Doanh nghiệp kinh doanh vàng: SJC lãi mỏng, lợi nhuận PNJ áp đảo DOJI

09:03 | 17/04/2024

5,720 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trước diễn biến giá vàng trên thị trường liên tục “nhảy múa”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Vậy các doanh nghiệp này đang làm ăn ra sao những năm qua?
Không để giá vàng ảnh hưởng đến phát triển kinh tếKhông để giá vàng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế
Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàngĐề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Năm 2023 là một năm đầy biến động của thị trường vàng khi ghi nhận những đợt tăng giá, “xô đổ” mọi kỷ lục với mức chênh lệch chưa từng thấy với giá vàng quốc tế. Thế nhưng, bước sang năm 2024, vàng tiếp tục là tâm điểm trên thị trường khi tăng giá phi mã, liên tục lập kỷ lục mới.

Trước tình trạng giá vàng trên thị trường liên tục “nhảy múa”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký Công điện số 22/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.

Vào sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 32, cho ý kiến về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 3/2024. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Doanh nghiệp kinh doanh vàng: SJC lãi mỏng, lợi nhuận PNJ áp đảo DOJI

Doanh nghiệp kinh doanh vàng làm ăn ra sao trước yêu cầu thanh tra, kiểm tra?

Trong một nghiên cứu của Vietnam Direct, ở Việt Nam hiện có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý. Tuy nhiên, trên thị trường vàng Việt Nam, không có nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh vàng. Số ít có thể kể đến như SJC, Bảo Tín, PNJ và DOJI. Còn lại đều là các thương hiệu vàng không mấy tên tuổi ở các địa phương và không có hệ thống cửa hàng lớn như các doanh nghiệp kể trên.

Ngoài SJC có vốn Nhà nước, 3 doanh nghiệp còn lại là tư nhân, trong đó PNJ và DOJI là các doanh nghiệp phát triển sau nhưng có hệ thống cửa hàng trải dài từ bắc vào nam.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ghi nhận doanh thu đạt hơn 27.150 tỷ đồng, vượt 18.760 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp 250 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Tính đến cuối năm 2022, nợ phải trả của SJC tăng 27% so với đầu năm, đạt mức 195,2 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 1.544 tỷ đồng. Các năm trước đó, doanh thu thuần của SJC lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại mỏng, chỉ vài chục tỷ đồng.

Năm 2023, SJC đặt mục tiêu doanh thu hơn 30.416 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 56 tỷ đồng. Hiện tại doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2023.

Doanh nghiệp kinh doanh vàng: SJC lãi mỏng, lợi nhuận PNJ áp đảo DOJI

Được biết, SJC là công ty hoạt động chính trong lĩnh vực mua bán vàng bạc, sản xuất vàng miếng, hàng trang sức, nhập khẩu vàng nguyên liệu và vàng miếng theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Còn về đại gia bán lẻ vàng bạc trang sức - Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) năm 2022 mang về hơn 33.876 tỷ đồng doanh thu và 1.807 tỷ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt 73% và 76% so với năm trước, vượt 31% chỉ tiêu doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận.

Với kết quả kinh doanh khả quan, năm 2023, PNJ tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cao gồm 35.598 tỷ đồng doanh thu và 1.937 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Mới đây, PNJ cũng công bố kết quả kinh doanh năm 2023. Theo đó, năm 2023 PNJ mang về 33.137 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 2% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế đạt 1.971 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với 2022 nhờ chiếm lĩnh thêm thị phần. So với mục tiêu đề ra, PNJ đã thực hiện được 93% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 2% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2024 (mùa Tết và Thần tài), PNJ ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 22% lên 8.478 tỷ đồng dù sức mua vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm nhẹ 1% so với nền kỷ lục năm ngoái, về mức 550 tỷ đồng.

Ngược lại, một doanh nghiệp cũng kinh doanh vàng là Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI của nhà đại gia Đỗ Minh Phú ghi nhận kết quả kinh doanh khá bấp bênh.

Cụ thể, năm 2022 DOJI ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm trước. Bước sang năm 2023, DOJI bất ngờ ghi nhận lãi sau thuế hơn 491 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với năm 2022. Lợi nhuận giảm mạnh nhưng cũng giúp vốn chủ sở hữu tại DOJI tính đến cuối năm 2023 tăng gần 400 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 6.745 tỷ đồng. Thế nhưng, nợ phải trả tại DOJI bất ngờ tăng vọt so với đầu năm, lên hơn 15.850 tỷ đồng.

Như vậy, sau một năm 2022 "bung lụa" lãi nghìn tỷ, năm 2023 DOJI quay về mức lãi trăm tỷ.

Đáng chú ý, so với doanh nghiệp cùng ngành là PNJ thì lợi nhuận tại DOJI khá khiêm tốn. Một điều khá bất ngờ là, lợi nhuận tại DOJI suy giảm trong năm 2023 khi giá vàng tăng mạnh. Năm 2023, giá vàng tăng khoảng 10 triệu và đạt mức trên 76 triệu đồng/lượng vào cuối năm. Thị trường vàng cũng sôi động trong tháng cuối năm.

Doanh nghiệp kinh doanh vàng: SJC lãi mỏng, lợi nhuận PNJ áp đảo DOJI

Tính đến thời điểm hiện tại, PNJ có 402 điểm bán tại 55 tỉnh thành. Con số này bao gồm 393 cửa hàng PNJ Gold, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery, 5 cửa hàng Style by PNJ và 1 Trung tâm kinh doanh sỉ.

Còn tại DOJI, tính đến nay có 14 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, 4 công ty liên kết góp vốn, 50 chi nhánh và gần 200 trung tâm và hơn 400 đại lý trên toàn quốc.

https://petrotimes.vn/

Mạnh Tưởng - Hoàng Trang