Điều gì đang cản trở sự tăng trưởng của thị trường dầu mỏ toàn cầu?

10:29 | 18/06/2021

1,453 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đại dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt hơn trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đạt được tỷ lệ cao trong tiêm chủng vacxin ngừa Covid-19. Về dự báo dài hạn, các chuyên gia của Rystad Energy cho rằng, nhu cầu dầu mỏ và giữa thế kỷ XXI có thể giảm xuống 50 triệu thùng/ngày nếu quá trình khử carbon toàn cầu gặp nhiều điều kiện thuận lợi.
Điều gì đang cản trở sự tăng trưởng của thị trường dầu mỏ toàn cầu?

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở châu Âu đang tăng lên và lĩnh vực giao thông đường bộ ở các nước EU đang quay trở lại gần mức tăng trưởng trước đại dịchTheo số liệu của Reuters, tiêu thị xăng tại thị trường Mỹ đang phục hồi nhanh chóng. Các cơ sở công nghiệp và văn phòng đang dần mở cửa trở lại, đồng thời dòng khách du lịch đang gia tăng.

Trong làn sóng thứ nhất (04/2020), lĩnh vực giao thông đã ghi nhận sụt giảm 41%. Làn sóng thứ hai của đại dịch (12/2020) cũng đến khiến lĩnh vực này suy giảm 11%. Đến tháng 3/2021, lĩnh vực này đã nhanh chóng phục hồi về gần mức trước đại dịch và chỉ kém 4% so với cùng kỳ năm 2019. Tại Mỹ, việc nới lỏng các hạn chế xã hội khiến cường độ đi lại của người dân gia tăng mạnh. Sản lượng xăng dầu bán ra trong tháng 5/2021 tại thị trường nội địa Mỹ đạt mức 8,9 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn 400.000 thùng/ngày so với mức trung bình trong giai đoạn 2015 - 2019. Sản xuất xăng tại các nhà máy lọc dầu của Mỹ hiện chỉ thấp 3% so với mức trung bình trong giai đoạn 2015 - 2019. Theo Reuters, lĩnh vực giao thông và tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu tại Mỹ sẽ phục hồi hoàn toàn trong quý 3 năm nay. Lượng lớn sản phẩm xăng dầu dự trữ trong thời gian đại dịch đã được thị trường hấp thụ hoàn toàn trong mùa xuân năm 2021. Mức dự trữ xăng dầu hiện nay tại Mỹ đang tương đương với mức trung bình của giai đoạn 2015 - 2019.

Trong bối cảnh đại dịch, tốc độ phục hồi tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình phong tỏa, cách ly xã hội ở Ấn Độ. Theo Reuters, tiêu thụ dầu ở quốc gia này trong tháng 5/2021 đã giảm 500.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2019. Theo dự báo, những hậu quả tiêu cực của đợt bùng phát lây nhiễm Covid-19 sẽ tiếp tục gây áp lực đến thị trường tiêu thụ năng lượng của nước này. Do đó mà Rystad Energy dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu chỉ có thể phục hồi hoàn toàn trong vòng hai năm tới.

Chuyên gia Viktor Kurilov của Rystad Energy cho biết, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đã sụt giảm kỷ lục 22 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020. Trong 6 tháng tiếp theo, ⅔ sự sụt giảm này đã được thị trường hấp thụ. Tuy nhiên, quá trình phục hồi bị chậm lại do sự bùng phát những đợt dịch mới vào cuối năm 2020 - đầu năm 2021. Trong mùa xuân năm nay, quá trình phục hồi tiêu thụ dầu đã bị chặn lại bởi các biến chủng mới của Covid-19 xâm nhập vào châu Âu, cũng như lây lan mạnh tại Brazil, Ấn Độ và các quốc gia khác. Tuy nhiên, việc triển khai chiến dịch tiêm chủng và phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở một số nền kinh tế lớn đang mang đến một mùa hè “nóng” trên thị trường dầu mỏ. Theo ước tính của Rystad Energy, nhu cầu dầu sẽ tăng 5-6 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Lượng dự trữ dầu giảm trong những tháng mùa hè đã đẩy giá dầu Brent vượt mốc 70 USD/thùng và sắp tới sẽ phụ thuộc vào quyết định tiếp theo của OPEC+. Tuy nhiên, giá dầu có thể sẽ quay trở lại biên độ 60 - 70 USD/thùng khi nhu cầu tiêu thụ chững lại.

Rystad Energy cho rằng, các nước sản xuất dầu trong khuôn khổ OPEC+ sẽ duy trì vị thế thống trị trong ngành ít nhất là đến hết thập kỷ này vì hoạt động sản xuất dầu khí của các công ty châu Âu và Mỹ bị ảnh hưởng bởi những cam kết khí hậu nhằm giảm phát thải CO2. Các nhà sản xuất dầu mỏ khác cũng chưa sàng tăng đáng kể sản lượng.

Trong thời kỳ đại dịch, lĩnh vực dầu đá phiến của Mỹ đã có sự thay đổi. Các công ty dầu đá phiến đã thay đổi mô hình kinh doanh: chỉ tái đầu tư 60% dòng tiền vào công tác khoan và hoàn thiện giếng, phần lớn còn lại tập trung vào tăng lợi tức đầu tư và giảm nợ. Hầu hết các công ty trong lĩnh vực này xác nhận không tăng đáng kể sản lượng khai thác cho đến cuối năm 2021. Nhiều nhà sản xuất dầu của Mỹ cũng đã bị thiệt hại bởi bảo hiểm rủi ro giá ở mức của năm 2020. Tuy nhiên, Rystad dự báo, sự gia tăng đầu tư vào sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ sẽ xảy ra trong năm 2022. Phân khúc này sẽ tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ kỷ lục được ghi nhận trong giai đoạn 2017-2018.

Tổng thống Biden đang xem xét khả năng hủy bỏ các ưu đãi dành cho các nhà sản xuất dầu đá phiến cũng như việc tăng thuế carbon (khoảng 100 USD/tấn CO2). Do đó, mức giá dầu có thể hỗ trợ cho lĩnh vực dầu đá phiến tại Mỹ sẽ tăng từ 45 USD/thùng hiện tại lên 65 USD/thùng. Đây sẽ là yếu tố giữ giá dầu ở mức cao cho đến cuối thập kỷ này. Thị trường sẽ đạt cân bằng từ tháng 8/2021. Việc dự trữ dầu giảm đáng kể có thể gây ra tình trạng “quá nóng” trên thị trường và đẩy giá dầu tăng.

Sự trở lại của Iran trên thị trường dầu mỏ có thể góp phần hạn chế tình trạng thiếu dầu. Cả Mỹ và Iran đã lập một lộ trình cho một thỏa thuận khung, bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nhưng ngay cả thông tin về việc hai bên sẽ ký một thỏa thuận hạt nhân mới đã khiến giá dầu giảm 2%. Mặc dù phía Iran tuyên bố sẽ tăng dần xuất khẩu dầu thô, nhưng nguồn nhiên liệu đã tích lũy cộng thêm tiềm năng đáng kể của các cơ sở sản xuất dầu tại nước này sẽ gây áp lực lên giá dầu. Theo các dự báo chính thức, Iran có thể trở lại mức sản xuất 4 triệu thùng/ngày và tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, theo Rystad Energy, yếu tố chính gây áp lực lên thị trường trong những tháng đầu năm nay là thời tiết, khí hậu. Khử carbon đã trở thành một xu hướng mang tính chính trị, đe dọa những thay đổi cơ bản trong các thị trường hàng hóa truyền thống. Các sáng kiến nổi bật trong thời gian gần đây là báo cáo Net-Zero của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) và quyết định của Quốc hội Tây Ban Nha về việc ngừng phát triển hydrocarbon.

IEA cũng đã thông báo sự cần thiết phải ngừng thăm dò dầu khí. Theo các chuyên gia của IEA, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, thế giới cần phải dừng triển khai các dự án dầu khí và than mới. Cơ quan này cũng kêu gọi dừng bán động cơ đốt trong và khí hóa các tòa nhà mới. Đây là một sự thay đổi rõ rệt trong những phát ngôn của tổ chức quốc tế này, khi mà trước đó IEA thường tránh những tuyên bố mang tính cấp tiến.

Ngành công nghiệp dầu mỏ không được chuẩn bị cho những sự thay đổi mang tính bước ngoặt và phá vỡ trật tự cũ. Các công ty dầu khí hy vọng sẽ tiếp tục sản xuất dầu và khí đốt bằng cách đầu tư vào các dự án năng lượng “xanh” và các cam kết về môi trường nhằm bù đắp những tác động tiêu cực của phát thải khí nhà kính. Liên quan đến báo cáo IEA Net-Zero, OPEC đã ra tuyên bố đặc biệt rằng, việc không cần đầu tư mới vào dầu khí sau năm 2021 là hoàn toàn đi ngược lại với các kết luận được thể hiện trong các báo cáo khác của IEA. Tuyên bố như của IEA có thể trở thành sự bất ổn tiềm tàng trên thị trường nếu một số nhà đầu tư làm theo. Việc hạn chế tài chính cho sản xuất dầu thô và khí đốt, cắt giảm đầu tư vốn, thắt chặt các quy định về khí hậu đã khiến các công ty khai thác phải sửa đổi kế hoạch, điều chỉnh danh mục đầu tư, ngừng tham gia một số dự án và bán bớt tài sản dầu khí. Điều này có thể dẫn đến sụt giảm nguồn cung trên thị trường trong những năm tới.

Rystad Energy lưu ý rằng, đầu tư vào lĩnh vực thượng nguồn đã giảm 30% trong năm 2020 và tình trạng này sẽ tiếp tục trong năm nay. Các dự án phức tạp, đòi hỏi vốn lớn, nhất là các dự án ngoài khơi bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù quá trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư tại các công ty dầu khí diễn ra chậm trong năm 2020, nhưng các khoản đầu tư dầu khí ở nước ngoài đã giảm 15% trong năm vừa qua. Rystad dự báo, tình trạng cắt giảm chi phí thượng nguồn sẽ tiếp tục trong năm nay. Trong những năm tiếp theo của thập kỷ này, các chuyên gia cho rằng khó dự báo sự phát triển của thị trường bởi những áp lực không chỉ đến từ quá trình khử carbon và những cam kết khí hậu mà còn đến từ sự suy giảm đầu tư vào dầu khí trong một thời gian đáng kể. Các khoản đầu tư dầu khí sẽ khó có khả năng phục hồi về mức của năm 2019 trong những năm tới. Và sau năm 2025, tác động của sự sụt giảm đầu tư theo chu kỳ là có thể xảy ra, đi kèm với cắt giảm hoạt động dầu mỏ của những công ty hàng đầu. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần những sản lượng mới đáng kể.

Rystad Energy đã điều chỉnh dự báo dài hạn về nhu cầu dầu do mục tiêu trung hòa carbon của các chính phủ và công ty năng lượng lớn đặt ra, sự bùng nổ doanh số bán xe điện vào năm 2020 và gia tăng đầu tư vào NLTT. Theo Rystad Energy, nhu cầu dầu sẽ vượt đỉnh vào năm 2026 ở mức 101 - 102 triệu thùng/ngày. Sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ sẽ bắt đầu vào những năm 2030 và sẽ giảm 50% đến năm 2050. Tuy nhiên, giá dầu dài hạn có thể sẽ ở mức 50 USD/thùng. Nhu cầu dầu mỏ đến giữa thế kỷ này có thể giảm xuống 50 triệu thùng/ngày.

Tiến Thắng