Điểm lại những bê bối nghe lén điện thoại trên thế giới

15:39 | 27/10/2018

476 lượt xem
|
(PetroTimes) - Cùng điểm lại những bê bối nghe lén trên thế giới với nhiều mục đích từ chính trị, ngoại giao cho đến việc chỉ để câu khách.

Tờ báo “lá cải” ở Anh nghe lén người nổi tiếng để moi tin

Năm 2011, tờ báo News of the World ở Anh bị buộc tội nghe lén điện thoại di động của nhiều nhân vật nổi tiếng, các chính trị gia, các nạn nhân trong các vụ án và thậm chí là cả người thân của các binh sĩ tử trận để moi tin tức.

Những cái tên đáng chú ý bị tờ báo này đưa vào tầm ngắm là tài tử điện ảnh Hugh Grant, luật sư Max Clifford, các nữ diễn viên Sienna Miller và Gwyneth Paltrow, cựu nghị sĩ George Galloway, nguyên phó thủ tướng John Prescott, thị trưởng London Boris Johnson, chuyên gia bóng đá Andy Gray hay cựu cầu thủ Paul Gascoigne.

Trước nhiều sức ép, tờ báo "lá cải" lớn nhất và lâu đời nhất của Anh, vẫn thường phát hành với số lượng khổng lồ lên tới khoảng 2,8 triệu bản mỗi ngày sẽ phải ngừng phát hành kể từ ngày 10/7.

Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ theo dõi công dân của 35 quốc gia

Năm 2013, Mỹ thừa nhận nghe lén Mỹ đã lên tiếng thừa nhận việc nước này nghe lén điện thoại của công dân và lãnh đạo các nước trên thế giới, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ, đã gây căng thẳng ngoại giao.

diem lai nhung be boi nghe len tren the gioi
Điểm lại những bê bối nghe lén trên thế giới

Đến năm 2016, theo những tài liệu được tiết lộ từ trang WikiLeaks, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã do thám cuộc họp giữa các lãnh đạo thế giới gồm Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Một số tài liệu được NSA xếp loại tuyệt mật và là những tài liệu bí mật nhất chưa từng được công bố trên phương tiện truyền thông.

Không chỉ dính đến những bê bối về nghe lén ở nước ngoài, nước Mỹ cũng dính phải những bê bối nghe lén trong chính nền chính trị nước mình. Năm 2017, Tổng thống Donal Trump cáo buộc cựu Tổng thống Obama cài thiết bị nghe lén tại dinh thự riêng của ông là Trump Tower trong thời gian tranh cử. Các cuộc điều tra đã được Nhà Trắng tiến hành, tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra.

Bê bối nghe lén khiến Chính phủ Macedonia sụp đổ

Một vụ bê bối nghe lén khiến Chính phủ Macedonia sụp đổ hồi năm 2015. Vụ việc này kéo theo một Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 2 năm tại Macedonia, sau khi các đảng đối lập cáo buộc Thủ tướng Nikola Gruevski và người phụ trách cơ quan tình báo chống khủng bố đứng sau vụ nghe lén điện thoại của hơn 20.000 người.

Liên minh châu Âu (EU) - khu vực mà Macedonia đang xin gia nhập, đã buộc phải làm trung gian cho một thỏa thuận, trong đó các đảng phái nhất trí tiến hành bầu cử trước thời hạn và thành lập văn phòng công tố viên đặc biệt điều tra vụ nghe lén. Tháng 6/2017, công tố viên đặc biệt Macedonia đã tiến hành truy tố 94 người, trong đó có nhiều cựu quan chức chính phủ cấp cao, với các cáo buộc hình sự được phát hiện trong các đoạn băng bị nghe lén.

Vụ nghe lén nổi tiếng khiến Tổng thống Mỹ từ chức

Watergate vẫn được xem là một trong những bê bối chính trị đình đám nhất thế giới từ trước tới nay. Sự cố khiến Richard Nixon, Tổng thống thứ 37 của Mỹ trở thành ông chủ Nhà Trắng đầu tiên và cũng là duy nhất phải từ chức khi chưa hết nhiệm kỳ.

Sau khi bắt năm kẻ đột nhập văn phòng của Đảng Dân chủ tại Khách sạn Watergate vào ngày 17 tháng 6 năm 1972, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) lần ra manh mối của chiến dịch do thám này: chính các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon, cùng với ủy ban vận động bầu cử của ông đã tổ chức vụ đột nhập này nhắm vào đối thủ chính trị là Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, các kết quả điều tra của FBI đã bị ỉm đi dưới những âm mưu che đậy của Nhà Trắng cho tới khi hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post công bố trên mặt báo. Quốc hội Mỹ bèn lập ủy ban điều tra. Trước nguy cơ bị quốc hội phế truất, ngày 9 tháng 8 năm 1974, Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức.

H.A

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc