Doanh nghiệp than nỗ lực thu hút và giữ chân thợ lò

17:16 | 13/12/2022

150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những năm gần đây, công tác tuyển sinh, đào tạo công nhân kỹ thuật nghề mỏ hầm lò gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với nhiều ngành nghề khác. Bởi vậy, các doanh nghiệp khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải nỗ lực thu hút và giữ chân thợ lò.
Doanh nghiệp than nỗ lực thu hút và giữ chân thợ lò
Hội nghị gặp mặt đối thoại đối với 45 công nhân khai thác hầm lò người dân tộc thiểu số của Công ty Than Mạo Khê

Công ty Than Dương Huy - TKV đang thực hiện nhiều giải pháp tuyển sinh nghề mỏ hầm lò. Vừa qua, công ty đã làm việc với Huyện ủy Mường Khương (tỉnh Lào Cai) nhằm cung cấp một cái nhìn khách quan, chân thực về tình hình sản xuất kinh doanh, cơ sở vật chất hiện có của công ty, đặc biệt là môi trường làm việc thực tế trong hầm lò, các chế độ phúc lợi, tiền lương, tiền thưởng đang áp dụng đối với thợ mỏ... Từ đó, người dân địa phương tích cực và tự nguyện tham gia làm việc trong ngành than. Đây là bước chuẩn bị cần thiết cho công tác tuyển sinh nghề mỏ hầm lò năm 2023.

Năm 2022, Công ty Than Dương Huy là một trong số các doanh nghiệp dẫn đầu vùng Cẩm Phả về năng suất lao động và thu nhập cho thợ lò, bình quân đạt trên 24 triệu đồng/người/tháng. Từ những giải pháp đó, năm 2022, chỉ tính đến hết tháng 10, công ty đã tuyển được 252 công nhân nghề mỏ hầm lò, đạt 101% kế hoạch năm.

Vừa qua, tại thành phố Hạ Long, Công ty Than Mạo Khê đã tổ chức hội nghị đối thoại với 45 công nhân khai thác hầm lò người dân tộc thiểu số. Mở đầu buổi gặp mặt, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Than Mạo Khê Nguyễn Văn Tuân nhấn mạnh, công ty luôn quan tâm đến người lao động là người dân tộc thiểu số và nhận thấy từ những miền quê xa xôi thoát ly gia đình đi làm việc tại vùng mỏ, người lao động sẽ không tránh khỏi những khó khăn trong công việc, cuộc sống. Với mong muốn nắm bắt, giải tỏa tâm lý cho những công nhân người dân tộc thiểu số, cuộc đối thoại là dịp để lãnh đạo công ty lắng nghe, tiếp thu và giải đáp những ý kiến, thắc mắc từ điều kiện ăn ở, đi lại đến việc hòa nhập với công việc của người lao động để từ đó có giải pháp điều chỉnh kịp thời, giúp cho mỗi công nhân lao động đến từ mọi miền quê trên đất nước sớm hòa nhập với ngôi nhà chung Công ty Than Mạo Khê.

Doanh nghiệp than nỗ lực thu hút và giữ chân thợ lò
Kỳ thi nâng bậc thợ công nhân kỹ thuật Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả

Trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cởi mở, lãnh đạo công ty đã lắng nghe, đón nhận 16 ý kiến đóng góp, trao đổi từ 11 đại biểu. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề như: Điều kiện, môi trường làm việc, chế độ chính sách với những công nhân có quê xa, phải đi lại trong những dịp lễ tết; điều kiện sinh hoạt của các hộ gia đình trong khu tập thể; việc nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; chất lượng vật tư thiết bị, trang phục bảo hộ lao động...

Với cách tiếp xúc gần gũi, trao đổi thân mật của lãnh đạo Công ty Than Mạo Khê, buổi đối thoại đã để lại rất nhiều ấn tượng cho các công nhân tham dự. Đặc biệt, thông qua việc trao đổi, các công nhân đều đánh giá cao việc trong những năm vừa qua, công ty đã có nhiều chính sách thiết thực, quan tâm đến người lao động, trong đó có không ít công nhân người dân tộc thiểu số đã xác định gắn bó, cống hiến lâu dài cho sự phát triển của công ty.

Giám đốc Công ty Than Mạo Khê Nguyễn Văn Tuân ghi nhận và biểu dương những đóng góp quý báu của đội ngũ người lao động từ những miền quê hương xa xôi đã đến và trở thành những thành viên của ngôi nhà chung Công ty Than Mạo Khê, góp phần không nhỏ cùng công ty hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời gian qua và mong muốn, trong thời gian tới, các công nhân lao động dân tộc thiểu số tiếp tục cùng tập thể người lao động trong toàn công ty từng bước khắc phục khó khăn, yên tâm công tác và cùng nhau xây dựng ngôi nhà lớn Công ty Than Mạo Khê với phương châm “Trách nhiệm - Thân thiện - Sáng tạo”.

Doanh nghiệp than nỗ lực thu hút và giữ chân thợ lò
Đoàn đại biểu Huyện ủy Mường Khương tham quan diện sản xuất hầm lò của Công ty Than Dương Huy

Trong những năm qua, Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả - Vinacomin luôn chú trọng công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân kỹ thuật. Công ty xác định việc nâng cao chất lượng, trình độ nhân lực ở tất cả lĩnh vực, ngành nghề, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao là vấn đề quan trọng, đặc biệt cần thiết, với mục đích giúp người lao động chủ động nắm vững kiến thức, rèn tay nghề, xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, chuyên nghiệp... Bởi vậy, công ty đã tổ chức thi nâng bậc công nhân kỹ thuật năm 2022.

Kỳ thi nâng bậc công nhân kỹ thuật năm 2022 của công ty có 101 thí sinh thuộc 23 nhóm ngành nghề của 11 đơn vị trực thuộc tham dự. Các công nhân kỹ thuật tham gia kỳ thi có thời gian tự ôn luyện với hệ thống câu hỏi, đề cương được chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể và sát thực với công việc thực tế.

Phần thi của các thí sinh được chia thành hai phần là lý thuyết và tay nghề. Phần thi lý thuyết diễn ra từ ngày 2-11 đến ngày 18-11 tại trụ sở công ty. Bài thi được Hội đồng chấm điểm và thông báo kết quả đến từng cá nhân. Phần thi tay nghề diễn ra từ ngày 25-11 đến hết ngày 1-12-2022 tại hiện trường các công trường phân xưởng nơi người lao động làm việc.

Việc tổ chức ôn luyện, thi nâng bậc một cách bài bản định kỳ hằng năm giúp công tác đào tạo, nâng bậc nghề, nâng lương đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho công nhân lao động. Đây cũng là dịp để công nhân lao động học tập, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp, qua đó góp phần xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật của công ty luôn vững vàng về chuyên môn, thành thạo về tay nghề, nâng cao tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động đáp ứng yêu cầu thực tế, có khả năng làm chủ công nghệ và thiết bị hiện đại.

Có thể khẳng định, chăm lo cho thợ mỏ ngày càng đủ đầy hơn không chỉ là nét văn hóa đẹp của các doanh nghiệp than mà còn là nguồn lực chính để ngành Than phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước.

Thu nhập bình quân của thợ lò tại các đơn vị thành viên TKV từ 20-25 triệu đồng/người/tháng. Một số thợ lò giỏi có thu nhập tới 600 triệu đồng/người/năm.

Tùng Dương