Dự án Tạp hóa số: Kết nối các cửa hàng tạp hóa thành chuỗi cung ứng

12:19 | 31/07/2021

652 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tạp hóa Số là dự án được xây dựng với mục tiêu gia tăng khả năng cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu bằng mạng lưới cửa hàng tạp hóa.
Cơ hội thúc đẩy kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp bán lẻCơ hội thúc đẩy kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp bán lẻ
Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong kỷ nguyên sốPhát triển thương mại điện tử Việt Nam trong kỷ nguyên số
Dự án Tạp hóa số: Kết nối các cửa hàng tạp hóa thành chuỗi cung ứng

Tạp hóa Số là dự án được triển khai bởi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Liên minh chuyển đổi số (DTS) với mục tiêu gia tăng khả năng cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu bằng mạng lưới cửa hàng tạp hóa. Chương trình được triển khai bởi Chuỗi Tạp hóa Cam và IM GROUP - Hệ thống Học viện Kinh doanh Số để thực hiện liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà cung cấp, đơn vị phân phối, đơn vị giao nhận đến nhà bán lẻ là cửa hàng tạp hóa, phối hợp nhuần nhuyễn giữa kênh trực tiếp - trực tuyến để góp phần đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của mọi người, trong mọi tình huống.

Theo Chủ tịch Liên minh DTS Leon Trương Gia Bảo chia sẻ, thời gian đầu, Liên minh DTS cũng đã làm việc với VECOM để đưa ra các giải pháp để hỗ trợ các tiểu thương tại chợ bán hàng, tuy nhiên các hình thức này chưa đáp ứng kịp thời khi tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến khó lường. Trước đây, cửa hàng tạp hóa bán lẻ chịu tải từ 70 - 75% sức mua, vì vậy tạo nên áp lực lớn cho chuỗi cung ứng khi hệ thống này dừng hoạt động. Việc sử dụng chuỗi cửa hàng tạp hóa tham gia chương trình tạp hóa số, trước mắt để giải quyết bài toán phục hồi chuỗi cung ứng mùa dịch, mục tiêu lâu dài sẽ phát triển thành hệ thống cung ứng hiện đại, vận hành tối ưu.

Về kế hoạch triển khai dự án tạp hóa số gồm 4 nội dung chính gồm: Tạp hóa số sẽ kết nối và cung cấp hàng hóa đa dạng gồm rau, củ, quả và nhu yếu phẩm cần thiết cho cửa hàng tạp hóa; cung cấp các ứng dụng công nghệ trong bán hàng và đặt hàng. Với hình thức kinh doanh cũ, nhân viên kinh doanh sẽ đến từng cửa hàng để thống kê số lượng hàng cần cung cấp cho tạp hóa, nhưng với ứng dụng đặt hàng và bán hàng online sẽ đảm bảo các yêu cầu mùa dịch.

Triển khai tổ chức các chương trình tập huấn bán hàng online, bán hàng trên các kênh mạng xã hội và hướng dẫn chăm sóc khách hàng cho các chủ cửa tiệm tạp hóa; và triển khai các giải pháp cho nhà cung cấp và nhà phân phối, cung cấp miễn phí hệ thống quản lý kho, giao hàng và đặt hàng. Đồng thời, chương trình thực hiện kết nối bán hàng với mạng lưới tạp hóa số và đào tạo chuyển đổi số.

Mục tiêu kỳ vọng của dự án là lan tỏa sứ mệnh và thông điệp từ dự án đến tất cả chủ cửa hàng tạp hóa. Tháng 9/2021, thực hiện chuyển đổi số và triển khai trên chuỗi 2.000 cửa hàng tạp hóa tại khu vực TP HCM; và sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng đến các tỉnh thành khác trên khắp cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Nẵng. Đến tháng 12/2022, phát triển đồng loạt trên toàn quốc, ưu tiên theo tỷ lệ 70% tạp hóa khu vực thành thị, 30% tạp hóa khu vực nông thôn.

Có thể nói, tạp hóa là kênh phân phối tiềm năng để giải quyết các vấn đề bất cập hiện tại, ứng dụng công nghệ mang nhu yếu phẩm đến gần người dân hơn. Chương trình kêu gọi sự tham gia của tất cả các cửa hàng tạp hóa, các nhà phân phối và nhãn hàng, đối tác trên địa bàn TP HCM tham gia từ ngày 1/8/2021.

Phú Văn