Thị trường khí đốt châu Âu

Gazprom chưa có đối thủ xứng tầm

12:20 | 19/03/2019

1,396 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hai đường ống dẫn khí có quy mô lớn đang được xây dựng tại Biển Đen. Một đường ống được xây dựng bởi Nga, gọi là Turk Stream. Đường ống còn lại xuất phát từ Azerbaijan mang tên Hành lang khí đốt Nam Âu.  

Azerbaijan vẫn ở thế yếu

Khí đốt của Azerbaijan sẽ được vận chuyển đến châu Âu thông qua đường ống khí đốt tự nhiên Trans-Anatolian (TANAP - phân đoạn 2 của Dự án Hành lang khí đốt Nam Âu) và có thể cạnh tranh với khí đốt của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, điều này cũng không thể đe dọa đến vị thế của Gazprom trên thị trường EU - ông Igor Youchkov, chuyên gia thuộc Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga, khẳng định với Đài Sputnik.

gazprom chua co doi thu xung tam
Thi công dự án Hành lang khí đốt Nam Âu

Ông Igor Youchkov cũng cho biết thêm: Đường ống dẫn khí của Azerbaijan đến châu Âu và Italia vẫn chưa thể hoàn thành trước năm 2020. Đó là lý do sẽ không có sự cạnh tranh của Nga với Azerbaijan trên thị trường châu Âu.

Ngoài ra, Hành lang khí đốt Nam Âu chỉ cung cấp được 16 tỉ m3 khí, trong đó có 10 tỉ m3 được đưa đến các quốc gia ở EU, trong khi Nga đã cung cấp trên 190 tỉ m3 khí cho khu vực này vào năm 2017.

Ông Igor Youchkov thậm chí cho rằng, Azerbaijan khó để đạt đến con số 16 tỉ m3 khí. Thực tế, Azerbaijan đang vướng phải rất nhiều trở ngại. Nước này đã ký kết rất nhiều hợp đồng xuất khẩu nhưng sản lượng khí sản xuất lại đang giảm xuống.

Từ cuối năm 2017, Azerbaijan đã phải mua thêm khí đốt của Nga để bù lại con số khí sản xuất sụt giảm. Theo ông Igor Youchkov, trong 6 tỉ m3 khí mà Azerbaijan vận chuyển cho Thổ Nhĩ Kỳ đã có một nửa là của Nga. Điều này rõ ràng đi ngược lại với mục đích ban đầu của Dự án Hành lang khí đốt Nam Âu.

Phân tích khả năng Turkmenistan và Iran sẽ tham gia vào dự án, ông Igor Youchkov cho rằng, điều đó rất khó. Nguyên nhân là sản lượng của cả hai nước này đều không đủ đáp ứng.

Chính phủ Turkmenistan không còn quan tâm vấn đề liên quan đến đường ống dẫn khí đến châu Âu và Trans-Anatolian nữa. Họ đang chuyển hướng cung cấp tất cả khí đốt của mình cho Trung Quốc. Về phía Iran, khí đốt được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhằm phục vụ cho các nhu cầu tại nước này. Mỗi năm Thổ Nhĩ Kỳ nhận được 8 tỉ m3 khí từ Iran. Nhưng tương lai, khi chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, con số đó đang khó có khả năng được duy trì vì Iran không đủ tiền để đầu tư thêm cho các mỏ dầu khí - ông Igor Youchkov tiết lộ.

Nga không hề nao núng

Trong thực tế, dự án ống dẫn khí của Nga có vẻ được ưa chuộng hơn. Vì dù EU có ý định cắt giảm nhập khẩu khí từ Gazprom, nhưng một số quốc gia khác như Bulgaria vẫn quan tâm đến các dự án có thể mang đến khí đốt mà không cần quá cảnh qua Ukraine.

Ông Igor Youshkov cho biết: Sofia luôn mong muốn xây dựng một đường ống dẫn khí lớn đi thẳng đến lãnh thổ của mình. Nhưng dưới áp lực của Ủy ban châu Âu, Bulgaria đã bỏ lỡ dịp tham gia vào Dự án South Stream.

Chính phủ Bulgaria đã bỏ lỡ một cơ hội hiếm thấy, cơ hội có thể mang đến 63 tỉ m3 khí/năm cho quốc gia của mình - ông Igor Youshkov bày tỏ. Lúc này, khi quan sát Nga và các nước châu Âu thực hiện các dự án, Bulgaria không muốn mình đứng ngoài cuộc chơi.

“Sofia thấy rằng Nord Stream 2 sẽ được xây dựng và đây sẽ là tiền đề cho thấy các lợi ích kinh tế khi hợp tác với dự án đường ống dẫn khí của Nga. Quốc gia này cũng bày tỏ mong muốn khi Turk Stream mở rộng khỏi Thổ Nhĩ Kỳ thì có thể đến Bulgaria chứ không phải Hy Lạp”, ông Igor Youshkov nói thêm.

Cũng theo vị chuyên gia Nga, Thổ Nhĩ kỳ sẽ là nước hưởng lợi từ việc quá cảnh khí đốt thông qua đường ống mới. Điều này rất quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vì từ nay, một phần lớn khí đốt của châu Âu sẽ phụ thuộc vào họ. Khí sẽ được vận chuyển qua ống đi xuyên qua lãnh thổ Bulgaria, nhờ đó Sofia sẽ được hưởng lợi từ việc quá cảnh.

Ngày 29-5-2018, lễ khánh thành giai đoạn đầu của TANAP diễn ra tại Azerbaijan. Đến năm 2020, đường ống sẽ dẫn đến Italia và đi ngang Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Albania. Dự án TANAP được cho là sẽ giúp EU giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Đồng thời, Dự án Turk Stream cũng khởi động, xuất phát từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ xuyên qua Biển Đen. Đoạn đầu tiên của đường ống đã được khai thông vào cuối tháng 4-2018. Gazprom cũng đã ký hợp đồng với Ankara về việc xây dựng phần ống nổi trong dự án vào ngày 26-5-2018.

Đường ống dẫn khí của Azerbaijan đến châu Âu và Italia vẫn chưa thể hoàn thành trước năm 2020. Đó là lý do sẽ chưa có sự cạnh tranh của Nga với Azerbaijan trên thị trường khí đốt châu Âu

S.Phương

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps