Điểm lại 4 "đại án tham nhũng" ở Agribank
Các bị cáo trong vụ tham ô tài sản xảy ra tại ALC II.
Tham ô tài sản, cố ý làm trái ở Công ty cho thuê tài chính 2 (ALCII)
Trong danh sách 10 đại án tham nhũng được Ban Nội chính Trung ương chỉ ra thì vụ án tại ALCII (thuộc Agribank) được chỉ ra là một trong những vụ lớn nhất. Lớn cả về quy mô cũng như tính chất, mức độ sai phạm của vụ án.
Theo cáo trạng, từ năm 2006 – 2009, ALC II do Vũ Quốc Hảo là Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng cho thuê. Đến cuối năm 2008, đầu 2009, vì mục đích giảm tỉ lệ nợ xấu và có tiền cho các doanh nghiệp có quan hệ làm ăn cũng như sử dụng cá nhân, Hảo đã móc nối với Lê Đoàn Tám (Giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Đại Dương) và Lê Văn Phong (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàm Rồng, tỉnh Đồng Nai), Khương Minh Hiệp (Giám đốc Công ty cổ phần Đại Phú Gia), Phạm Minh Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Xuân Việt) và một số cán bộ ALC II thực hiện nhiều hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng mua bán tín dụng “khống” để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Cụ thể, quá trình quen biết, Hảo có hợp tác với Phong trong việc đầu tư xây dựng dự án khu căn hộ Trường An tại thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) và đầu tư bất động sản tại quận 7 (TP. Hồ Chí Minh). Trong quá trình làm ăn, Hảo đã nhiều lần vay tiền của Tám để chuyển cho các “đối tác” của mình, trong đó chuyển cho Lê Văn Phong tổng cộng 60 tỉ đồng để đầu tư. Tính đến tháng 2/2009, khoản tiền mà Hảo và Phong nợ ông Tám lên đến 75 tỉ đồng bao gồm cả gốc lẫn lãi.
Để có tiền chi trả cho khoản làm ăn bên ngoài và tiêu xài cá nhân, Hảo đã móc nối với Đặng Văn Hai (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xây dựng thương mại Quang Vinh, khách hàng của ALCII) ký hợp đồng khống về thuê tài chính và mua bán tài sản là máy cẩu thủy lực bánh xích, rút tiền của Công ty ALC II để trả nợ.
Ngày 2/3/2009, Hảo đứng ra ký hợp đồng mua bán khống cần cẩu thủy lực bánh xích trị giá 135 tỉ đồng với công ty Quang Vinh. Sau đó, chính ông Hảo đã duyệt chi, chuyển cho công ty Quang Vinh 120 tỉ đồng. Giải ngân xong, Hảo lấy 75 tỉ đồng để trả nợ.
Trước đó, vào tháng 3/2008, trong quá trình tất toán ba hợp đồng thuê tài chính giữa Công ty Hàm Rồng với ALC II, Hảo đã nhận 4,9 tỉ đồng tiền thanh lý tài sản nhưng không nhập quỹ công ty. Số tiền tham ô lần này, Hảo lấy 2,8 tỉ đồng trả nợ tiền mua đất đầu tư tại tỉnh Tiền Giang, số còn lại dùng để trả nợ cá nhân.
Không chỉ tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong thời gian đương chức, Hảo đã móc nối cùng các đồng phạm cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho ALCII hơn 373 tỉ đồng.
Với mục đích giảm tỷ lệ nợ xấu, nợ khó đòi, đạt chỉ tiêu lợi nhuận để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, Hảo đã đưa ra chủ trương cho cán bộ công ty và người quen ở ngoài tiến hành huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng, đơn vị doanh nghiệp để hưởng chi phí hoa hồng cao.
Thông qua các mối quan hệ, Hảo cùng một số lãnh đạo, cán bộ phòng ban đã bàn bạc, thống nhất với một số đối tác quen biết như Lê Văn Phong, Đặng Văn Hai, Phạm Minh Tuấn, Trần Văn Khanh, Hoàng Ngọc Tuấn cố ý làm trái quy định, “hô biến” 8 hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng mua bán giữa ALCII với các đối tác trên để giải ngân 621,8 tỉ đồng.
Tổng giá trị thiệt hại mà Hảo và các đồng phạm gây ra trong vụ án này là hơn 531 tỉ đồng.
Với những hành vi trên, các bị cáo bị cáo buộc các tội danh: "Tham ô tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cho vay sai, thất thoát gần 1.000 tỉ đồng ở Agribank chi nhánh 6
Một phân xưởng của Công ty Dệt Kim Đông Phương.
Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận chuyển đổi 17.136m2 đất để lập dự án đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ cao tầng, Công ty Dệt kim Đông Phương (Tập đoàn Dệt – May Việt Nam) đã ký hợp đồng với Công ty BĐS Phương Nam thành lập Cty liên doanh Đông Phương Phát. Trong đó vốn góp của Đông Phương là 10% và Phương Nam là 90% vốn góp.
Sau đó, Phương Nam đã nhượng lại 80% số vốn góp cho Công ty Bình Phát do ông Dương Thanh Cường làm Tổng giám đốc để cùng thực hiện dự án. Để có tiền thực hiện liên kết, Thành đã trao đổi với Hồ Đăng Trung – Giám đốc Agribank chi nhánh 6 TP Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, Cường đã chỉ đạo nhân viên Công ty lập hồ sơ vay vốn và chỉ đạo Thái Cường - Giám đốc Công ty Tấn Phát ký hồ sơ gửi Agribank chi nhánh 6 để vay 170 tỉ.
Khi Thái Cường nộp hồ sơ, Trung chỉ đạo Hồ Văn Long - Trưởng phòng tín dụng, Nguyễn Hoàng Quốc Thụy - cán bộ tín dụng thực hiện. Dù biết dự án chưa được phê duyệt, tài sản thế chấp là giấy chứng nhận tạm thời không đủ điều kiện thế chấp cho vay... nhưng Trung vẫn ký duyệt cho Thái Cường vay 170 tỉ đồng.
Để được vay 170 tỉ đồng, Cường chỉ đạo Thái Cường lập hồ sơ vay và thế chấp bằng quyền sử dụng đất tạm thời tại số 10 Âu Cơ và 44 An Dương Vương, TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, sau khi lấy được tiền, Dương Thanh Cường lại chỉ đạo Thái Cường đến Agribank chi nhánh 6 mượn lại giấy chứng nhận với lý do “làm thủ tục chuyển quyền sử dụng”. Lấy được giấy chứng nhận, Dương Thanh Cường đã mang đến Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank - PNB) thế chấp vay tiền, gán luôn giấy chứng nhận này cho Ngân hàng Phương Nam.
Sau đó, Dương Thanh Cường sử dụng pháp nhân Công ty Thanh Phát lập dự án “khu biệt thự nhà vườn Thanh Phát”. Dù dự án chưa được phê duyệt đầu tư nhưng Trung vẫn ký cho Công ty Thanh Phát vay 893,4 tỉ đồng. Trong khi đó, hợp đồng thế chấp tài sản đều ghi là “tài sản hình thành trong tương lai”.
Chỉ bằng 2 hợp đồng, Trung và những cán bộ Agribank chi nhánh 6 đã gây thiệt hại 1.027 tỉ đồng.
Khi vay tiền mà chỉ có “tài sản hình thành trong tương lai”, Agribank chi nhánh 6 đã yêu cầu Dương Thanh Cường phải có tài sản thế chấp. Dương Thanh Cường đã tìm cách có được 23 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh để thế chấp tại Agribank chi nhánh 6.
Sau khi thế chấp, Dương Thanh Cường “mượn lại” 23 giấy chứng nhận này để mang đến Ngân hàng TMCP Phương Nam thế chấp vay tiền. Với hành vi này, Dương Thanh Cường đã phạm 2 tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Agribank chi nhánh 6 TPHCM trên 1.000 tỉ đồng.
Với những hành vi trên, ngày 22/9, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 11 đối tượng trong vụ án xảy ra tại Công ty dệt kim Đông Phương và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh số 6 TP Hồ Chí Minh về các tội: Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại 3.900 tỉ đồng ở Agribank nam Hà Nội
Phạm Thanh Tân - nguyên Tổng giám đốc Agribank.
Liên quan đến vụ việc này, đầu năm 2014, Cơ quan điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Tân cùng một số cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ thiệt hại 3.900 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.
Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Phạm Thị Bích Lượng (44 tuổi), nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, về hành vi “vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”. Bà Lượng có sai phạm trong việc cho Công ty liên doanh Lifepro Vietnam vay vốn đầu tư dự án.
Cụ thể: Năm 2007 dự án Luxfashion xây dựng nhà máy may, do Công ty liên doanh Lifepro Vietnam làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 197 triệu USD. Dự án này được Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đầu tư hàng nghìn tỉ đồng và đã giải ngân phần vốn cố định bằng VND và ngoại tệ tương đương 3.000 tỉ đồng...
Dự án này sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động nhưng chỉ sau vài tháng đã ngừng hoạt động vào tháng 8-2012, giám đốc công ty bỏ về nước. Để thu hồi khoản nợ, Agribank chi nhánh Nam Hà Nội có văn bản số 941/NHN-TD đề nghị công ty này không tiến hành các thủ tục chuyển nhượng cổ phần, cổ đông hay mọi sự thay đổi khác khi chưa có ý kiến của ngân hàng do toàn bộ tài sản của dự án đã được thế chấp, vay vốn tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, yêu cầu thu xếp tài chính trả nợ ngân hàng nhưng đến nay vẫn không thu hồi được cả vốn lẫn lãi.
Buôn ngoại tệ lỗ gần 500 tỉ đồng ở SQL
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc phụ trách giao dịch, kinh doanh vốn và ngoại tệ - Sở Quản lý, kinh doanh vốn và ngoại tệ (SQL), thuộc Agribank và Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Trưởng phòng kinh doanh SQL đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm trái các quy định của Nhà nước.
Cụ thể: Nguyễn Anh Tuấn tuy không phải là cán bộ thuộc Phòng kinh doanh ngoại tệ - SQL, không phải giao dịch viên nhưng đã trực tiếp giao dịch mua bán ngoại tệ chuyển đổi trên máy Reuters. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Anh Tuấn còn chỉ đạo Nguyễn Tuấn Anh mua bán ngoại tệ chuyển đổi với số lượng và giá trị lớn. Thống kê của cơ quan điều tra cho thấy, có 47 ngày trạng thái giao dịch ngoại tệ vượt quá giới hạn quy định.
Cùng với đó, Nguyễn Anh Tuấn còn ký 53/66 báo cáo trạng thái ngoại tệ gửi Ngân hàng Nhà nước có nội dung số liệu không chính xác về kinh doanh ngoại tệ (có 43 ngày trạng thái ngoại tệ thực tế của Agribank vượt giới hạn cho phép). Điều này trái với quyết định 1081/2002/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Cáo trạng cáo buộc, trong quý 4 năm 2004, Nguyễn Anh Tuấn đã trực tiếp giao dịch mua bán ngoại tệ theo chỉ đạo của ông Nguyễn Tuấn Anh, thực hiện 1.398 giao dịch với tổng giá trị hơn 17,3 triệu USD (chiếm 97% tổng số mua bán ngoại tệ chuyển đổi).
Còn đối với Nguyễn Tuấn Anh, cáo trạng cáo buộc ông này có hành vi trực tiếp giao dịch mua bán ngoại tệ chuyển đổi trên máy Reuters vượt quá giới hạn cho phép, đồng thời còn trực tiếp ký tên trên mục giao dịch của hầu hết các chứng từ mua bán ngoại tệ chuyển đổi không đúng với thực tế người đã trực tiếp giao dịch.
Thanh Ngọc
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025