Đôi bàn tay ấy

11:37 | 28/05/2020

1,064 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Viết nhân Tháng Công nhân để tặng đôi tay rám nắng, đầy vết hằn theo thời gian của người công nhân Mạc Thanh Toàn và những người thợ điện trong những ngày hè oi nồng khắc nghiệt của miền Trung…
Đôi bàn tay ấy
Anh Toàn kiểm tra công tơ trong kho trước khi bàn giao cho đồng nghiệp vào mỗi buổi sáng

Tiếng búa máy gõ trên thanh xà sắt vang lên từng nhịp đều đều trong xưởng gia công cơ khí. Kho chứa công tơ điện nằm kế bên đã tỏ đèn từ 7 giờ sáng. Cần mẫn như những chú ong thợ tới lui lấy mật ngọt trên những nhụy hoa còn ẩm sương mai, đôi tay anh Mạc Thanh Toàn – công nhân tổ Quản lý đo đếm của Điện lực Liên Chiểu (PC Đà Nẵng) sớm nào cũng bận rộn kiểm đếm, vận chuyển tới lui mấy chục công tơ điện trên những chiếc xe đẩy tự đóng. Đôi bàn tay nhiều nếp nhăn ấy của anh đã phục vụ công tác sản xuất kinh doanh tại đơn vị trong nhiều năm qua, thật lặng lẽ và đều đặn như nhịp thời gian trôi.

Trong một lần khuân mấy chồng hồ sơ cao nghều sang phòng làm việc mới, tôi đã được mấy anh em trong tổ giới thiệu xuống mượn chiếc xe đẩy của anh Toàn. Cứ như vậy, tôi có cơ duyên trò chuyện và hiểu về người anh lớn tuổi. Tốt nghiệp trường điện Nguyễn Văn Trỗi từ năm 1987, anh Toàn sớm gắn bó với âm thanh ầm ĩ của những chiếc máy phát điện chạy dầu trong phân xưởng nhà máy điện Liên Trì ngay từ khi ra trường. Anh phụ trách việc vận hành máy phát điện suốt 10 năm đầu công tác ở ngành điện, rồi đảm nhận công việc của người lính đường dây cao thế thường xuyên vắt vẻo trên không trung những năm sau đó. Sau những năm tháng cống hiến, khi đã luống tuổi, anh Toàn lại lui về làm hậu phương cho lớp công nhân trẻ ở điện lực với công việc quản lý kho.

Đều đặn hàng ngày, các công tơ được người quản lý kho ấy tập kết tại sân, sẵn sàng cho công nhân thao tác ngoài hiện trường. Xong việc, anh lại mang công tơ đến trung tâm thí nghiệm để kiểm định chất lượng theo yêu cầu khách hàng, rồi loay hoay dọn dẹp vệ sinh kho, sắp xếp công tơ điện, TU TI gọn gàng ngăn nắp theo từng chủng loại 1 pha hay 3 pha, 1 giá hay 3 giá, mã chủng loại để khi cần là có. Công việc lặng thầm của anh thoạt nhìn cứ ngỡ như giản đơn, nhàm chán giữa nhịp công việc hối hả của đồng nghiệp. Song, nếu thiếu đi bàn tay sắp xếp tỉ mỉ ấy, guồng quay công việc sẽ không thiếu lúc chậm lại; trái ngược hẳn với cái sôi nổi, chặt chẽ vẫn thấy thường ngày trong sự phối hợp nhịp nhàng của anh cùng các anh em công nhân điện lực. Rồi cả những ngày bão lũ, những dịp lễ Tết, mỗi khi có sự cố khách quan, anh Toàn vẫn nhanh nhẹn có mặt tại đơn vị, kịp thời xuất vật tư phục vụ công tác xử lý sự cố, khôi phục dòng điện nhanh chóng phục vụ người dân.

Vóc người nhỏ cùng giọng nói hết sức ấm áp, anh Toàn trước nay vốn là người không hay nhờ vả người khác mà luôn muốn tự mình làm tất cả công việc được giao. Bởi không thể vác một lúc mấy chiếc công tơ điện như lớp công nhân trẻ, anh Toàn đã đóng nhiều chiếc xe đẩy hàng để dễ dàng xếp công tơ lên và vận chuyển ra vào kho. Sức khỏe không còn dẻo dai như trước, anh Toàn lại càng cố gắng nhiều hơn. Đầu ngày, anh luôn đến cơ quan thật sớm để bắt tay vào công việc, đảm bảo tiến độ chung của cả tổ. Thấy đồng nghiệp những lúc công tác hiện trường vào mùa mưa phải mang giày sũng nước, anh Toàn lại cặm cụi đóng kệ giày từ những thanh gỗ pallet. Nhờ tấm lòng ấy, mọi người đã có kệ giày nhỏ để luân phiên thay đôi giày mới khô thoáng vào chân và tiếp tục với công việc một cách thoải mái. Sự quan tâm, lắng nghe của anh Toàn như người anh lớn dành cho gần 15 công nhân trẻ trong tổ quản lý đo đếm, giúp các anh em có niềm vui tinh thần sau những giờ căng thẳng, mệt nhoài trong công việc.

Nhấp ngụm nước trà, quệt vội mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt hiền lành, anh Toàn nói chuyện cùng tôi vài câu rồi lại tiếp tục sắp xếp mấy trăm công tơ mới nhận về vào trong kho. Cứ thế, từng chiếc công tơ nằm ngay ngắn trên kệ sắt như hàng sách mới tinh thơm mùi giấy trong kho của mỗi thư viện. Có điều, “thư viện” công tơ của anh Toàn lại nóng bức và trộn lẫn nhiều mùi vị khác nhau - mùi nhựa mới, mùi mồ hôi trong sự cần cần lao của người công nhân đã có mấy mươi năm gắn bó cùng ngành điện. Và bây giờ, dù tuổi đã cao, anh Toàn vẫn nỗ lực bằng hết sức mình để góp vào thành công chung của đơn vị theo một cách riêng – miệt mài và thầm lặng nhất.

Tiêu chí gọn gàng, ngăn nắp và theo thứ tự luôn là ưu tiên hàng đầu của anh Toàn mỗi khi xếp đặt vật tư điện kế trong kho. Được đưa vào áp dụng tại PC Đà Nẵng, những hướng dẫn chi tiết và khoa học của bộ tiêu chí 5S hơn một năm qua đã hỗ trợ anh rất nhiều trong việc sắp xếp công tơ khoa học và bài bản hơn. Hết gia cố lại những chiếc xe đẩy thân thuộc, anh Toàn lại tỉ mẩn dán nhãn nhiều màu lên từng kệ sắt để phân biệt chủng loại vật tư, đặc biệt là công tơ theo từng chủng loại.

Hình ảnh người công nhân áo cam ngày đêm “chăm sóc” cột điện, đường dây đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nhưng, lặng lẽ và khiêm nhường, nụ cười của “hậu phương”, những người đứng phía sau như anh Toàn khi nhận tin báo công tác sửa chữa đã thành công lại là hình ảnh thân thuộc và thân thương trong cuốn phim kí ức của chúng tôi, những đồng nghiệp trẻ bên cạnh người thủ kho ấy mỗi ngày.

Anh Toàn vẫn thường đùa, mấy tháng nữa về hưu thể nào anh cũng nhớ lắm cái kho điện kế nhiều mùi vị, nhiều màu sắc của giấy note mà chú đã gắn bó. Niềm vui giản dị ấy hiện lên trong ánh mắt của người thủ kho đứng tuổi, như cây bàng trước sân điện lực, mùa xuân mang bóng mát cho người từ những tán lá xanh mướt, còn mùa thu khi thay sắc lá cam là nơi trú ngụ, làm tổ của muôn loài. Bàn tay người công nhân điện là như thế, dẫu là lúc tuổi trẻ nhiều linh hoạt hay khi luống tuổi da lấm tấm đồi mồi vẫn nhiệt thành cống hiến dù cách này hay cách khác, lấy sự chảy trôi của dòng điện trên mỗi “cung đàn” đường dây là niềm vui, niềm hân hoan hơn hết thảy mọi điều…

Minh Hải – Minh Long (EVNCPC)