Đói nghèo cũng bắn pháo hoa!

07:19 | 22/01/2016

2,755 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dịp tết Bính Thân này, những tỉnh, thành phố khá giả, có điều kiện kinh phí để tổ chức bắn pháo hoa đã đành; những tỉnh nghèo còn đang xin trợ cấp gạo cứu đói cho dân ăn tết mà cũng bắn pháo hoa thì lạ thật! Đúng là đói nghèo còn học làm sang!
doi ngheo cung ban phao hoa

Nghệ An là tỉnh đông dân lại chủ yếu là miền núi, vừa được Chính phủ phân bổ hơn 3.600 tấn gạo cứu đói cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Tỉnh có hơn 241.000 nhân khẩu được hỗ trợ gạo, mức hỗ trợ 15kg/người/tháng, thời gian 1 tháng.

Những địa phương có người dân được cấp gạo cứu đói nhiều như huyện miền núi, biên giới Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Con Cuông, Quế Phong, Tương Dương…

Dịp tết Ất Mùi năm ngoái và vụ giáp hạt năm 2015, Nghệ An cũng từng được Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hơn 5.400 tấn gạo cứu đói.

Thế mà Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường lại ký quyết định số 201/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo bắn pháo hoa mừng Xuân Bính Thân 2016. Nói là huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa nhưng một quan chức của Nghệ An nói rằng, “có nguồn xã hội hóa nhưng không đáng kể, chủ yếu trích từ ngân sách tỉnh”.

Dân thuộc diện nghèo đói còn nhiều như thế thì sao tỉnh không dành số tiền dự chi 500-600 triệu bắn pháo hoa hỗ trợ cho dân ăn tết? Một tỉnh có hơn 3 triệu dân, diện tích quá rộng lớn như Nghệ An mà bắn pháo hoa thì cũng chỉ phục vụ cho một số cán bộ và nhân dân ở thành phố Vinh, còn 90% dân số của tỉnh làm sao được thưởng thức pháo hoa!

Ở tỉnh Cà Mau, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cũng ký công văn vận động các doanh nghiệp, đơn vị trong huyện đóng góp tiền để tết này bắn pháo hoa chơi, trong đó ấn định cụ thể mức đóng góp, xem như một chỉ tiêu.

Đáng chú ý là văn phòng lại đóng dấu “KHẨN” vào văn bản này và qui định thời hạn phải đóng góp. Huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng; Công an, Ban chỉ huy quân sự và Chi cục thuế được giao mỗi đơn vị 5 triệu đồng; thị trấn Thới Bình 10 triệu đồng; các xã trực thuộc 5 triệu đồng.

Kinh phí dự trù để bắn pháo hoa khoảng 200 triệu đồng.

Tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều cán bộ, công nhân viên chức ở thị xã Hồng Ngự đang bức xúc khi bị UBND thị xã “buộc” phải đóng một ngày lương để phục vụ chương trình bắn pháo hoa tết. Ông Nguyễn Hùng Tráng - chủ tịch UBND thị xã Hồng Ngự đã ký văn bản ban hành kế hoạch về việc vận động kinh phí bắn pháo hoa mừng xuân 2015.

Tất cả cán bộ, công chức, viên chức (kể cả hợp đồng thời vụ) các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp ở các ngành; lực lượng vũ trang; cán bộ giáo viên, công nhân viên từ các trường mầm non đến các trường THPT, trung cấp nghề, giáo dục thường xuyên...; trung tâm y tế, các trạm trại, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự; cán bộ công chức, viên chức các cơ quan đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn... cùng cán bộ các tổ chức đoàn thể ở các xã, phường phải đóng góp ít nhất một ngày lương để lấy kinh phí bắn pháo hoa.

Hạn đến hết ngày 15-12, các đơn vị phải gửi tiền mặt về phòng tài chính kế hoạch. “Riêng đối với cán bộ lãnh đạo từ cấp phó trở lên, ngoài mức đóng góp như các cán bộ công nhân viên chức thì phải có trách nhiệm gương mẫu đóng góp thêm ít nhất 50% ngày lương của mình”.

Miền núi phía bắc có huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) cũng huy động tiền để tổ chức bắn pháo hoa vào dịp Tết Nguyên đán tới đây. Để có tiền cho chương trình này, UBND huyện Bắc Quang đã ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan, và người dân trên địa bàn phải nộp tiền để phục vụ chương trình. Trong khi dân còn nghèo; nhiều cây cầu, đường sá không có; nhiều thôn bản không có điện, nhiều hộ thiếu gạo ăn, còn chưa biết có tết hay không.

Đã không có tiền ăn tết, thiếu đến cả bát gạo để cứu đói nghĩa là người dân đang rất cơ cực, còn thiết gì đến pháo hoa. Mà bắn pháo hoa thì chỉ ở khu vực trung tâm thành phố hoặc huyện, chỉ quan chức và một số người dân ở đó được xem chứ phần lớn bà con nghèo khó ở xa trung tâm thì cả đời cũng không biết pháo hoa là gì.

Dân địa phương còn khổ như thế thì các quan chức vẫn tổ chức bắn pháo hoa, không biết các quan chức này nghĩ gì. Chẳng lẽ cứ phải có pháo hoa thì địa phương mới oai. Mà tiền bắn pháo hoa lại rút từ nguồn ngân sách nữa là vi phạm quy định của Chính phủ.

Bởi từ tháng 3 năm 2015, Bộ Tài chính đã có công văn tới các tỉnh, thành phố đề nghị không sử dụng nguồn ngân sách để bắn pháo hoa và các ngày lễ, kỷ niệm lớn trong năm 2015. Nếu không huy động đủ kinh phí, các tỉnh, thành phải tiết giảm số điểm bắn không cần thiết hoặc giảm thời lượng để tiết kiệm.

Trên thì quy định thế nhưng dưới vẫn vô tư xài tiền công. Nên chăng, Nhà nước phải có biện pháp mạnh để xử lý những quan chức địa phương tiêu tiền ngân sách sai mục đích ấy!

Đức Toàn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc