EU chưa thể nhất trí cấm vận hoàn toàn dầu của Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh

08:09 | 31/05/2022

688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Reuters, CNBC, Euronews ngày 30/5/2022 đưa tin hôm thứ Hai, các nước Liên minh châu Âu (EU) chưa thể nhất trí cấm vận hoàn toàn nhập khẩu dầu của Nga mặc dù đã mặc cả vào phút chót ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU (hai ngày 30-31/5) tại Brussels, cho thấy cuộc đấu tranh khó khăn nhằm mở rộng các biện pháp cấm vận đối với Nga khi rủi ro kinh tế đối với châu Âu ngày càng tăng. Các nhà lãnh đạo EU đã xác nhận lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga sẽ không bao gồm nhập khẩu dầu qua đường ống.
EU chưa thể nhất trí cấm vận hoàn toàn dầu của Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh
Liên minh châu Âu chưa thể nhất trí cấm vận hoàn toàn dầu của Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh EU. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, dự thảo văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh EU cho thấy các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia Liên minh châu Âu sẽ đồng ý về nguyên tắc lệnh cấm vận dầu mỏ, nhưng sẽ để lại các chi tiết cụ thể và các quyết định cứng rắn cho cuộc họp sau.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết sẽ là thực tế hơn khi mong đợi một thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ trong vài tuần nữa, hy vọng sẽ đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh tiếp theo của EU vào ngày 23-24/6/2022.

EU đã tung ra 5 gói cấm vận chống lại Nga. Nhưng trong nhiều tuần qua, một thỏa thuận về các lệnh trừng phạt dầu mỏ đã tỏ ra khó nắm bắt vì có quá nhiều quốc gia phụ thuộc vào dầu thô của Nga.

Lệnh cấm vận ban đầu được thiết kế để nhằm mục tiêu vào cả nhập khẩu dầu qua đường biển và đường ống dẫn dầu. Nhưng ngay sau đề xuất cấm vận của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, một số quốc gia thành viên, bao gồm Hungary, Slovakia, Séc và Bulgaria, đã đưa ra quan ngại và yêu cầu các ngoại lệ được thiết kế riêng để có thêm thời gian thích ứng cho các nhà máy lọc dầu của họ và giảm bớt tác động kinh tế.

Khoảng 70 đến 85% lượng dầu Nga nhập khẩu vào EU được vận chuyển từ các cảng biển, phần còn lại đến trực tiếp từ đường ống dẫn dầu Druzhba, đường ống lớn cung cấp trực tiếp cho các nhà máy lọc dầu ở Ba Lan, Hungary, Slovakia, Séc và Đức. Các nhà máy lọc dầu này trong nhiều thập kỷ đã quen với nguồn cung của một loại dầu cụ thể của Nga với giá rẻ và đáng tin cậy.

Một quan chức EU dấu tên cho biết một số ngoại lệ tạm thời đã được thông qua để đảm bảo an ninh nguồn cung và EU sẽ quay trở lại đối với những trường hợp ngoại lệ này càng sớm càng tốt.

Miễn trừ cho các thành viên EU nhập khẩu dầu qua đường ống

Dự thảo văn bản xác nhận rằng gói cấm vận thứ sáu của EU sẽ bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu vận tải qua đường biển, và nhập khẩu dầu đi qua đường ống dẫn dầu, cung cấp cho Hungary, Slovakia và Séc, là những nước không có biển, sẽ cấm vận sau.

Việc miễn trừ dầu nhập khẩu qua đường ống được coi là một thắng lợi quan trọng đối với Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người đã mô tả lệnh cấm vận là một "quả bom nguyên tử" về kinh tế đối với Hungary.

Thủ tướng Hungary Orban cho biết Hungary sẽ sẵn sàng ủng hộ một thỏa thuận cấm vận "nếu có các giải pháp cho an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary, nhưng chúng tôi chưa có được điều đó bây giờ".

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU sẽ yêu cầu các nhà ngoại giao và các Bộ trưởng hoàn thiện một văn bản thỏa thuận nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa những nước vẫn khai thác dầu của Nga và những nước bị cắt.

EU chưa thể nhất trí cấm vận hoàn toàn dầu của Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh
Đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga tại Nhà máy lọc dầu Danube của Tập đoàn Hungary MOL ở Szazhalombatta, Hungary, ngày 18/5/2022. Ảnh: Reuters/ Bernadett Szabo.

Một số nội dung thỏa thuận khác đã đạt được

Dự thảo cho thấy các nhà lãnh đạo EU sẽ tìm kiếm các phương cách nhằm kiềm chế giá năng lượng tăng, trong đó có nghiên cứu tính khả thi của việc áp dụng giới hạn giá tạm thời, cắt giảm các thủ tục hành chính để đẩy nhanh năng lượng tái tạo và đầu tư vào việc kết nối các mạng lưới năng lượng quốc gia xuyên biên giới để có thể giúp đỡ lẫn nhau tốt hơn.

Một kết quả hữu hình khác của Hội nghị Thượng đỉnh là thỏa thuận về một gói các khoản vay của EU trị giá 9 tỷ Euro (9,7 tỷ USD), để Ukraine duy trì hoạt động của chính phủ và trả lương trong khoảng hai tháng. Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ ủng hộ việc thành lập một quỹ quốc tế để tái thiết Ukraine sau chiến tranh, với các chi tiết sẽ được quyết định sau.

EU đã đạt được một thỏa thuận rộng rãi về phần còn lại của gói cấm vận, bao gồm việc đưa Ngân hàng Sberbank lớn nhất của Nga khỏi hệ thống SWIFT, cấm các đài truyền hình Nga tham gia EU và thêm các cá nhân vào danh sách bị đóng băng tài sản.Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu cho biết toàn bộ gói cấm vận, bao gồm cả cấm vận dầu mỏ, nên được thông qua trong một lần.

Giá dầu tăng cao hơn

Giá dầu tăng vào chiều thứ Hai khi những người tham gia thị trường theo dõi chặt chẽ triển vọng EU, khối thương mại lớn nhất thế giới, áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Giá dầu thô Brent giao sau chuẩn quốc tế giao dịch cao hơn 1,3% ở mức 120,92 USD/thùng tại London, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giao dịch cao hơn 1,1% ở mức 116,36 USD.

Chuyên gia phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM cho biết: “Do Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế lớn, lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga sẽ gây ra thiệt hại đáng kể về tài chính”./.

Thanh Bình