Đôi điều suy ngẫm từ dự án NMNĐ Thái Bình 2
| PVN sẵn sàng chịu trách nhiệm về vốn và vận hành NMNĐ Thái Bình 2 |
Trước tiên phải khẳng định dự án xây dựng NMNĐ Thái Bình 2 có vai trò cực kỳ quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia. Nhà máy có quy mô vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD, nếu đưa vào vận hành, hằng năm sẽ sản xuất được khoảng 7 tỉ kWh điện thương phẩm. Dự án có vai trò “đặc biệt quan trọng” khi nó có thể hoàn thành vào đúng thời điểm toàn bộ hệ thống điện quốc gia trong những năm tới đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại buổi kiểm tra tiến độ dự án NMNĐ Thái Bình 2. |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, từ năm 2021-2025 nước ta chắc chắn sẽ thiếu điện. Cụ thể, theo dự báo và tính toán của EVN, năm 2021 sẽ thiếu khoảng 6 tỉ kWh điện, đến năm 2022 sẽ thiếu 11,8 tỉ kWh điện…
Phát biểu tại buổi kiểm tra tiến độ dự án NMNĐ Thái Bình 2 vào ngày 23/7, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: “Nếu thiếu 1kWh điện, bắt buộc phải sử dụng máy phát điện chạy dầu thì nhà nước sẽ phải mất chi phí khoảng 5.000 đồng. Bởi vậy, nếu dự án này không thể đưa vào sản xuất, phải đổ dầu vào các nhà máy điện chạy dầu diesel thì năm 2021 sẽ mất chi phí khoảng 35 ngàn tỉ đồng, năm tiếp theo sẽ mất khoảng 65 ngàn tỉ đồng. Nếu dự án NMNĐ Thái Bình 2 (có tổng mức đầu tư khoảng 42 ngàn tỉ đồng) được đưa vào sản xuất, không chỉ nhà nước không phải bù đắp tiền để phát điện bằng dầu mà còn có nguồn bù đắp đảm bảo đủ điện phát triển sản xuất trong năm 2021 và giảm lượng điện thiếu hụt cho những năm sau”.
Như vậy, chỉ cần tính toán và so sánh sơ bộ đã thấy rõ hiệu quả kinh tế từ dự án NMNĐ Thái Bình 2. Ấy vậy nhưng chuyện đưa dự án về đích vẫn đang dừng lại ở điểm “có thể”. Trong khi từ chủ đầu tư, tổng thầu đến các nhà thầu tham gia dự án don góp từng đồng, những người lao động chân chính nỗ lực bám trụ tại dự án đang tự động viên lẫn nhau để hoàn thành từng hạng mục nhỏ nhất với mục đích chung là đưa dự án về đích thì dường như một số bộ ngành liên quan vẫn dửng dưng trước "số phận" của hàng chục ngàn tỉ đồng thiết bị, máy móc đang nằm chờ.
Hơn thế nữa, trong khi Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đều có công văn chỉ đạo nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho dự án thì sự thực là những kiến nghị liên tục của chủ đầu tư, tổng thẩu từ năm 2017 đến nay (5 lần), cùng hàng chục cuộc thanh kiểm tra, lấy ý kiến trực tiếp lãnh đạo địa phương, các nhà thầu… cho đến nay vẫn chưa tháo gỡ được một vướng mắc nào.
Các nhà thầu tại dự án NMNĐ Thái Bình vẫn đang nỗ lực bám trụ hướng tới mục tiêu hoàn thành nhà máy vào cuối năm 2020. |
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 cho đến nay đã đạt gần 85% tổng tiến độ. Trong đó toàn bộ các thiết bị máy móc chính, hệ thống phụ trợ đã gần như hoàn tất. Giờ chỉ còn các hạng mục nhỏ cần hoàn thiện, tiếp đến là công đoạn chạy thử bằng dầu và phát điện thương mại.
Là lãnh đạo Bộ Công Thương có nhiều năm theo dõi dự án, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thẳng thắn nhấn mạnh việc cần tháo gỡ là cơ chế tài chính cho dự án: “Tôi cho rằng cái khó lớn nhất của dự án là về vốn. Trước đây cơ cấu vốn là 30-70. Trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, còn lại 70% là vốn vay. Giờ phương án huy động vốn khác đi thì phải báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Tôi tin rằng Thủ tướng sẽ sớm có quyết định thay đổi cơ cấu vốn của dự án này, không để phát sinh thêm chi phí cho dự án, bởi chúng ta chần chừ mỗi năm sẽ “mất” hơn 35 ngàn tỉ đồng”!
Theo thống kê của Bộ Công thương, trong số 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. |
Thành Công