Gặp những công nhân tỷ phú

12:54 | 09/03/2020

484 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đến thăm Công ty Cổ phần Than Hà Lầm (Quảng Ninh) vào những ngày đầu Xuân mới 2020, tôi đã đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Có rất nhiều điều mới mẻ đang diễn ra ở nơi đây, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi, đó là tôi được gặp mặt những người công nhân mỏ tỷ phú, và họ đều là người dân tộc thiểu số.    

Thu nhập 1 tháng bằng thu nhập 10 năm

Có lẽ mười lăm năm về trước, anh công nhân Nguyễn Ngọc Văn, người dân tộc Tày, chẳng thể tưởng tượng ra cảnh mình có ngày hôm nay, khi thu nhập của anh tại nơi làm việc - Công ty Cổ phần Than Hà Lầm – lên tới hơn ba trăm triệu đồng/năm. Anh đã trở thành người công nhân mỏ tỷ phú vài năm nay, và với hơn 12 năm làm việc miệt mài, tính cho tới thời điểm này, thì tổng thu nhập của người công nhân dân tộc Tày Nguyễn Ngọc Văn đã lên tới con số trên dưới ba tỷ đồng.

gap nhung cong nhan ty phu
Thợ lò Bế Minh Giang - dân tộc Tày - Quê Quảng Nguyên, Cao Bằng biểu diễn tiết mục sáo

Nguyễn Ngọc Văn chia sẻ, trước kia, khi chưa là công nhân, anh ở với gia đình tại Cao Bằng, làm mấy việc lặt vặt nghề nông, thu nhập một năm chưa được ba triệu đồng. Vậy mà nay, thu nhập của anh trong một tháng tại Than Hà Lầm bằng cả mười năm anh làm việc đồng áng tại vùng cao. Điều kiện kinh tế dư dả, anh thừa sức nuôi cả gia đình, hơn nữa, mỗi tuần anh đều về quê thăm vợ con một lần, vượt con đường hơn trăm cây số để đoàn tụ với vợ con, làm vài việc trong nhà, khiến anh rất hạnh phúc.

Trong buổi Lễ gặp mặt gần 300 công nhân lao động là người dân tộc thiểu số nhân dịp đón Xuân Canh Tý, ông Trần Minh Cường - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Công ty Than Hà Lầm đã chia sẻ niềm vui với anh công nhân tỷ phú Nguyễn Ngọc Văn, và gợi ý rằng, trong năm mới 2020, rất nên thành lập câu lạc bộ công nhân tỷ phú và nhóm các công nhân người dân tộc thiểu số. Vấn đề là tìm ra người thủ lĩnh xứng đáng, để cộng đồng công nhân mỏ than người dân tộc thiểu số có thêm những hoạt động vui và hữu ích.

gap nhung cong nhan ty phu
Thợ lò Lý văn Thiên, dân tộc Nùng, sinh năm 1992

Nền tảng hạnh phúc từ nguồn năng lượng than

Quả vậy, khi thu nhập cao, những thợ mỏ tỷ phú này không chỉ có điều kiện cải thiện đời sống kinh tế gia đình, đầu tư cho con cái học tập lên cao, mà còn nâng cao đời sống tinh thần cho bản thân. Những hoạt động thể thao, văn nghệ được anh em thợ mỏ tham gia nhiệt tình. Ngay trong Lễ gặp mặt đón Xuân, những tiết mục văn nghệ do chính thợ mỏ người dân tộc thiểu số biểu diễn khiến tôi xúc động. Đặc biệt, anh thợ mỏ Bế Minh Giang, dân tộc Tày, đã khiến khán giả ngạc nhiên khi cùng lúc có thể biểu diễn với 4 loại nhạc cụ dân tộc, với những bản nhạc, bài hát mang âm hưởng vùng cao đặc sắc. Thực sự anh là một tài năng được phát hiện trong giới thợ mỏ Than Hà Lầm, nhưng cũng phải từ tiền đề kinh tế bản thân vững vàng, sự ổn định công việc và niềm tin chắc chắn vào tương lai, mới có thể khiến người thợ mỏ này thăng hoa, thể hiện năng khiếu nghệ thuật trời phú cho mình được như thế.

gap nhung cong nhan ty phu
Ông Trần Minh Cường - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc công ty than Hà Lầm và công nhân "tỷ phú" Nguyễn Ngọc Văn-dân tộc Tày

Và chính điều khiến tôi thêm thấm sâu về ý nghĩa của lao động, của hạnh phúc khi ngắm nhìn những gương mặt thợ lò Hà Lầm, ở các lứa tuổi khác nhau, đó là sự tin tưởng, an yên vào công việc, vào nơi mình gắn bó, và con đường đi chung của đội ngũ. Hỏi chuyện một thợ lò rất trẻ, tên Lý Văn Thiên, sinh năm 1992, mới qua 4 tháng học nghề thợ lò và vừa trực tiếp làm việc dưới hầm lò gần một tháng, em cho biết “Trong ngày đầu tiên xuống hầm lò làm việc, em thấy hơi khó thở, ngày thứ hai thì cũng mệt, nhưng sau đó, em quen dần với môi trường làm việc, qua mười ngày thì thấy bình thường. Em ăn ngủ tốt, chế độ làm việc và sinh hoạt điều độ nên không có gì lo lắng cả. Bố mẹ em gọi điện đến hỏi em sống có khổ không, thì em đã miêu tả thực tế công việc dưới hầm lò, với nhiều máy móc hiện đại, phương tiện tiên tiến hỗ trợ, công việc không khó khăn nặng nề độc hại như xưa, khiến bố mẹ em khá yên lòng.”

gap nhung cong nhan ty phu
Anh Nguyễn Văn Toản – Chủ tịch Công đoàn Than Hà Lầm

Anh Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Công đoàn Than Hà Lầm, người quê Hải Dương, từng có hai chục năm làm việc dưới hầm lò, chia sẻ “Làm công việc thợ lò ngày nay không còn nặng nhọc và nguy hiểm như xưa. Những rủi ro như túi nước, khí độc, lún đất đã được triệt tiêu nhờ công tác khoan thăm dò nước, hệ thống chống lò, hệ thống tự động cảnh báo khí độc… Nhờ có thu nhập cao, công việc đều đặn, nên Công ty đã thu hút nhiều anh em công nhân là người dân tộc thiểu số, hiện nay chiếm tới 10% số lượng công nhân của Công ty. Anh em cũng nhanh chóng hòa nhập, chịu khó học tập, và lao động cần cù, chăm chỉ, tự nguyện gắn kết với Công ty lâu dài. Nhờ đó, mà trong công tác Công đoàn, không có quá nhiều phức tạp. Khi bất cứ mâu thuẫn nào phát sinh, chỉ cần sự thấu hiểu, giải thích tận tình từ cán bộ Công đoàn, thì anh em sẽ nhanh chóng giải tỏa được khúc mắc, sẵn sàng thay đổi để trở nên tiến bộ hơn, đạt thành tích cao hơn. Do đó, dù xuất thân khác nhau, các dân tộc khác nhau với những nét văn hóa, tập tục khác biệt, nhưng chúng tôi đã tập hợp được anh em thành một cộng đồng gắn kết, chia sẻ, yêu thương nhau và đồng tâm hiệp lực phấn đấu sản xuất đạt thành tích cao nhất.”

Điều cuối cùng mà tôi chú ý, đó là đôi bàn tay anh Toản, và những người công nhân khác, trong lúc họ vui mừng bắt tay nhau, trong lúc họ cùng nhau nâng ly chúc mừng trong buổi Lễ gặp mặt và chia tay để về quê đón Xuân mới cùng gia đình, đó là những lấm tấm màu than ẩn trong làn da họ. Than là hy vọng, là nguồn năng lượng mang lại hạnh phúc, than cũng ngấm trong da thịt, ở lại, như ước nguyện gắn kết lâu dài với than của đội ngũ những người thợ mỏ ấy.

Kiều Bích Hậu