“Đồng phục” taxi và nỗi lo mất thương hiệu

08:49 | 13/09/2017

1,008 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc thống nhất màu sơn chung cho xe taxi được xem là đề xuất mới góp phần xây dựng hình ảnh thủ đô văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, ý tưởng này đang bị phản đối do đụng chạm đến quyền lợi của nhiều doanh nghiệp...  

Triệt tiêu thương hiệu

Tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều 29-8, ông Hà Quang Huy - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, từ năm 2018 Hà Nội sẽ lấy ý kiến để thống nhất thiết kế màu sơn chung cho xe taxi hoạt động trên địa bàn. Từ năm 2019 đến 2024, xe taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung. Từ năm 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn toàn thành phố.

Trước thông tin này, nhiều doanh nghiệp taxi lo ngại việc thống nhất màu sơn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vốn đang trong giai đoạn khó khăn. Bởi màu sơn vốn từ lâu đã mặc định là nhận diện thương hiệu của rất nhiều hãng lớn, việc phải cùng chung một màu sơn với nhiều hãng taxi nhỏ với họ được xem là sự thiệt thòi không đáng có.

dong phuc taxi va noi lo mat thuong hieu

Chia sẻ với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Hồ Quốc Phi - Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc nói: “Đối với Mai Linh, việc đồng nhất màu sơn chung cho taxi hoạt động ở Hà Nội sẽ là một tổn thất rất nặng nề. Bởi vốn dĩ màu xanh Mai Linh đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, khách hàng luôn chọn thương hiệu Mai Linh bởi vì màu xanh môi trường, màu xanh sự sống và màu xanh an toàn thông suốt của giao thông. Để xây dựng nên thương hiệu, Mai Linh đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc, nhân lực và hơn 24 năm mới xây dựng nên. Đó là chưa kể đến việc phải sơn lại hàng ngàn chiếc ôtô sẽ phải chi một khoản tiền không nhỏ, phải dừng kinh doanh”.

Đại diện một hãng taxi khác ở Hà Nội cũng cho rằng, cần phải cân nhắc thiệt hơn, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ các bên, có lộ trình và thời điểm triển khai thích hợp. Cơ quan chức năng nên đối thoại với doanh nghiệp, chia sẻ quan điểm và sau khi hai bên thống nhất rồi mới triển khai.

Vì lợi ích của thủ đô

Đánh giá về dự thảo đồng nhất màu sơn cho taxi hoạt động ở thủ đô, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ việc đồng nhất màu sơn cho taxi, bởi điều này không chỉ làm đẹp cho thủ đô mà còn là biểu hiện của sự văn minh và hiện đại mà chúng ta đang hướng tới. Trên thế giới, nhiều quốc gia họ đều có một màu sơn thống nhất cho taxi. Họ xác định taxi là một loại hình vận tải công cộng. Không chỉ vậy, nó còn liên quan đến việc quản lý về an ninh, trật tự công cộng, tăng khả năng tương tác, giao lưu giữa taxi và khách hàng”.

Nhận định khó khăn lớn nhất của dự thảo đến từ những cái “lắc đầu” không đồng tình phía doanh nghiệp, ông Bùi Danh Liên phân tích: “Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn do loại hình taxi công nghệ đang chiếm thị phần rất lớn. Bản thân các hãng cũng lo ngại những chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện dự thảo. Đưa ra những giải pháp quản lý mới trong thời điểm hiện nay rõ ràng nó sẽ đụng chạm đến quyền lợi của lái xe, của các doanh nghiệp taxi. Chính những đụng chạm đó khiến các doanh nghiệp có những ý kiến trái chiều mà đa phần là họ không tán thành”.

Cũng theo ông Bùi Danh Liên, đối với taxi, thương hiệu chính đến từ logo, phù hiệu. Do vậy, không thể quy hết cho màu sơn xe và xem đó là đại diện của hãng. Riêng ở Hà Nội có đến hơn 80 doanh nghiệp taxi khác nhau, lấy màu sơn mà quy cho đó là thương hiệu là vô lý. Trên thực tế còn tồn tại việc mua bán lốt xe, nếu dự thảo thống nhất màu sơn được thông qua thì tình trạng này chắc chắn khó có thể tiếp diễn bởi thị trường taxi sẽ bão hòa, đồng nghĩa với vấn đề lợi ích nhóm khó có thể duy trì.

Đề xuất giải pháp, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Chúng ta cần một lộ trình chi tiết, xây dựng phương án bền vững làm sao đến năm 2025 Hà Nội có một màu sơn chung dành cho xe taxi. Bên cạnh đó, cần thông tin đến người dân và doanh nghiệp để nhận được sự đồng thuận trong xã hội. Trước hết nên lấy ý kiến các doanh nghiệp, chính những người bị điều chỉnh. Nếu các doanh nghiệp không đồng tình, cơ quan thực thi phải giải thích lý do để thuyết phục. Xin ý kiến của chuyên gia, các tổ chức chính trị - xã hội để nhận được sự đồng thuận. Cần xem xét một cách cẩn trọng và đặt lợi ích chung của thủ đô lên trên hết”.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn thủ đô có 77 hãng taxi với hơn 19.000 xe, vận chuyển 110 triệu lượt hành khách/một năm, đáp ứng 2% nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đinh Hương - Xuân Hinh