rộng từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5 nhưng các công ty ngày càng bi quan hơn về tương lai trong khi lạm phát tăng với tốc độ khiêm tốn.

Chi phí đi vay cao hơn có xu hướng hạn chế vốn và tiêu dùng, điều này tác động tiêu cực đến nhu cầu và giá dầu thô. Fed hiện được cho là sẽ cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 9, so với thời điểm bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 6 mà thị trường mong đợi vào đầu năm.

Giàn đầu giếng H4 mỏ Tê Giác Trắng, Bể: Cửu Long. Nguồn: Tư liệu
Giàn đầu giếng H4 mỏ Tê Giác Trắng, Bể: Cửu Long. Nguồn: Tư liệu

Thời điểm cuối tuần (31/5-2/6), giá dầu kéo dài đà giả khi các nhà đầu tư phản ứng trước những bình luận từ các quan chức Fed Mỹ rằng còn quá sớm để bắt đầu xem xét cắt giảm lãi suất. Bên cạnh đó, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng cũng là yếu tố gây áp lực đối với giá dầu.

Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2024 ở mức 77,18 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7/2024 đứng ở mức 81,58 USD/thùng.

Bà Lorie Logan - Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas cho biết, lạm phát vẫn đang hướng tới về mục tiêu 2%, nhưng còn quá sớm để xem xét việc hạ lãi suất.

Ông John Williams - Chủ tịch Fed New York cũng cho rằng chưa vội hạ lãi suất khi nền kinh tế đang hoạt động tốt, chính sách tiền tệ của Fed đang giúp giảm lạm phát xuống mục tiêu 2%.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu về nhiên liệu chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi tại Mỹ đã bị ảnh hưởng mạnh trong năm nay dưới áp lực từ hoạt động sản xuất trì trệ, thời tiết mùa đông ôn hòa hơn dự kiến và nguồn cung nhiên liệu tái tạo bùng nổ.

Dữ liệu từ EIA cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 0,6% lên 13,2 triệu thùng/ngày trong tháng 3, cao nhất kể từ tháng 12. Sản lượng từ Texas, bang sản xuất hàng đầu, tăng 0,7% lên 5,6 triệu thùng/ngày trong tháng 3, cũng cao nhất kể từ tháng 12.

Mỹ đã thúc đẩy tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu từ các nhà sản xuất ngoài OPEC trong suốt thập kỷ qua. Do cuộc cách mạng đá phiến và những đột phá về công nghệ, sản lượng dầu tại Mỹ đã tăng mạnh.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đang nghiên cứu một thỏa thuận để thống nhất tại cuộc họp vào Chủ nhật (2/6). Thỏa thuận có thể sẽ cho phép nhóm này gia hạn một số đợt cắt giảm sản lượng dầu sâu đến năm 2025.

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.759 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 22.519 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.747 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 19.931 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.538 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều ngày 30/5. Trong đó, giá xăng RON 95-III giảm 694 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 giảm 518 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 90 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 29 đồng/lít, giá dầu mazut tăng 25 đồng/kg.

Giá dầu hôm nay (29/5): Dầu thô tiếp đà tăng giáGiá dầu hôm nay (29/5): Dầu thô tiếp đà tăng giá
Giá dầu hôm nay (30/5): Dầu thô quay đầu giảm giáGiá dầu hôm nay (30/5): Dầu thô quay đầu giảm giá
Giá dầu hôm nay (31/5): Dầu thô tiếp tục giảm giáGiá dầu hôm nay (31/5): Dầu thô tiếp tục giảm giá
Giá dầu hôm nay (1/6): Dầu thô tiếp đà giảm giáGiá dầu hôm nay (1/6): Dầu thô tiếp đà giảm giá

Minh Đức