Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống giảm hơn 60.000 tỷ đồng

13:30 | 31/10/2023

133 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng, tính đến ngày 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính tính đạt 135.945,36 tỷ đồng, giảm hơn 60.000 tỷ so với cuối năm 2022.
Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống giảm hơn 60.000 tỷ đồng
Toàn cảnh hội thảo/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Sáng ngày 31/10, tại Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen" do Hệ sinh thái Thông tin kinh tế VTVMoney, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tính đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với 31/12/2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%.

Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945,36 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống). Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

"So với cuối năm 2022, dư nợ cho vay của 16 công ty tài chính này là trên 200.000 tỷ, nợ xấu cao nhất chỉ 5%. Nhưng đến nay, dư nợ chỉ còn hơn 135.000 tỷ. Như vậy, dư nợ đã giảm trên 65.000 tỷ, nợ xấu bình quân tăng lên 8 - 10%, cá biệt lên tới 20%. Tình trạng hết sức khó khăn", ông Hùng thông tin.

Cũng theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các công ty tài chính đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen, song đến nay hầu như các công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao.

Theo ông Hùng, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook… nhưng không hề bị xử lý.

Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dự nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ).

“Người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng… Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng", ông Hùng cho hay.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng