EVN xứng đáng là Anh hùng Lao động

07:00 | 30/09/2015

855 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự ra đời của EVN tháng 11-1994 đánh dấu bước ngoặt trong quá trình đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Là một doanh nghiệp lớn, ngành điện tự cân đối tài chính, hạch toán kinh tế, tự trang trải nhằm bảo toàn, phát triển vốn, đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế.

Trần Viết Ngãi  - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Đánh giá một cách khách quan, trong hơn 60 năm qua, ngành điện đã có những bước phát triển đi theo năm tháng cùng đất nước để phục vụ cho nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Ở đây, cần nhấn mạnh là sau khi kết thúc đường dây 500kV siêu cao áp Bắc - Nam mạch I (1994), EVN mới được thành lập. Kể từ đó đến nay, EVN có những bước chuyển mình rất lớn để đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội vào thời kỳ đổi mới. Sự ra đời của đường siêu cao áp 500kV trước đây là một mốc son lịch sử lớn.

evn xung dang la anh hung lao dong
Ông Trần Viết Ngãic

Trong hơn 20 năm qua, EVN đã đầu tư phát triển hệ thống nguồn, lưới đồng bộ một cách vượt bậc. Nhiều thế hệ lãnh đạo EVN có nhiều cống hiến cho đất nước, nhưng các thế hệ sau này đổi mới tốt hơn, sáng tạo hơn, mạnh mẽ hơn và tư duy tốt hơn đã làm nên nghiệp lớn.

Từ chỗ xây dựng những nhà máy thủy điện như Yaly, Nhiệt điện Phả Lại 2, Nhiệt điện Uông Bí, Nhiệt điện Hải Phòng 1-2, Nhiệt điện Quảng Ninh... đã đưa công suất nguồn điện ngày càng lớn. Đặc biệt, từ năm 2003 đến 2008, EVN đề xuất Chính phủ được phép đặc cách bằng cơ chế 797 để xây dựng hàng loạt các dự án thủy điện với nguyên tắc vừa thu xếp vốn, vừa khảo sát thiết kế vừa thi công xây dựng nhằm phát huy tổng lực các lực lượng xây lắp (kể cả cung cấp 1 phần thiết bị) trong nước. Chỉ trong vòng 4 năm đã xây dựng và hoàn thành trên 40 dự án thủy điện bổ sung vào hệ thống lưới quốc gia hàng chục nghìn MW.

Trước đây, chúng ta chỉ có trên dưới 10.000MW nguồn (từ năm 1980 đến 1985). Đến nay, cả nước đã có tới 37.000MW. Trong đó, EVN đóng vai trò chủ đạo. Các nguồn thủy điện lớn trong cả nước đã được khai thác tối đa, đưa công suất thủy điện của EVN lên trên 20 nghìn MW, chiếm sản lượng điện lên tới 55%.

Trong những năm gần đây, để cung cấp đủ điện cho đất nước nói chung và đặc biệt là phát triển kinh tế đầy sôi động của miền Nam (TP HCM), EVN đã tập trung xây dựng đầu tư nhiều trung tâm điện lực như Vĩnh Tân, Duyên Hải, Ô Môn, Long Phú, Sông Hậu…

Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế ở miền Nam, theo Tổng sơ đồ điện VII, tới 2020 tầm nhìn 2030, EVN còn phải đầu tư rất nhiều dự án xây dựng các nhà máy phát điện. Để đồng bộ với xây dựng các nhà máy điện, EVN đã đầu tư phát triển rất mạnh hệ thống lướt truyền tải như đường dây siêu cao áp mạch 1-2, đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. Đường dây 500kV Lai Châu - Sơn La - Hà Nội, 500kV Hà Nội - Quảng Ninh… và tập trung phát triển lưới 220kV (đường dây và trạm) để đồng bộ giữa nguồn và lưới điện. Mặt khác, EVN đầu tư rất lớn vào việc phát triển lưới phân phối (từ 110kV trở xuống).

Những năm trước, sản lượng điện quốc gia chỉ đạt mức 40-50 tỉ kWh/năm. Những năm gần đây, tổng sản lượng điện quốc gia đã đạt 130-140 tỉ kWh/năm, gấp gần 3 lần. Đây là những thành tựu, những đột phá hết sức đáng ghi nhận. Những năm trước đây, đất nước chúng ta còn thiếu điện, có năm thiếu tới 15-20%, nhưng từ 2012 đến nay, không những EVN cung cấp đủ điện cho kinh tế - xã hội mà còn có điện dự phòng, tiệm cận ở mức 15-20%.

Ngoài việc phát triển lưới và hệ thống đồng bộ nêu trên, EVN đã tập trung phát triển hệ thống điện nông thôn, vùng sâu cùng xa. Đến nay đã đưa được điện về 100% số xã, 98% hộ dân trong cả nước. Con số này nhiều nước trong khu vực chưa làm được. Xét về vị trí quan trọng của các xã đảo, huyện đảo, những năm qua EVN đã chủ động phối hợp với các địa phương, bằng nguồn vốn của chính Tập đoàn đã đưa ra điện thành công ra một loạt đảo như Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Thổ Chu… Bằng áp dụng công nghệ mới, bằng sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, quyết liệt đã đưa cáp ngầm ra biển chỉ xây dựng 1-2 năm là xong 1 công trình. Có điện, vừa phát triển kinh tế, đời sống nhân dân các đảo, vừa đảm bảo quốc phòng an ninh, an ninh quốc gia về biển đảo. Đây là một trong những thành tựu hết sức đáng ghi nhận.

Về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, trong những năm qua EVN đầu tư hằng năm từ 130-140 nghìn tỉ đồng/năm, tương đương với mức đầu tư của ngành giao thông vận tải. Có thể nói, EVN là tập đoàn có tổng mức đầu tư lớn nhất. Mặc dù Chính phủ có hỗ trợ về chủ trương, chính sách, cơ chế, EVN không hề được cấp vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ. Nguồn vốn thu xếp chủ yếu là đi vay. Bằng nhiều cách vận động, dù lợi nhuận của EVN thấp, thậm chí nhiều năm lỗ không đủ vốn đối ứng để đi vay, nhưng EVN đã kịp thời thu xếp các nguồn vốn cho đầu tư phát triển hệ thống nguồn và lưới điện…

Hầu hết các dự án Nhà nước và Chính phủ giao EVN xây dựng đều hoàn thành đúng tiến độ, nhiều dự án vượt tiến độ như Dự án Thủy điện Sơn La có công suất 2.400MW vượt tiến độ 3 năm, làm lợi cho nhà nước hàng tỉ USD. Đây là những thành tựu mà không phải quốc gia nào cũng làm được.

EVN tổ chức sắp xếp lại bộ máy và tái cơ cấu ngành điện, việc ra đời một loạt các tổng công ty như Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, EVN phân cấp mạnh mẽ. EVN NPT đã vận hành hệ thống điện truyền tải an toàn, ổn định, khắc phục nhanh mọi sự cố, mở rộng nâng cấp các trạm 500kW, tăng gấp đôi công suất so với trước đây như trạm Thường Tín, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Phú Lâm, Pleiku… Ngoài ra, EVN NPT còn thu xếp được vốn để xây dựng rất nhiều công trình đường dây và trạm (500kV cũng như 220kV). Việc ra đời 5 tổng công ty điện lực, EVN cũng phân cấp mạnh cho các tổng công ty này, làm cho việc quản lý, vận hành từ 110kV trở xuống cũng như phát triển hệ thống lưới điện này cao gấp bội so với trước. Và đặc biệt là xóa được công tơ tổng, đưa điện về từng hộ gia đình kể cả miền núi, vùng sâu vùng xa. Đây là thành tựu lớn.

EVN đang có hàng trăm nhà máy phát điện, nếu để tập trung như trước đây thì rất khó quản lý. Việc ra đời 3 tổng công ty phát điện (3 GENCO) giúp EVN tự chủ trong quản lý, vận hành, sửa chữa, nâng cấp các nhà máy cũng như trong đầu tư phát triển mới mạnh mẽ hơn nhiều.

Vừa qua, EVN đã cổ phần hóa được một số doanh nghiệp như Thủy điện Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Nhiệt điện Phả Lại và tiếp tục tái cơ cấu nhiều doanh nghiệp khác. Việc sắp xếp lại bộ máy này đánh dấu một bước phát triển lớn, bước đột phá lớn của EVN.

Ngoài một loạt thành tựu lớn nêu trên, EVN còn thực hiện 3 cấp độ thị trường điện: cấp độ một là thị trường phát điện cạnh tranh (đã thực hiện trong 3 năm); đang chuẩn bị triển khai thị trường điện bán buôn cạnh tranh để tiến tới sau 2020 thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Như vậy, EVN sẽ không còn độc quyền mua bán điện như trước đây nữa. EVN đang thực hiện chủ trương tối ưu hóa các chi phí để giảm giá thành điện, minh bạch hóa giá điện và để tăng lợi nhuận hằng năm. Những năm gần đây, EVN đã và đang thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng quốc gia hiệu quả của Chính phủ. EVN đưa ra nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương tiết kiệm điện. Mỗi năm, EVN tiết kiệm 2-3 tỉ kWh/năm. Đây cũng là thành tích đáng ghi nhận.

Đó là những thành tựu, thành quả mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên EVN lao động miệt mài, không quản khó khăn gian khổ, để vừa đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế xã hội, phục vụ đời sống nhân dân và đang trên đà phát triển để đảm bảo đất nước luôn đủ điện và có điện dự phòng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Với những ưu điểm trên, theo quan điểm của tôi, EVN xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

 

Năng lượng Mới 461