Đưa hàng Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu

06:50 | 15/12/2020

322 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng, nhưng tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, hàng Việt sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đưa hàng Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Nguyễn Hữu Tín

Ông Nguyễn Hữu Tín - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC): Tận dụng lợi thế của các FTA

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề tới hoạt động giao thương, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Việt Nam lại nổi lên như một “Ngôi sao sáng trên bầu trời Covid-19 tăm tối” với thành tích phòng chống dịch được cả thế giới ghi nhận và đánh giá cao khi GDP 9 tháng năm 2020 tăng trưởng dương 2,12% (thuộc số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng dương); xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2020 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 229,27 tỉ USD; thặng dư thương mại kỷ lục với 18,72 tỉ USD...

Với việc 13 FTA song phương và đa phương đã có hiệu lực, 2 FTA đang đàm phán, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.

Trước những ưu thế đó, ITPC đã và đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế mà các FTA đem lại, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. ITPC đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận sâu và tận dụng tối đa các ưu đãi, mang về lợi ích cho doanh nghiệp và đất nước. Đồng thời, ITPC định hướng xúc tiến và giúp doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu vào các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết FTA bằng các hoạt động: Tổ chức đoàn khảo sát thị trường; tổ chức hội thảo cung cấp thông tin thị trường; tổ chức tham gia các hội chợ trong và ngoài nước; kết nối doanh nghiệp trong nước với hệ thống bán lẻ nội địa và nước ngoài như Big C, AEON, Wellness, Satra, Saigon Co.op...; làm cầu nối đáng tin cậy giúp doanh nghiệp phát triển các hoạt động giao thương thông qua các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon...

Đưa hàng Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Phạm Thiết Hòa

Ông Phạm Thiết Hòa - Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV: Giải pháp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Năm 2019, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt gần 41,3 tỉ USD, chiếm gần 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 3,25% so với năm 2018. Sang năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề của dịch Covid-19, nông, lâm, thủy sản vẫn cho thấy là thế mạnh của Việt Nam, khi tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 30,5 tỉ USD, xuất siêu lên tới 7,2 tỉ USD. Nông sản Việt được xuất khẩu đi rất nhiều thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Nga, Đức, Ấn Độ... với các mặt hàng chủ lực như rau quả, hạt điều, chè, cà phê, gạo, hạt tiêu, cao su...

Tuy nhiên, số liệu điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cho thấy, tỷ trọng nông sản chế biến sâu xuất khẩu của Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 25-30% tổng sản lượng nông sản (bằng một nửa so với các nước ASEAN). Nhiều sản phẩm đạt tỷ lệ rất thấp như rau, quả chỉ đạt 10%, cà phê 4-6%...

Còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giải pháp trước hết là tận dụng lợi thế từ các FTA thế hệ mới. Bởi các FTA này có rất nhiều ưu đãi về thuế quan cho nông sản Việt Nam. Đơn cử như CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, hạt khô...) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm. Hay với EVFTA, EU cam kết sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định đối với sản phẩm từ gạo và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 tấn gạo tấm vào EU hằng năm. Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường EU về các sản phẩm rau quả nhiệt đới rất lớn, vì vậy, cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt Nam vào EU cũng được rộng mở. EU cam kết xóa bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực tới 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả.

Đưa hàng Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng tích cực

Đối với thị trường ASEAN, Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) cũng đem lại nhiều cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt Nam. Bởi lợi thế của thị trường nội khối ASEAN là khoảng cách địa lý gần gũi, không hạn chế phương tiện vận chuyển. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ASEAN là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ hai của Việt Nam. Còn đối với gạo, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN với giá trị 1 tỉ USD, thị trường chính là Philippines.

Để đưa hàng Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến, đa dạng hóa sản phẩm; tăng cường hợp tác kết nối với đối tác trong chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tối ưu hóa hiệu quả của dịch vụ logistics trong xuất khẩu nông sản; xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ thông qua cơ chế liên kết “6 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà băng, nhà sản xuất và nhà phân phối); xây dựng thương hiệu... Đồng thời, cần đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho nông sản Việt; tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân; có cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Hoàng Mai