Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Quyết tâm cán đích vào đầu 2016

09:33 | 04/04/2015

512 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần thúc tiến độ, nhưng Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn chậm do năng lực Tổng thầu Trung Quốc yếu kém, không thực hiện đúng cam kết.

Tại buổi họp báo sơ kết quý I/20145 diễn ra vào chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, từ nay đến ngày 31/12/2015 cơ bản xong phần hạ tầng cơ sở đối với Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Nhưng vẫn phải lùi mốc hoàn thành sang quý I/2016 vì phụ thuộc vào chế tạo tàu điện.

"So với hợp đồng ký kết đã chậm gần 2 năm và tiến độ điều chỉnh phải lùi về cuối 2015. Mặc dù Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo quyết liệt, nhưng thực tế dự án gặp nhiều khó khăn do năng lực nhà thầu, điều hành của ban quản lý dự án, giải phóng mặt bằng...” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Để dự án cán đích đúng thời hạn điều chỉnh, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Công ty hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) phải bổ sung đội hình nhân sự từ Tổng Giám đốc điều hành tới nhân sự về quản lý liên quan, kỹ thuật, an toàn, chất lượng… để đáp ứng dự án này không chậm. Phía Trung Quốc đã đồng tình với quan điểm của Bộ. Sắp tới, Công ty hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc sẽ tăng cường về năng lực, trang thiết bị và giải pháp thi công để đẩy nhanh tiến độ.

Đề cập đến công tác thanh toán của Tổng thầu EPC cho các đơn vị thầu phụ còn rất chậm trễ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng thầu phải đáp ứng khối lượng thanh toán cho các nhà thầu phụ xấp xỉ 300 tỉ đồng. Phía Trung Quốc cam kết đến nay đã chuyển trên 100 tỉ đồng và nhà thầu đã có dấu hiệu tích cực trong thi công.

Về nhà ga mẫu, vị lãnh đạo này cho biết, trong tháng 4/2015 sẽ tập trung hoàn thiện xong khâu thiết kế kỹ thuật và dự toán, đồng thời hoàn thành nhà ga mẫu tạo điều kiện cho nhân dân thăm quan và đóng góp ý kiến.

Liên quan đến việc tổng mức đầu tư dự án phải điều chỉnh, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, tuyến đường sắt này trước đây vốn đầu tư hơn 500 triệu USD nhưng hiện tại đã phải "đội" thêm 200 triệu USD. Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục rà soát tăng ở hạng mục nào và đâu là nguyên nhân để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng vốn để làm cơ sở đàm phán với Ngân hàng Eximbank Trung Quốc vay vốn bổ sung. Được biết, phía Eximbank đã thấy được nguyên nhân tăng vốn và yêu cầu phải tiêu hết số tiền đang có từ nay đến cuối năm sau đó mới tiếp tục đàm phán. Hiện, dự án mới giải ngân được 60%.

T.Minh (tổng hợp)